Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì sao chợ thành trung tâm thương mại kém hiệu quả?

Hưng Thịnh| 05/07/2013 14:56

(HNMO) - Chiều nay 5-7, tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7, HĐND TP Hà Nội khóa XIV tập trung vào 2 nhóm vấn đề: văn hóa-xã hội và dân sinh; quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng.

Đại biểu đặt câu hỏi tại phiên chất vấn sáng nay.


Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đã đăng đàn trả lời câu hỏi của các đại biểu HĐND về chương trình cải tạo xây dựng chợ kết hợp trung tâm thương mại. Nhiều công trình sau khi hoàn thành hiệu quả hoạt động thấp, trong khi đó, thực tế thiếu chợ dân sinh; tồn tại nhiều chợ cóc, chợ tạm.

Phó Chủ tịch UBND TP cho biết, thực hiện Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ, trong thời gian từ năm 2003 đến nay, TP Hà Nội đã thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ nhằm huy động nguồn vốn của doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia đầu tư xây dựng, quản lý, kinh doanh, khai thác chợ, phát triển hạ tầng thương mại bán lẻ trên địa bàn thành phố. Đến nay, trên địa bàn Hà Nội đã hoàn thành đầu tư xây dựng 5 công trình chợ kết hợp trung tâm thương mại và đưa vào sử dụng 4 công trình, đó là: Chợ Hàng Da, chợ Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm), chợ Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa), chợ Thanh Trì (huyện Thanh Trì). Hiện công trình chợ - trung tâm thương mại 19/12 đang được UBND quận Hoàn Kiếm và chủ đầu tư thực hiện các thủ tục đưa để đưa vào hoạt động.

Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh, việc xây dựng chợ kết hợp với các hoạt động dịch vụ khác như trung tâm thương mại, siêu thị, văn phòng cho thuê… nhằm thu hút các nguồn vốn của mọi thành phần kinh tế đầu tư, hiện đại hóa cơ sở vật chất hệ thống chợ, nâng cao hoạt động thương mại theo hướng văn minh, hiện đại.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Sửu cũng thừa nhận, hoạt động kinh doanh của loại hình chợ gắn với các dịch vụ nêu trên vẫn còn một số hạn chế, như: hoạt động kinh doanh tại khu vực chợ truyền thống kém hiệu quả hơn trước, chưa đảm bảo việc kinh doanh ổn định của các tiểu thương trong chợ. Theo ông Sửu, nguyên nhân chủ yếu đó là mô hình hỗn hợp chợ - trung tâm thương mại là mô hình mới, chưa có hướng dẫn về tiêu chuẩn thiết kế của các cơ quan chuyên môn (Bộ Xây dựng) nên việc thiết kế khu vực chợ chưa hợp lý. Bên cạnh đó, người dân có thói quen mua sắm ngay trên xe, phần lớn người dân ngại gửi xe trước khi vào chợ. Một số dự án xây dựng chợ - trung tâm thương mại trên nền chợ cũ có diện tích nhỏ, có thiết kế khu vực để xe ở tầng hầm với lối xuống dốc, người dân ngại đưa xe xuống gửi đã không khuyến khích người dân vào tham quan, mua sắm (điển hình là chợ Cửa Nam). Việc thực hiện các quy hoạch không đồng bộ, công trình chợ - trung tâm thương mại hoàn thành đầu tư xây dựng nhưng các công trình hạ tầng xung quanh chợ tiến độ hoàn thành không đồng bộ dẫn đến khó thu hút người dân vào mua sắm (điển hình là chợ Ô Chợ Dừa có quy hoạch đường Kim Liên kéo dài qua chợ đến nay chưa thực hiện)...

Đã có đại biểu HĐND TP tái chất vấn Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu về các vấn đề liên quan đến chợ, như: có giải pháp gì để khắc phục tình trạng các dự án chợ kết hợp với các loại hình dịch vụ khác (trung tâm thương mại, siêu thị, văn phòng...) hoạt động hiệu quả thấp như hiện nay? Đối với các dự án đầu tư xây dựng chợ chậm được triển khai sẽ xử lý như thế nào?

Phó Chủ tịch UBND TP cho biết, đối với chợ hoạt động thấp, TP đã hủy 2 dự án: Chợ Hôm Đức Viên và chợ Nghĩa Tân. TP cũng đã chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra, rà soát các dự án chợ kết hợp với các loại hình dịch vụ khác, trên cơ sở đó đã cho giãn tiến độ 9 dự án, như: Đuôi cá, Ngã Từ Sở, Thượng Đình, Khương Đình, Xuân La, Thành Công B, Khương Thượng. Đồng thời, yêu cầu các chủ đầu tư trong lúc chờ đợi phải cải tạo, đầu tư để bảo đảm chợ vẫn hoạt động bình thường, đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho rằng, từ nhiều năm nay, tình trạng chợ cóc họp ven tỉnh lộ, quốc lộ đã gây mất trật tự an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đề nghị TP cần có giải pháp quyết liệt để giải tỏa, xử lý triệt để tình trạng này.

