Hiện nay có nhiều người con không vâng phục cha mẹ, nhiều bậc cha mẹ lại quá nghiêm khắc đối với con cái dẫn đến hậu quá khó lường. Vậy làm thế nào để có sự lắng nghe và chia sẻ giữa cha mẹ và con cái khi trong xã hội ngày càng phát triển?
|
Hiện nay có nhiều người con không vâng phục cha mẹ, nhiều bậc cha mẹ lại quá nghiêm khắc đối với con cái dẫn đến hậu quá khó lường. Vậy làm thế nào để có sự lắng nghe và chia sẻ giữa cha mẹ và con cái khi trong xã hội ngày càng phát triển?
Từ tâm sự của trẻ…Em Huy hiện đang là học sinh lớp 4 trường tiểu học Nam Thành Công tâm sự, bố em chơi cờ rất giỏi, em rất muốn chơi cùng bố, nhưng bố em thường về muộn, hầu như không có thời gian dành cho em. Có lần, bố về sớm, em vui mừng lại gần và kể chuyện cho bố nghe thế là bị bố quát: “Để bố đọc báo” hoặc "Để bố nghỉ" và một số lần khác cũng tương tự, sau đó em ít dám đến gần bố, em cảm thấy ít có tình cảm với bố.
Một buổi chiều, trên đường đi làm về, tôi vô tình nghe được câu chuyện giữa hai mẹ con. Cậu bé kể với mẹ: “Hôm nay lớp con có mấy bạn trốn học đi chơi game”. Bà mẹ im lặng. Cậu bé tiếp: “Nhưng con không trốn, được cô giáo khen…”. Người mẹ vẫn không hề quan tâm đến lời nói của con. Sau đó, tôi thấy cậu bé im lặng, mặt buồn thiu. Có lẽ do đường đông hoặc do người mẹ đang suy nghĩ việc gì đó hoặc người mẹ cho việc đó là bình thường... Nhưng, người mẹ đó đâu có biết, cái mà người con của chị cần nhất lúc đó là sự lắng nghe, chia sẻ của mẹ thì lại không được đáp lại. Nếu tình trạng này kéo dài thì chắc cậu bé sẽ chuyển hướng tâm sự với bạn bè thay vì tâm sự với mẹ, và do đó sẽ không thể tránh khỏi những quyết định, việc làm sai trái.
Tâm sự của cậu học sinh lớp 11 trường PTTH Yên Hoà: “Bố mẹ em chẳng bao giờ quan tâm tới con cái. Bố mẹ em thường đi làm từ sáng và trở về nhà vào tối muộn. Nhiều khi em phải tự quyết mọi việc vì bố mẹ em không có thời gian dành cho em. Bố mẹ em cứ nghĩ chu cấp tiền cho em thế là đủ, mọi việc khác không hề quan tâm tới. Khi em có lỗi thì bố mẹ mắng, chửi và cho là em hư, không biết thương bố mẹ phải vất vả tối ngày, bố mẹ em đâu có biết rằng em cần sự chia sẻ, cần sự quan tâm. Em cảm thấy lạc lõng giữa gia đình”.
Một em gái lớp 6 kể, nhiều khi đi học về em muốn kể cho bố mẹ nghe chuyện ở lớp, chuyện của các bạn, nhưng bố mẹ cứ hay làm to chuyện. Mấy lần em bị điểm 9, còn bạn gần nhà 9 rưỡi hoặc 10 điểm thì không khí giữa bố mẹ và em thật căng thẳng, và khi thấy em có gì mới hoặc có gì hơi khác là bắt đầu tra hỏi, chuyện không có gì bố mẹ cháu cứ làm toáng lên, đôi khi em muốn kể cho bố mẹ nhưng nghĩ rồi lại thôi. Có chuyện gì em thường trò chuyện với các bạn trên blog hoặc bạn trên lớp.
Tôi còn biết một trường hợp, Tuấn hiện là học sinh lớp 12, đang ôn thi đại học, trước kia cấp 1, cấp 2 em học rất giỏi, năm nào cũng đứng nhất nhì của lớp, đến cuối cấp 2 đầu cấp 3 do bố mẹ bận công việc, mải làm ăn không để ý đến em, bị bạn bè lôi kéo, em sa ngã vào trò chơi điện tử. Học hành của em kém đi từ đó. Khi phát hiện bố mẹ em đánh mắng, rồi lúc nào cũng theo dõi một cách thái quá làm em xấu hổ với bạn bè. Và cũng từ đó em có biểu hiện chống đối lại bố mẹ, bố mẹ nói gì thì cứ nói, em không phản đối, không nói lại, nhưng sau đó em cứ làm theo suy nghĩ của mình.
