Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì sao Bộ Y tế chưa thay thế vắc xin Quinvaxem?

Thanh Hương| 09/11/2015 08:52

(HNMO) - Trong 10 tháng năm nay, cả nước có 8 vụ tử vong sau tiêm vắc xin Quinvaxem. Điều này khiến các bậc cha mẹ lo lắng. Tuy nhiên, Bộ Y tế cho biết tiếp tục sử dụng vắc xin này.


Trong 8 trường hợp trên, kết luận của Hội đồng chuyên môn đều khẳng định nguyên nhân tử vong do trùng hợp ngẫu nhiên; trong đó, 7 ca tử vong trùng hợp và một ca sốc phản vệ. Ngoài ra còn có thêm 8 ca phản ứng nặng (sốt cao, co giật, tím tái) nhưng đều đã được cấp cứu kịp thời.

Có những ý kiến cho rằng vắc xin Quinvaxem tiêm trong Chương trình tiêm chủng mở rộng là không an toàn và vắc xin có chứa thành phần ho gà vô bào Infanrix Hexa (6 trong 1) hoặc Pentaxim (5 trong 1) sử dụng dưới hình thức tiêm dịch vụ là tuyệt đối an toàn. Bộ Y tế cho rằng, không có loại vắc xin nào là an toàn 100% cả.

Vắc xin Quinvaxem, do có thành phần ho gà toàn tế bào (giống như vắc xin DPT) nên các phản ứng nhẹ sau tiêm chủ yếu là đau tại chỗ tiêm, sốt cao, khóc dai dẳng… có thể lên tới trên 50% các trường hợp sau tiêm song phần lớn các phản ứng này sẽ tự khỏi sau 1-2 ngày. Một trong những yếu tố hay gây phản ứng sau tiêm là thành phần vắc xin phòng bệnh ho gà toàn tế bào trong thành phần vắc xin Quinvaxem.

(Ảnh minh họa, nguồn: Internet)


Tổng kết của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)  cho thấy các phản ứng thông thường ở vắc xin có chứa thành phần ho gà toàn tế bào là cao hơn vắc xin vô bào nhưng các phản ứng nặng là tương đương. Song cũng có ý kiến cho rằng vắc xin toàn tế bào có tính sinh miễn dịch tốt hơn. Từ đầu năm đến nay, cả nước đã tiêm hơn 3,5 triệu mũi vắc xin Quinvaxem, tỷ lệ phản ứng nặng sau tiêm vắc xin ở Việt Nam là 4,5/1.000.000 mũi tiêm, thấp hơn tỷ lệ khuyến cáo của nhà sản xuất và thấp hơn so với cho phép của WHO. Theo WHO, tỷ lệ phản ứng nặng cho phép khi tiêm Quinvaxem là 20/1.000.000 mũi tiêm.

“Quan điểm Bộ Y tế là luôn mong muốn trẻ em Việt Nam ngày càng được tiêm nhiều loại vắc xin thế hệ mới, an toàn và hiệu quả. Tuy vậy việc thay thế vắc xin cần phải dựa trên các bằng chứng khoa học không thể cứ xảy ra trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng là thay thế ngay loại vắc xin đang sử dụng mà phải tìm hiểu rõ vấn đề an toàn tiêm chủng, tính sinh miễn dịch của loại vắc xin dự kiến thay thế. Tiếp đó là nguồn cung ứng vắc xin, nguồn tài chính bảo đảm. Tuy nhiên, bất kỳ loại vắc xin nào cũng có tỷ lệ phản ứng nhất định và không ai dám khẳng định là loại vắc xin mới thay thế khi được triển khai sẽ không xảy ra tử vong”, Bộ Y tế chia sẻ.

“Việc thay thế vắc xin Quinvaxem bằng vắc xin phối hợp chứa thành phần ho gà vô bào cũng đã được đặt ra, tuy nhiên còn nhiều ý kiến trái chiều. Hiện nay nguồn cung ứng các vắc xin này (Infanrix Hexa, Pentaxim) trên thế giới và tại Việt Nam rất khó khăn, không có để sử dụng ngay cả trong tiêm dịch vụ”, cơ quan quản lý này lý giải rõ hơn việc chưa thể thay thế vắc xin Quinvaxem.

Theo Bộ Y tế, nguyên nhân chủ yếu là do các nhà sản xuất không có khả năng cung ứng đầy đủ vì thay đổi quy trình công nghệ, địa điểm và kế hoạch sản xuất,… do vậy cần nhiều thời gian hơn trước mới có thể đưa được sản phẩm ra thị trường kể từ lúc được đặt hàng khiến các nhà sản xuất không ưu tiên cung ứng cho các nước chưa đưa vắc xin này vào tiêm chủng mở rộng mà chỉ cung cấp cho các nước đã đặt hàng với số lượng lớn từ mấy năm trước.

Bộ Y tế cho biết, từ nay đến cuối năm, thậm chí hết năm 2016, sẽ vẫn khan hiếm 2 loại vắc xin trên. Nếu tiếp tục chờ đợi, trẻ có thể sẽ bị mắc bệnh ho gà, bạch hầu, uốn ván, viêm gan B... Vì vậy, Bộ nghiêm cấm tất cả việc lợi dụng việc khan hiếm vắc xin để trục lợi, đồng thời khuyến cáo người dân không nên sử dụng nguồn hàng trôi nổi (nếu có) sẽ không bảo đảm chất lượng, giá thành cao.

Được biết, để đảm bảo quyền lợi cho người dân, trẻ em Việt Nam ngày càng được tiêm chủng nhiều loại vắc xin an toàn và hiệu quả, Bộ Y tế đang tiếp tục chỉ đạo triển khai quyết liệt các biện pháp; đồng thời xem xét các giải pháp thay thế khi có đủ các bằng chứng khoa học và có nguồn cung ứng đủ vắc xin thế hệ mới, đảm bảo nguồn tài chính trong đó sử dụng vắc xin an toàn, hiệu quả đặt lên hàng đầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì sao Bộ Y tế chưa thay thế vắc xin Quinvaxem?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.