Trước vấn đề này, ông Nguyễn Văn Sửu cho biết, UBND TP đã và đang chỉ đạo quyết liệt các cơ quan chức năng phải giải quyết dứt điểm tình trạng này.

Tuy nhiên, “ở đây để xảy ra tình trạng chợ cóc, chợ tạm họp tràn lan, trách nhiệm chính thuộc về chính quyền sở tại. Nếu giải tỏa rồi mà vẫn để tái phạm thì chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm trước UBND TP”- ông Sửu nhấn mạnh.

Một số đại biểu chất vấn, tại sao nhiều dự án chợ kết hợp với các dịch vụ khác đã đi vào hoạt động nhưng chợ tạm (trước đó nhằm đáp ứng nhu cầu mua bán trong quá trình xây dựng chợ) vẫn hoạt động. Điển hình là chợ tạm Phùng Hưng, mặc dù chợ Hàng Da đã hoàn thành và đi vào hoạt động.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP, chợ tạm Phùng Hưng thuộc thẩm quyền quản lý của quận Hoàn Kiếm, chứ không thuộc quản lý của TP. Tuy nhiên, về vấn đề này, ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc sở Công thương Hà Nội đã “đỡ” lời cho Phó Chủ tịch UBND TP rằng, sở dĩ chợ tạm Phùng Hưng vẫn còn hoạt động là vì còn phải tiếp tục phục vụ cho việc xây dựng chợ 19-12.

Kết thúc chất vấn và trả lời về vấn đề chợ, Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh cho rằng, chợ không chỉ thuần túy là vấn đề dân sinh, giải quyết tốt vấn đề quy hoạch, xây dựng chợ cũng đồng nghĩa là giải quyết tốt những vấn đề liên quan khác, như an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, quản lý tốt nguồn thu cho ngân sách. Theo bà Thanh, chưa thể “dẹp” ngay được chợ dân sinh trong thời điểm này (kể cả 5-7 năm nữa) vì đây là nhu cầu tất yếu, chính đáng của người dân. Bởi vậy, phải hài hòa giữa việc triển khai xây dựng trung tâm thương mại và chợ dân sinh.

Chủ tịch HĐND TP nhấn mạnh, cần đánh giá lại hiệu quả các dự án triển khai loại hình chợ kết hợp các dịch vụ khác, thậm chí phải xem xét lại chủ trương xã hội hóa khi triển khai xây dựng loại hình này xem có cần điều chỉnh không; nếu điều chỉnh thì điều chỉnh như thế nào? Khẩn trương triển khai xây dựng chợ theo quy hoạch. Đồng thời, phải rà soát lại các dự án xây dựng chợ. Lưu ý, giãn tiến độ khác với dừng dự án. Nếu giãn, hoãn tiến độ thì phải có thời gian cụ thể. Chợ tạm phải xử lý nghiêm nếu đã hết hạn. Đề nghị không cho phép họp chợ tạm trên đường giao thông. Cần có sự vào cuộc tích cực hơn trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm an toàn thực phẩm, an toàn giao thông tại các chợ cóc, chợ tạm trên địa bàn thành phố.

Có công trình cấp nước sạch “đắp chiếu” cả chục năm!

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội là người thứ hai đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu HĐND TP trong chiều nay. Các đại biểu chất vấn ông Trần Xuân Việt tập trung vào việc sử dụng nước sạch và cấp nước sạch cho người dân ở khu vực nông thôn Hà Nội.

Ông Việt cho biết, hiện số dân sinh sống tại khu vực nông thôn Hà Nội có khoảng 4 triệu người, trong đó số người được sử dụng nước sạch tiêu chuẩn Bộ Y tế là 1,3 triệu người, chiếm 32,75%. Như vậy, ở khu vực nông thôn Hà Nội còn khoảng 2,7 triệu người (chiếm 67,25%) chưa được sử dụng nước sạch. Do vậy, Thành ủy, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo cụ thể bằng Chương trình 02-Ctr/TU ngày 29/8/2011 của Thành ủy về ‘Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2011-2015”; Nghị quyết số 03/2010/NQ-HĐND ngày 21/4/2010 về “Xây dựng nông thôn mới TP Hà Nội giai đoạn 2010-2020, định hướng đến năm 2030”, phấn đấu đến năm 2015 đưa tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh 100%, trong đó tỷ lệ được dùng nước sạch theo tiêu chuẩn Bộ Y tế là 60%.

