(HNM) - Trên lộ trình xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, công tác phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) được các ngành chức năng của thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm.
Tư vấn về công tác phòng chống bạo lực gia đình. Ảnh: Thái Hiền |
Khi những "ngôi nhà" không bình yên
Gia đình là tổ ấm của mỗi người. Ở đó, các thành viên có thể quan tâm, chia sẻ với nhau mọi vui buồn trong cuộc sống, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Với những gia đình không yên ấm, người chịu thiệt thòi, đau khổ trước hết vẫn là các thành viên trong gia đình, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.
Trong số hàng trăm câu chuyện, hàng trăm cảnh đời cay đắng tìm đến "Ngôi nhà bình yên" (Hà Nội), chuyện của bà cụ tên Chi, gần 70 tuổi đến từ Đông Anh khiến nhiều người xót xa. Những cán bộ tham vấn ở "Ngôi nhà bình yên" kể, tuổi thơ bà Chi không may mắn, bà phải đi làm con nuôi. Năm 17 tuổi, bà lập gia đình, cũng từ đó bất hạnh ngày càng nhiều. Gần 60 năm chung sống, bà không nhớ nổi mình đã bị đánh đập bao nhiêu lần. Ở cái tuổi hơn 60, khi mà mọi người phụ nữ cùng ở tuổi đó đã yên vui với con cháu trong gia đình thì trong một lần đến "ổ cave" tìm chồng, khuyên nhủ, bà bị chồng đánh thâm tím mặt mũi. Đau khổ, buồn phiền, mệt mỏi, bà bỏ nhà vào nội thành, ngày lang thang ăn xin, tối ngủ nhờ hiên nhà, góc phố. Một số người dân thương xót đã giúp bà tới "Ngôi nhà bình yên". Sau khi ổn định về tâm lý, bà được con trai lớn đón về.
Từng tìm đến "Ngôi nhà bình yên", chị N.T.H (quận Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: "Chồng tôi nghiện rượu. Rượu làm hỏng nhân cách của ông ấy. Cứ uống rượu vào hay thua lô đề là ông ấy chửi bới, đánh đập mẹ con tôi. Một lần tôi bị tai nạn xe máy phải vào viện, ông ấy đã không chăm sóc lại còn gây sự, đánh tôi ngay trong viện". Tương tự, chị T.M (huyện Hoài Đức) cho biết: "Nhiều lần bị chồng túm tóc lôi từ nhà ra ngõ đấm đá, có lần bị bóp cổ, bị đánh chảy máu…".
Không chỉ phụ nữ bị BLGĐ từ chồng, nhiều bậc cha mẹ cũng phải chịu BLGĐ từ con cái. Theo BS Nguyễn Ngọc Quyết, Giám đốc Trung tâm Tư vấn - Chăm sóc sức khỏe phụ nữ (Bệnh viện Đức Giang), mỗi năm trung tâm tiếp nhận hàng chục nạn nhân bị con cái gây tổn thương về sức khỏe, tinh thần. Qua khảo sát tâm lý những người đến trung tâm, hầu hết nạn nhân thấy lo ngại, mất lòng tin vào cuộc sống, vào chính những đứa con mình dứt ruột đẻ ra. "Thực trạng này khiến cho các mối quan hệ gia đình dần lỏng lẻo, những giá trị truyền thống của gia đình Việt dần phai nhạt", BS Nguyễn Ngọc Quyết lo ngại.
