(HNM) - Hàng chục năm qua, bà Trần Thị Sy, ở thôn Đào Nguyên, xã An Thượng (Hoài Đức) đã phải đi lại nhiều lần, gõ cửa nhiều nơi để đề nghị được thực hiện duy nhất một điều: Xác định mộ liệt sỹ Trần Quang Bích, nhưng chưa có kết quả. Vậy đâu là nguyên nhân?
Bà Trần Thị Sy và tấm ảnh liệt sỹ Trần Quang Bích. |
Ngày 30-4-1965, ông Trần Quang Bích (em trai bà Sy) nhập ngũ, thuộc quân số của Đại đội 1, Trung đoàn 361. Năm 1968, ông được chuyển đến Trung đoàn 375, thuộc Binh chủng pháo cao xạ (Bộ Tư lệnh Phòng không Không quân) và tham gia chiến đấu tại mặt trận Nam Đàn (Nghệ Tĩnh), đã hy sinh. Năm 1970, ông Trần Quang Diệm (bố của liệt sỹ Bích) được một người cùng quê cho biết thông tin về nơi an táng của con trai mình nên đã vào Nam Đàn để chuyển hài cốt của liệt sỹ Bích về an táng tại nghĩa trang liệt sỹ (NTLS) quê nhà - xã An Thượng (Hoài Đức). Năm 1990, do có sự điều chỉnh địa giới hành chính, hai xã An Thượng, An Khánh thực hiện việc tách và di chuyển mộ các liệt sỹ từ nghĩa trang chung ở xã An Thượng về NTLS của mỗi địa phương. Trong những hộ gia đình ở xã An Khánh có mộ liệt sỹ phải di chuyển, thì gia đình ông Chu Công Giám (thôn Ngãi Cầu) đã bốc hai ngôi mộ nằm cạnh mộ liệt sỹ Mầu Văn Diễn (xã An Thượng) để mang về NTLS xã An Khánh gắn bia với tên các liệt sỹ là Chu Công Lục và Chu Công Phô. Kể từ đó xuất hiện sự tranh chấp mộ liệt sỹ giữa gia đình bà Sy và gia đình ông Giám.
Trao đổi với phóng viên, bà Trần Thị Sy cho biết: Việc an táng hài cốt liệt sỹ Bích (năm 1970) tại NTLS xã An Thượng có sự chứng kiến của UBND xã, gia đình, họ hàng và bà con làng xóm. Theo sự sắp xếp của ông quản trang Mầu Văn Khuể, mộ liệt sỹ Bích được an táng ở khu vực gần tháp liệt sỹ, nằm giữa hai ngôi mộ của liệt sỹ Mầu Văn Diễn (con trai ông Khuể) và liệt sỹ Nguyễn Đình Ngăn. Khẳng định việc gia đình ông Giám đã bốc nhầm mộ liệt sỹ, bà Sy đưa ra căn cứ: Ngày đón hài cốt liệt sỹ Bích về quê hương, gia đình bà Sy đã mang gạch bìa ra nghĩa trang để xây mộ. Nhưng do có sự quan tâm của chính quyền địa phương cho xây cất phần mộ liệt sỹ nên số gạch này không sử dụng đến. Gia đình bà Sy đã đem số gạch này lót xuống đáy mộ liệt sỹ Bích. Khi hai xã An Thượng- An Khánh tách nghĩa trang, di chuyển các phần mộ, thì mộ liệt sỹ Bích đã bị đào để lộ ra những viên gạch trên. Hiện nay, số gạch này vẫn còn ở huyệt mộ cũ... Ông Lê Văn Vinh, Chủ tịch UBND xã An Thượng cho biết: "Năm 1996 tôi là cán bộ Lao động-TBXH xã An Thượng, được lãnh đạo địa phương giao trách nhiệm giải quyết đơn của gia đình bà Sy. Tôi đã gặp quản trang Mầu Văn Khuể và được ông Khuể xác nhận: Mộ liệt sỹ Bích nằm giữa hai ngôi mộ liệt sỹ Nguyễn Đình Ngăn và liệt sỹ Mầu Văn Diễn. Nhưng rất tiếc vì thời gian đã lâu nên biên bản xác nhận đã bị thất lạc...".
Một vấn đề đáng quan tâm là trong số 2 ngôi mộ gia đình ông Giám chuyển về NTLS xã An Khánh, có 1 ngôi mộ gia đình ông Giám đã phải công nhận là bốc nhầm và phải gắn trả bia mang tên liệt sỹ Nguyễn Đình Ngăn. Thế nhưng, gia đình ông Giám vẫn khẳng định là không bốc nhầm mộ liệt sỹ Bích. Tranh chấp trên kéo dài nhưng không được chính quyền hai xã giải quyết dứt điểm, dẫn đến việc mộ liệt sỹ Bích bị thất lạc, không còn mộ phần ở cả hai nghĩa trang liệt sỹ. Vì thế, hơn chục năm qua, bà Sy đã kiên trì "gõ cửa" các cơ quan chức năng và chính quyền sở tại mong sớm tìm được mộ phần của em trai mình, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hồi âm.
Được biết nhiều năm nay, cứ đến ngày 27-7, UBND xã An Khánh lại phải cử lực lượng an ninh đến NTLS của địa phương canh giữ để tránh xảy ra tranh chấp mộ phần, dẫn đến xô xát giữa hai gia đình bà Sy và ông Giám.
Sự việc trên cho thấy nếu các bằng chứng chưa đủ căn cứ để xác định mộ phần liệt sỹ Bích thì cần có sự giúp đỡ của khoa học, như xác định ADN để làm rõ. Thiết nghĩ, chính quyền địa phương và ngành Lao động - TBXH cần phối hợp, có biện pháp giúp đỡ gia đình bà Sy sớm xác định được mộ người thân, để vong linh các liệt sỹ được yên nghỉ và ổn định tình hình ANTT ở địa phương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.