Theo đó, UBND TP đã tập trung chỉ đạo các cấp các ngành, các địa phương triển khai để thực hiện mục tiêu trên. Cụ thể, UBND Thành phố đã phê duyệt “Quy hoạch hệ thống cung cấp nước sạch nông thôn TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030”, phê duyệt 11 dự án đầu tư, cải tạo, nâng cấp các trạm cung cấp nước sạch ở các xã và đầu tư hỗ trợ trên 40.000 thiết bị lọc nước, với kinh phí thực hiện trong kế hoạch đã được TP phê duyệt hơn 3.939 tỷ đồng (từ nguồn vốn TP và vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB). Tính đến 30-6-2013, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh 86% (tăng trên 2% so năm 2011).

Trong buổi chiều này, đã có 4 đại biểu HĐND TP tái chất vấn Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt về một số trạm cấp nước sạch nông thôn đã đầu tư xong từ nhiều năm qua nhưng chưa hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả.

Ông Trần Xuân Việt thừa nhận hiện đang có tình trạng này. Ông nhấn mạnh, không chỉ có những công trình không hoạt động 7-8 năm nay mà có công trình đã hoàn thành đầu tư xây dựng mà “đắp chiếu” đến cả chục năm. Theo ông Việt, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do các công trình được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn (vốn trung ương, TP, huyện, xã và nhân dân đóng góp). Hầu hết các công trình sau khi thực hiện hết phần vốn của trung ương, của TP cấp thì dở dang do nguồn vốn huyện, xã không bố trí được. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân khác, đó là nhu cầu, tập quán sử dụng nước máy của các hộ dân nông thôn chưa cao, việc thu được phí trong dân rất khó khăn, dẫn đến không có nguồn vốn để tái đầu tư sửa chữa. Ngoài ra, công tác quản lý, vận hành, khai thác các trạm cấp nước tập trung ở các xã còn nhiều bất cập, nhiều mô hình quản lý khác nhau, hiệu quả thấp.

Ông Việt cho rằng, trách nhiệm trước hết một phần thuộc về chủ đầu tư và chính quyền các cấp; tiếp đến là các cơ quan quản lý nhà nước thiếu kiểm tra đôn đốc, đề xuất biện pháp xử lý kịp thời.

Về tiến độ triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch nông thôn còn chậm. Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt cho biết, rút kinh nghiệm về hiệu quả đầu tư các trạm cấp nước trong những năm qua còn thấp, gây lãng phí, UBND TP chủ trương đầu tư xây dựng các trạm cấp nước tập trung liên xã từ nguồn ngân sách của TP và vốn vay WB. Đến nay, UBND TP đã phê duyệt 11 dự án (trong đó 6 dự án cấp nước tập trung liên xã đầu tư từ nguồn vốn ngân sách TP đã phê duyệt dự án năm 2012 với tổng số vốn đầu tư 1.386 tỷ đồng; 05 dự án đầu tư từ nguồn vốn vay WB phê duyệt năm 2013). TP đang tập trung chỉ đạo các chủ đầu tư hoàn chỉnh theo quy định hồ sơ thiết kế, bản vẽ thi công để triển khai dự án được duyệt và sớm đưa công trình vào sử dụng. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2013 sẽ triển khai thi công các dự án được duyệt và đưa vào sử dụng năm trong 2015. Dự án hoàn thành sẽ cung cấp thêm 70.000 m3/ngày-đêm, cấp thêm cho khoảng trên 415.000 người được sử dụng nước hợp vệ sinh, đáp ứng cơ bản mục tiêu đề ra.

Theo ông Việt, thời gian tới, UBND TP sẽ tăng cường huy động nguồn lực, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng và quản lý, khai thác cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân theo hình thức xã hội hóa. UBND TP sẽ tiếp tục nghiên cứu xây dựng những cơ chế, chính sách phù hợp báo cáo Thành ủy, trình HĐND TP phê duyệt cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư lĩnh vực cung cấp nước sạch nông thôn.

Triển khai xây trường tiểu học Lê Ngọc Hân trong quý IV

Liên quan đến trả lời chất vấn của đại biểu HĐND TP Hà Nội về nhóm vấn đề quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc là người đăng đàn thứ ba trong buổi chiều nay.

