(HNM) - Ngày thi đầu tiên đã diễn ra khá suôn sẻ, song vẫn rất
Thí sinh trao đổi sau giờ thi môn toán. Ảnh: Viết Thành
Ngày thi suôn sẻ
Theo ghi nhận từ Bộ GD-ĐT, ngày thi đầu tiên đã diễn ra an toàn, nghiêm túc với 699.628 thí sinh (TS) thi môn toán, nâng tỉ lệ dự thi lên 76,92% trong tổng số 909.532 hồ sơ đăng ký dự thi. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đánh giá, đề thi của ngày đầu tiên được bảo mật tuyệt đối trong tất cả các khâu; nội dung đề thi nằm trong chương trình trung học, chủ yếu là lớp 12; không có sai sót cả về nội dung và hình thức. Các trường thực hiện nghiêm túc quy chế, không khí trường thi trật tự, an toàn. Trước giờ vào thi, tại các thành phố lớn không có hiện tượng ùn tắc giao thông nên thí sinh đến dự thi đúng thời gian quy định. Ở tất cả các hội đồng thi, không có sự cố mất điện, mất nước.
Ở các điểm thi, nhiều TS vắng mặt trong ngày làm thủ tục thi hôm trước đã tranh thủ hoàn tất các công việc cuối cùng để kịp dự thi môn toán. Do vậy, tỉ lệ TS dự thi đã được cải thiện ở nhiều trường. Trường ĐH Ngoại thương có thêm 62 TS đến làm thủ tục muộn nên có 3.412 TS dự thi môn toán, đạt 55,8%. Trường ĐH Luật có 3.031 TS thi toán, thêm 18 TS, đạt tỉ lệ 64,83%. Số TS tăng thêm ở Trường ĐH Luật là 19 em, tỉ lệ dự thi là 72,53%.
Tuy nhiên, sau môn toán khá hóc búa, số thí sinh bỏ thi vào buổi chiều cũng không ít: Trường ĐH Luật 40 TS, ĐH Thủy lợi 42 TS, ĐH Bách khoa 57 em, ĐH Giao thông vận tải 55 em... Trên tất cả các hội đồng thi toàn quốc, ước tính có khoảng hơn 5.000 TS bỏ thi.
Điện thoại di động vẫn "nóng"
Thống kê của Bộ GD-ĐT cho biết, ngày thi đầu tiên có 60 TS vi phạm quy chế tuyển sinh bị xử lý kỷ luật. Trong đó 22 TS bị khiển trách, 9 trường hợp bị cảnh cáo, 26 TS bị đình chỉ thi. Có 3 TS đến muộn không được dự thi. So với năm 2010, số TS vi phạm quy chế trong ngày đầu tiên đã giảm (năm 2010, sau 2 buổi thi có 71 trường hợp phải xử lý kỷ luật, trong đó 51 TS bị đình chỉ thi).
Trong số bị đình chỉ thi, lỗi vi phạm chủ yếu là mang điện thoại di động. Chỉ trong buổi thi sáng, Ban tuyển sinh của Trường ĐH Thủy lợi đã đình chỉ thi 4 trường hợp, trong đó có 3 TS mang điện thoại vào phòng thi, 1 TS mang theo tài liệu. Các trường ĐH Điện lực, Giao thông vận tải, Đại Nam cũng phát hiện và đình chỉ thi TS mang điện thoại di động vào khu vực thi.
Cũng như năm 2010, buổi thi đầu tiên chưa phát hiện trường hợp thi hộ nào. Nhìn chung, loại vi phạm này có xu hướng giảm mạnh trong vài năm trở lại đây. Đề cập tới vấn đề này, ông Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại thương nhận định, thi hộ bây giờ gần như là không thể vì rất dễ bị phát hiện qua công tác hậu kiểm như so bài thi, đối chiếu chữ viết. Hình thức gian lận khó kiểm soát hơn là thi "kèm". Theo ông Sơn, để phát hiện thi "kèm", sự sát sao của giám thị là hữu hiệu nhất. Ngoài ra, ngay từ khi làm hồ sơ, bộ phận xử lý dữ liệu đã phải lưu ý các trường hợp TS trùng tên, họ, ngày sinh. Sau đó, khi vào phòng thi, giám thị lại phải giám sát kỹ và sắp xếp để những em này ngồi cách xa nhau.
Nhiều hình thức hỗ trợ thí sinh
Sau ngày thi đầu tiên, Ban Tuyển sinh ở một số trường đã kịp thời áp dụng điểm mới trong quy chế về đối tượng thi là người khuyết tật. Ông Vũ Quang Thọ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công đoàn cho biết, nhà trường đã đồng ý về nguyên tắc đặc cách xét tuyển một nữ TS khuyết tật người Thanh Hóa khi em tới đăng ký dự thi ngành kế toán. Ông Thọ nêu quan điểm: Để có cơ sở xét tuyển những người khuyết tật "không có khả năng tự phục vụ" theo như quy chế thì cần có giám định sức khỏe. Tuy nhiên, theo quan sát cũng như chứng kiến nghị lực, ý chí học tập suốt thời kỳ phổ thông của TS này, Ban giám hiệu thấy em rất xứng đáng được tuyển thẳng.
Ông Nguyễn Xuân Thu, đại diện Trường ĐH Luật cũng cho biết, nhà trường đồng ý xét tuyển một nam TS khiếm thị của Trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội). Em là Nguyễn Thanh An, học sinh giỏi 3 năm liền.
Theo ông Vũ Quang Kim, Hiệu trưởng Trường ĐH Thủy lợi, có rất ít người biết được điểm mới này của quy chế. Có phụ huynh tới kỳ thi mới biết thông tin và đã đề nghị Ban giám hiệu xem xét trường hợp của con mình. Ông Lê Hữu Lập, Phó Giám đốc Học viện Bưu chính - Viễn thông cũng cho biết có TS của trường bị liệt hai chân nhưng vẫn đi thi. Nhà trường đã hướng dẫn em làm hồ sơ xin xét tuyển.
Cùng với việc lưu tâm tới đối tượng là TS khuyết tật, một số trường đã sáng tạo và linh hoạt trong việc hỗ trợ TS và người nhà TS trong việc ăn, nghỉ bằng cách phối hợp với doanh nghiệp để phát bữa ăn miễn phí, mở cửa giảng đường vào buổi trưa cho TS có chỗ nghỉ ngơi. Những việc làm tuy không lớn nhưng đã chia sẻ phần nào gánh nặng thi cử với TS.
Sáng nay (5-7), TS thi khối A làm bài thi môn hóa học, thời gian 90 phút, hình thức thi trắc nghiệm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.