(HNM) - Khai sinh, khai tử, đăng ký kết hôn, đăng ký nuôi con nuôi... là những quy định bắt buộc của pháp luật.
Theo số liệu tổng hợp kết quả xử phạt theo NĐ số 60 của Thanh tra Bộ Tư pháp, từ năm 2010 đến 2012, thanh tra các sở tư pháp đã ban hành 2.517 quyết định xử phạt với tổng số tiền phạt trên 800 triệu đồng. Tuy nhiên, mới chỉ có 6/14 lĩnh vực tại NĐ 60 được phát hiện có hành vi vi phạm và bị xử phạt. Phần lớn thuộc lĩnh vực hộ tịch, công chứng, thi hành án dân sự, bán đấu giá tài sản và giám định tư pháp. Mức phạt thấp, thiếu chế tài xử lý nên thời gian qua việc thực thi NĐ 60 chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Đơn cử, khoản 2, Điều 11, Nghị định 60, quy định phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sử dụng giấy tờ của người khác để làm thủ tục đăng ký kết hôn; làm giả hoặc sử dụng giấy tờ giả mạo để làm thủ tục đăng ký kết hôn; các hành vi gian dối khác khi đăng ký kết hôn. Tuy nhiên, thế nào là "hành vi gian dối khác" lại không được đề cập chi tiết nên khó xác định trên thực tế.
Các Điều 10, 11, 13 của NĐ 60 quy định xử phạt đối với hành vi tự ý sửa chữa, tẩy xóa hoặc có hành vi làm sai lệch nội dung giấy tờ để làm thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn và đăng ký khai tử. Tuy nhiên, các trường hợp trục lợi từ việc tự ý sửa chữa, giả mạo giấy tờ để thực hiện các nội dung trên lại không được quy định trong NĐ. Bên cạnh đó, NĐ cũng chưa có quy định đối với trường hợp không đăng ký nhận nuôi con nuôi trong nước, không đăng ký giám hộ, trong khi đây là các vi phạm khá phổ biến đã dẫn tới tình trạng bỏ lọt các hành vi vi phạm.
Hộ tịch là một trong những yếu tố cơ bản xác định tình trạng nhân thân của một con người từ sinh ra cho đến khi chết. Đã đến lúc cần lấp đầy các lỗ hổng pháp lý nhằm tránh để lọt các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này, giúp các cơ quan chức năng theo dõi thực trạng và sự biến động về hộ tịch, trên cơ sở đó bảo hộ các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.