Câu hỏi chất vấn của các đại biểu HĐND đối với bà Nguyễn Thị Bích Ngọc xoay quanh việc di chuyển Nhà máy Rượu Hà Nội, Nhà máy dệt kim Đông Xuân ra khỏi nội đô; đồng thời bố trí một phần diện tích đất và phê duyệt đầu tư để xây dựng trường học. Tuy nhiên, đến nay vấn đề này vẫn chưa được giải quyết, trong khi đó, trường tiểu học và trường THCS Lê Ngọc Hân, học sinh vẫn phải học chung ở một địa điểm trên diện tích đất chật chội.

Bà Ngọc giải trình cụ thể: Thứ nhất, về khu đất Nhà máy Rượu Hà Nội tại số 94 phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng: Theo đề nghị của Công ty cổ phần kinh doanh và xây dựng nhà, ngày 13-4-2009, Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội đã chấp thuận bản vẽ Quy hoạch tổng mặt bằng khu đất này. Trong đó có chức năng (ô đất số 9) để xây dựng trường học có diện tích đất khoảng 3.535m2; diện tích xây dựng là 1.284m2; tổng diện tích sàn xây dựng: 4.424m2; tầng cao công trình từ 2-4 tầng; mật độ xây dựng khoảng 36,3%.

Thứ hai, về khu đất Nhà máy Dệt kim Đông Xuân tại số 67 phố Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng: Theo đề nghị của Công ty TNHH một thành viên Dệt Kim Đông Xuân, ngày 20/5/2009, Sở Quy hoạch và Kiến trúc đã chấp thuận bản vẽ Quy hoạch tổng mặt bằng khu đất này. Trong đó có chức năng (ô đất số 3) để xây dựng trường học có diện tích đất khoảng 4.016m2; diện tích xây dựng: 1.360m2; tổng diện tích sàn xây dựng: 4.880m2; tầng cao công trình từ 2-5 tầng; mật độ xây dựng khoảng 33,86%.

Như vậy, cả 02 khu đất nêu trên đã được Sở Quy hoạch và Kiến trúc nghiên cứu bố trí diện tích đất để xây dựng trường học. Cụ thể: ô đất có ký hiệu số 9 tại Khu đất Nhà máy Rượu Hà Nội - Số 94 phố Lò Đúc để phục vụ tách cấp cho trường tiểu học Lê Ngọc Hân do hiện nay cấp I và cấp II Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân và trường THCS Lê Ngọc Hân, học sinh vẫn phải học chung ở một địa điểm tại số 41 phố Lò Đúc. Còn ô đất có ký hiệu số 3 tại Khu đất Nhà máy Dệt kim Đông Xuân - Số 67 phố Ngô Thì Nhậm để đầu tư xây dựng trường tiểu học Ngô Thì Nhậm.

Bà Ngọc cho biết thêm, theo báo cáo của Nhà đầu tư, ô đất số 9 tại Khu đất Nhà máy Rượu Hà Nội - Số 94 phố Lò Đúc hiện đã giải phóng mặt bằng, chưa cắm mốc giới và xây dựng hạ tầng kỹ thuật xung quanh ô đất. Nhà đầu tư đã có công văn báo cáo UBND TP để chỉ đạo triển khai các bước tiếp theo, bàn giao ô đất cho UBND Quận Hai Bà Trưng để triển khai dự án xây dựng trường học.

Một số đại biểu đề nghị Phó Chủ tịch UBND TP cho biết tiến độ thực hiện trong thời gian tới? Bà Ngọc cho biết, UBND TP đã giao UBND quận Hai Bà Trưng đôn đốc, phối hợp nhà đầu tư và các sở, ngành của TP sớm hoàn thành công tác bàn giao mặt bằng các ô đất trường học nêu trên để triển khai dự án đầu tư xây dựng trường tiểu học. Bà Ngọc ”hứa” với các đại biểu HĐND TP, dự án sẽ được triển khai trong quý III hoặc IV năm nay.

Kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7, HĐND TP Hà Nội khóa XIV, Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh đánh giá cao các câu hỏi chất vấn và trả lời chất vấn trong kỳ họp này. Trong phiên chất vấn ngày hôm nay, ngoài chất vấn bằng văn bản, đã có 33 lượt tái chất vấn của các đại biểu HĐND TP về các vấn đề ”nóng” trên địa bàn thành phố. Có sự trao đi, đổi lại trong chất vấn của đại biểu HĐND TP và trả lời chất vấn của các Phó Chủ tịch UBND TP, lãnh đạo một số sở để làm rõ hơn vấn đề mà các cử tri quan tâm. Từ đó đã thống nhất được giải pháp, thời gian cụ thể để giải quyết những vấn đề được nêu ra, đáp ứng sự mong mỏi nhân dân TP.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì sao chợ thành trung tâm thương mại kém hiệu quả?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.