...Học cách nói chuyện với con cái Trẻ em ở lứa tuổi cấp 1, suy nghĩ của các em còn đơn giản. Ở lớp có cô giáo theo sát hàng ngày và cũng do các em còn nhỏ nên bố mẹ quan tâm chu đáo. Nhưng đến cấp 2, 3, các em học nhiều môn, giáo viên chủ nhiệm khó kiểm soát; chương trình học chưa quan tâm đầy đủ và thấu đáo đến sự phát triển tâm sinh lý của lứa tuổi, thiếu định hướng về lối sống, kỹ năng... Còn bố mẹ vì quá bươn chải để lo toan cho cuộc sống nên không có thời gian lưu tâm đến đời sống tinh thần, đặc biệt thiếu sự chia sẻ về tâm lý với con cái.
Cách giáo dục (từ nhà trường đến gia đình) mang nặng tính áp đặt, một chiều, với quan điểm thầy cô tuyệt đối đúng, cha mẹ nói con phải nghe bất kể đúng hay sai. Trong khi đó, hằng ngày, các em thường xuyên tiếp xúc với vô số nguồn thông tin từ phim ảnh, truyện tranh, game online... không lành mạnh và đầy bạo lực. Các em phải tự "chống chọi" với vốn kiến thức ít ỏi, thiếu sự định hướng đúng đắn,...nên các em không biết cách xử lý các tình huống, không kiểm soát được các hành vi,...dễ sa ngã và dẫn đến sai lầm là hệ quả tất yếu.
Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm, để tìm được sự đồng cảm giữa cha mẹ và con cái, đương nhiên đòi hỏi sự hợp tác từ cả hai phía. Tuy nhiên, việc yêu cầu trẻ phải hiểu những mong muốn, những kỳ vọng của cha mẹ đằng sau những điều bắt con phải thực hiện là điều rất khó. Vì chúng chưa từng ở lứa tuổi của cha mẹ để có thể hiểu tâm lý của người lớn, cũng chưa bao giờ có con nên làm sao có thể hiểu được nỗi lòng của người làm cha mẹ.
Còn ngược lại, cha mẹ phải đặt mình vào vị trí của con, cụ thể là nhìn nhận sự việc, trong hoàn cảnh xã hội hiện tại, để có thể chấp nhận sở thích, để có thể bỏ qua sai lầm, và để cảm thông với tâm trạng... của con cái là điều mà các bậc làm cha mẹ cần thực hiện. Từ đó mới có thể đưa ra những lời giải thích, sự định hướng mà trẻ dễ chấp nhận nhất.
Trẻ ở lứa tuổi dậy thì, với sự thay đổi mang tính "đột biến" cả về thể chất lẫn tinh thần, càng cần có sự cảm thông sâu sắc từ người lớn, đặc biệt là cha mẹ, đối với những suy nghĩ, hành động và cả lỗi lầm của mình. Tìm "tiếng nói chung" với con cái là một việc lớn, cần một quá trình, đòi hỏi những người làm cha mẹ phải có sự hiểu biết nhất định về tâm - sinh lý của trẻ qua từng giai đoạn, lứa tuổi để có thể tìm ra những "cách tiếp cận" phù hợp và trở thành "người bạn lớn" của con.
Cùng với sự phát triển của xã hôi, mối quan hệ gia đình có nhiều thay đổi, đặc biệt là mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Với cuộc sống hiện đại hiện nay, gia đình đang phải đối mặt một cách gay gắt với rất nhiều thử thách, đòi hỏi cha mẹ cần phải nhìn lại chính mình, nhận xét và đánh giá con cái dưới nhiều góc cạnh trên cơ sở của sự hiểu biết. Không thể lấy quyền làm cha mẹ để lấn áp con cái làm theo mọi điều mình muốn mà cần phải nhẫn nại, lắng nghe con cái trình bày quan điểm và ý muốn của mình để từ đó có những cách giải quyết phù hợp.
Học cách nói chuyện với con cái cũng đồng nghĩa những bậc làm cha mẹ tự làm mới mình, khiến cho khoảng cách về thế hệ được rút ngắn lại, con cái có cơ sở để tin tưởng vào cha mẹ và xã hội bớt đi những gánh nặng không đáng có.
K.T (VNmedia)