Kết quả điều tra của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cho thấy: 85,4% trẻ chưa thành niên chứng kiến cảnh BLGĐ có biểu hiện chán nản, lo lắng; 20% cảm thấy sợ hãi; 8,5% không hiểu bố mẹ mình; 4,2% mất đi sự tôn trọng bố mẹ; 5,5% còn lại còn muốn chạy trốn hoặc bỏ nhà ra đi. |
Cần nhân rộng mô hình PCBLGĐ
Kết quả nghiên cứu của Cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc (UNODC) thực hiện tại Việt Nam mới đây chỉ ra rằng, 57% số vụ BLGĐ không được báo cho cơ quan công an, mà âm thầm giải quyết trong nội bộ. Hơn thế, thống kê của Sở VH,TT&DL Hà Nội còn cho thấy, số vụ BLGĐ đối với phụ nữ chiếm tới 90,3% (680/753) tổng số vụ BLGĐ xảy ra trên địa bàn Hà Nội trong năm 2012. Những con số này chứng tỏ, muốn PCBLGĐ phải thay đổi nhận thức của người phụ nữ, của mỗi gia đình và cộng đồng dân cư.
Nhằm hạn chế tình trạng BLGĐ, những năm qua, Sở VH,TT&DL Hà Nội đã hỗ trợ kinh phí để xây dựng và duy trì hoạt động của câu lạc bộ (CLB) PCBLGĐ ở 29/29 quận, huyện, thị xã. Nhận thấy hiệu quả thiết thực của mô hình này, nhiều địa phương đã nhân rộng CLB PCBLGĐ đến các xã, thôn, tổ dân phố bằng nguồn kinh phí của địa phương. Đến nay, Hà Nội có 192 CLB PCBLGĐ duy trì hoạt động thường xuyên đã tổ chức cho hơn 5,7 triệu lượt gia đình tham gia sinh hoạt. Nhờ đó, hàng trăm vụ BLGĐ đã được các ngành chức năng phát hiện kịp thời và giải quyết ngay từ cơ sở.
Không ai có thể phủ nhận hiệu quả của mô hình đầy tính nhân văn này, tuy nhiên, vì sự cam chịu của phụ nữ, BLGĐ vẫn còn "đất sống". Ông Nguyễn Văn Bẩm, CLB PCBLGĐ tiểu khu Đường, thị trấn Phú Minh (Phú Xuyên) kể: Trong quá trình làm "nhịp cầu nối những bờ vui", ông chứng kiến không ít hoàn cảnh thương tâm mà người bị hại nhẫn nhịn, không hé răng nói nửa lời. Có người thường xuyên bị chồng đánh đập, thâm tím mặt mày nhưng khi các thành viên CLB PCBLGĐ đến can thiệp, người bị hại trả lời do họ sơ ý bị ngã. Từ thực tế này, ông Bẩm cho rằng, CLB PCBLGĐ cần phải được nhân rộng nhiều hơn nữa; đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động các hội viên phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ bị BLGĐ tham gia sinh hoạt thường xuyên. Ngược lại, phụ nữ muốn thoát khỏi BLGĐ hãy chủ động, mạnh dạn tham gia vào các CLB để được chia sẻ, nâng cao nhận thức, hiểu biết. "Đối với những người có hành vi BLGĐ, các cơ quan chức năng nên đưa ra mức xử phạt đủ sức răn đe, không nên chỉ góp ý, phê bình, giáo dục hoặc xử phạt hành chính như hiện nay", ông Bẩm kiến nghị. Ở góc độ khác, BS Nguyễn Ngọc Quyết đề xuất chính quyền các địa phương, ngành y tế nên dành cho y tế cơ sở một khoản kinh phí phục vụ công tác PCBLGĐ. Nếu điều kiện cho phép, các ngành, địa phương nên xây dựng thêm những ngôi nhà "tạm lánh" tương tự như "Ngôi nhà bình yên" hiện nay.
Thực tế đã chứng minh, hoạt động của "Ngôi nhà bình yên" và CLB PCBLGĐ đã tác động tích cực tới nhận thức của người dân, bảo vệ quyền lợi phụ nữ, góp phần giảm đáng kể tình trạng BLGĐ. Dẫu còn không ít khó khăn, song việc nhân rộng những mô hình CLB PCBLGĐ ở Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung là đòi hỏi tất yếu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.