(HNM) -
Bị cáo Huỳnh Ngọc Sỹ trong vụ án nhận hối lộ gây xôn xao dư luận. |
Ba năm, thanh tra chuyển cơ quan điều tra 4 vụ
Trong 3 năm (2007-2009) Thanh tra TP Hồ Chí Minh chỉ kết luận, chuyển sang cơ quan điều tra 4 vụ có dấu hiệu tội phạm tham nhũng (TPTN), còn thanh tra ở 24 quận, huyện cũng chỉ làm được 8 vụ. Thượng tá Nguyễn Minh Thông - Phó Trưởng phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ - Công an TP phản ánh: Riêng thanh tra chuyên ngành không chuyển hồ sơ nào cho cơ quan điều tra về tham nhũng! Vì không phát hiện được hay vì lẽ gì? - Lẽ ra, đây phải là đơn vị nguồn phát hiện dấu hiệu TPTN quan trọng nhất, vì am hiểu kiến thức và nắm chắc hoạt động ngành. Tuy nhiên trong thời gian dài, lực lượng này lại không phát hiện trường hợp nghi vấn tham nhũng nào để chuyển cơ quan điều tra làm rõ là điều rất bất thường. Cũng có trường hợp khi phát hiện tiêu cực, nhiều nơi không kiên quyết giao cho cơ quan điều tra mà chỉ xử lý nội bộ, dẫn đến tình trạng tiếp tục phạm tội ở mức độ nghiêm trọng hơn.
Nhìn lại vụ thất thoát 120 tỷ đồng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) - Chi nhánh Tân Bình. Trong đó, Trần Huỳnh Nghĩa (Giám đốc Công ty TNHH Cát Phương Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Trường Phát Đạt) cùng Nguyễn Thị Phương Hoa (nguyên Phó Giám đốc kinh doanh Công ty Reetech) đã làm giả cổ phiếu, hợp đồng kinh tế để vay tiền, rồi chiếm đoạt 120 tỷ đồng. Tất cả thủ tục giả mạo đều thực hiện trót lọt "thần tốc" trong vòng một ngày nhờ có sự tiếp tay của Giám đốc chi nhánh Nguyễn Tám, Phó Giám đốc chi nhánh Phạm Việt Văn... Hậu quả này đã có thể ngăn chặn nếu Thanh tra Ngân hàng Nhà nước vào cuộc kịp thời. Đáng tiếc, khi phát hiện chi nhánh Agribank Tân Bình sai phạm nguyên tắc, cho vay tín chấp cả 100 tỷ đồng thì Ngân hàng Nhà nước lại giao cho Agribank "tự xử"! Và ngay sau khi đoàn thanh tra nội bộ Agribank kết thúc, hồ sơ đã được "rửa sạch" bằng mớ cổ phiếu giả vào làm tài sản bảo đảm, rồi tiếp tục giải ngân thêm 20 tỷ đồng!
Điều này cho thấy, thanh tra chuyên ngành có thể phát hiện được, nhưng không chuyển cơ quan điều tra làm rõ sai phạm mà chỉ xử lý nội bộ, kéo dài thời gian sai phạm, dẫn đến thiệt hại nặng nề hơn.
Xử lý mọi hành vi bao che tham nhũng
Ông Võ Văn Quận, Trưởng phòng Thanh tra chống tham nhũng của Thanh tra thành phố cho biết: Trong 3 năm, cơ quan này chỉ phát hiện và chuyển hồ sơ sang công an điều tra xử lý 4 vụ việc. Cả 4 vụ đều được phát hiện từ… 3 năm trước. Còn từ đầu năm 2010 đến nay, Thanh tra TP Hồ Chí Minh không phát hiện thêm trường hợp tham nhũng nào! Theo ông, sở dĩ số liệu "khiêm tốn" như trên là bởi công tác thanh tra còn gặp nhiều hạn chế. Đó là những vướng mắc về pháp lý khiến lực lượng thanh tra gặp nhiều khó khăn. Đơn cử như luật quy định chỉ có Thanh tra Chính phủ mới có quyền thanh tra đột xuất. Còn thanh tra tỉnh, TP muốn tiến hành công việc lại phải thông báo trước. "Như vậy quy trình nghiệp vụ của chúng tôi bị mất hơn 1 tháng. Đây là khoảng thời gian để TPTN tẩu tán tài liệu, tài sản, hợp thức hóa các loại hóa đơn, chứng từ. Thanh tra phát hiện nhiều vụ sai phạm hàng trăm tỷ đồng nhưng chỉ thu hồi được khoảng 50% thiệt hại".
"Tham nhũng biểu hiện rất rõ qua sự giàu có bất minh của một bộ phận, ai cũng thấy? Vì sao thanh tra có ban bệ, hoạt động chuyên ngành trong nhiều năm mà có khi không phát hiện vụ tham nhũng nào? Có điều gì vướng mắc hay chúng ta có hoạt động nhưng lại bị ém nhẹm đi?", Viện trưởng Lê Thành Dương băn khoăn. Thượng tá Nguyễn Minh Thông đề nghị, "Trước nay, chúng ta chỉ xử lý TPTN nhưng thiếu truy cứu trách nhiệm những người liên quan. Trong trường hợp thanh tra chuyên ngành phát hiện dấu hiệu sai phạm mà không kiến nghị xử lý thì phải xem xét trách nhiệm. Mọi hành vi bao che, bưng bít sai phạm tham nhũng cần bị xử lý nghiêm".
Tin rằng với nỗ lực của các cơ quan tố tụng, công tác PCTN sẽ đem lại hiệu quả khả quan hơn. Và các cấp ủy Đảng sẽ đóng vai trò tiên phong trong phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng, chú trọng đề bạt, bổ nhiệm lãnh đạo, cán bộ đúng năng lực trình độ, phẩm chất đạo đức.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.