(HNM) - Đã 6 tháng trôi qua kể từ ngày Bộ Công thương có Thông tư số 08/2010/TT-BCT và Chỉ thị số 11/CT-BCT, giá bán điện ưu đãi dành cho sinh viên, người lao động nghèo đang thuê nhà trọ vẫn cao gấp 2-3 lần giá chỉ đạo. Vì sao chủ trương này chưa đi vào cuộc sống, dưới đây là ý kiến của một số "người trong cuộc" gửi Báo Hànộimới.
* Ông Nguyễn Tứ Hải (phố Quảng Oai, thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì):
Giá điện ưu đãi chỉ làm giàu cho chủ nhà trọ...
Xã hội càng phát triển, mức độ tiêu thụ điện năng của các gia đình ngày một lớn. Theo cách tính lũy tiến mà ngành điện đưa ra, nấc thang thứ 5 có giá 1.900 đồng/KWh. Trên thực tế, những người ở nhà thuê phải mua qua chủ nhà với giá 3.000 đồng/1KWh (số điện). Như vậy, mỗi số điện chủ nhà trọ thu lãi 1.100 đồng. Giả sử, một tháng một người ở nhà thuê dùng hết 40 số điện, tương đương số tiền phải trả là 120 nghìn đồng, trong đó chủ nhà kiếm lời 44 nghìn đồng. Lượng người thuê trọ càng đông, lợi nhuận của chủ nhà càng lớn. Từ khi có Thông tư số 08 của Bộ Công thương, tôi thấy giá điện ưu đãi dành cho sinh viên, người lao động nghèo tại các khu trọ vẫn chẳng có gì thay đổi...
* Hoàng Anh Tú (sinh viên năm thứ ba, Đại học Công nghiệp Hà Nội):
Thủ tục quá rườm rà, chủ nhà vì lợi nhuận...
Tôi thuê nhà trọ ở xã Minh Khai, huyện Từ Liêm. Trung bình mỗi tháng, hai anh em tôi sử dụng khoảng 50 số điện, phải trả 150 nghìn đồng. Ngoài ra chúng tôi phải đóng thêm 60 nghìn tiền sử dụng nước. Biết chủ nhà trọ tính giá 3.000 đồng một số điện là quá cao nhưng phải chấp nhận bởi ở đâu chả thế. Khi biết Bộ Công thương có quy định giá bán điện ưu đãi dành cho sinh viên, tôi cũng vào mạng internet để tìm hiểu nhưng cuối cùng đành bó tay vì thủ tục quá rườm rà, nếu như không muốn nói là đánh đố người dân. Theo Thông tư 08 thì người thuê trọ phải có giấy tạm trú ít nhất 12 tháng mới được làm thủ tục tính định mức. Điều này rất khó thực hiện vì chúng tôi thường xuyên thay đổi chỗ ở, cứ nhà trọ nào giá rẻ hơn thì sinh viên chúng tôi lại tìm đến chứ có ở cố định một chỗ đâu? Hơn nữa, người thuê trọ muốn lắp công tơ riêng phải được chủ nhà trọ làm giấy ủy quyền. Đây là điều không tưởng vì chẳng có chủ nhà trọ nào ủy quyền cho chúng tôi làm điều đó vì họ không muốn mất đi khoản lời 1.100 đồng/số điện...
* Anh Nguyễn Đức Tuấn (Công ty cổ phần Đầu tư tài chính Thái Bình Dương, Hà Nội):
Chẳng ai kiện và cũng chẳng thể kiện...
Tôi cho rằng Thông tư 08 và Chỉ thị 11 của Bộ Công thương chưa sát với thực tế. Tôi là người đang ở nhà thuê, việc thanh toán tiền điện hàng tháng với chủ nhà chẳng bao giờ có hóa đơn. Vì thế dù có bị "chém đẹp", người thuê nhà cũng chả thể đi khiếu nại với ngành điện vì tìm đâu ra bằng chứng. Hơn nữa, người ở nhà thuê vì ngại va chạm nên không ai dám kiện chủ nhà vì mấy chục nghìn tiền điện. Trong khi đó, ngành điện chỉ kiểm tra, xử lý việc tăng giá điện bất hợp lý khi có đơn của người khiếu nại, tố cáo. Bất cập đó dẫn đến việc cơ quan quản lý biết có chủ nhà trọ tăng giá điện nhưng không thể xử lý được...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.