Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vi phạm dài dài, nhà đài vô can!

Thùy Linh| 08/05/2013 06:48

(HNM) - Bán hàng qua truyền hình đã nở rộ cách đây vài năm và cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh đã nhiều lần tuyên bố kiên quyết chấn chỉnh và xử lý các đơn vị làm ăn gian dối.


Nhờ tiếp thị rộng rãi kèm hình ảnh sinh động, khách hàng có thể ngồi tại nhà gọi điện và hàng sẽ được giao tại nhà… bán hàng qua truyền hình đang có những ưu thế trong cuộc sống bận rộn hiện nay. Tuy nhiên, theo cơ quan chức năng, hình thức bán hàng này đang có nhiều vi phạm, phổ biến nhất là thổi phồng công dụng thực tế để bán đắt hơn nhiều lần giá gốc, thậm chí còn bán hàng giả. Điển hình, ngày 3-5 vừa qua, khi kiểm tra Công ty TNHH MTV TMDV Vạn Gia Hảo, Chi cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh (QLTT) đã phát hiện ra nhiều vi phạm như hàng nhập khẩu không có nhãn phụ tiếng Việt, điểm chứa hàng không đăng ký hoạt động kinh doanh…

Ngày 3-5, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM kiểm tra và tạm giữ các máy matxa Body Pro xuất xứ Trung Quốc, được Công ty Vạn Gia Hảo (Q.8, TP.HCM) quảng cáo và bán qua truyền hình -
Ảnh: LÊ SƠN



Đặc biệt, một số sản phẩm được đẩy giá bán lên đến hàng chục lần giá nhập khẩu. Đơn cử, máy mát xa giảm cân hiệu Body Pro với quảng cáo là có chức năng "đốt cháy mỡ thừa", được "Hiệp hội thể hình Hoa Kỳ khuyên dùng", giá nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ khoảng 8 USD (chưa đến 170.000 đồng) nhưng được bán trên truyền hình với giá gần 2 triệu đồng! Đặc biệt, loại quần lót định hình có giá gốc chỉ khoảng 10.000 đồng/chiếc nhưng giá bán lẻ lên đến gần 400.000 đồng. Lực lượng QLTT đã tạm giữ khoảng 400 máy mát xa hiệu Body Pro, điện thoại di động, cùng các loại quần định hình để đối chiếu hóa đơn chứng từ. Được biết, Công ty Vạn Gia Hảo chuyên kinh doanh các sản phẩm gia dụng, linh kiện điện tử, dụng cụ thể thao... quảng cáo trên truyền hình và bán qua điện thoại do bà Hà Yến Vân làm Giám đốc. Tuy nhiên, bà Vân cho biết chỉ là người làm thuê, còn "chủ nhân" thật sự của công ty là người Trung Quốc.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Đội phó Đội QLTT 2A cho biết, hình thức bán hàng qua truyền hình có nhiều ưu điểm như có quảng cáo kỹ về hàng hóa, giá cả rõ ràng, người mua được giao hàng tận nơi. Tuy nhiên, đa phần hàng hóa bán trên truyền hình không có hóa đơn chứng từ, xuất xứ, chất lượng không rõ ràng, quảng cáo quá mức so với công dụng thực tế để đẩy giá bán lên cao… Đặc biệt, khi kiểm tra các doanh nghiệp bán hàng qua truyền hình thì QLTT cũng phát hiện ra các "mánh khóe" của họ như không có địa điểm kinh doanh - hình thức giao hàng tận nơi là để không cho biết địa điểm kinh doanh. Cũng theo ông Dũng, qua kiểm tra, xử lý các vi phạm của một số công ty bán hàng qua truyền hình thời gian qua cho thấy, các hành vi vi phạm đều có liên quan đến hoạt động thương mại của người nước ngoài. Chẳng hạn, một số vụ bán hàng qua truyền hình vi phạm (năm 2012) của Công ty TNHH MTV Hữu Lạc (trụ sở tại 275A Khuông Việt, phường Phú Trung, quận Tân Phú) dù bà Lưu Hồng Ngọc đứng danh giám đốc nhưng thực chất chỉ làm thuê cho ông Chang Yao Wei, quốc tịch Đài Loan - Trung Quốc…

Kênh truyền hình phải chịu trách nhiệm liên đới

Bán hàng qua truyền hình là phương thức kinh doanh phổ biến hiện nay tại các nước tiên tiến, phù hợp với đa số người tiêu dùng vì tiết kiệm thời giờ đi mua sắm ở cửa hàng. Tại Việt Nam, thời gian gần đây, bán hàng qua truyền hình cũng nở rộ, tuy nhiên, trên thực tế, phương thức bán hàng này đã bộc lộ nhiều bất cập, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP, Luật Bảo vệ người tiêu dùng đã quy định, trong trường hợp các đơn vị, cá nhân cung cấp thông tin cho người tiêu dùng thông qua đơn vị truyền thông thì đơn vị truyền thông phải có trách nhiệm kiểm tra tính chính xác, đầy đủ của thông tin về hàng hóa, dịch vụ. Vì vậy, trong trường hợp các đơn vị bán hàng có các vi phạm như hàng không rõ xuất xứ, không có địa điểm kinh doanh… thì bên thứ ba (ở đây là các đài truyền hình, kênh truyền hình) phải liên đới chịu trách nhiệm. Nghị định số 19 ngày 16-3-2012 của Chính phủ cũng quy định rõ mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ người tiêu dùng như quảng cáo gian dối; vi phạm trong việc cung cấp thông tin hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng; vi phạm của bên thứ ba trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng thì bị phạt 10 - 50 triệu đồng. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn chưa có kênh truyền hình nào bị xử phạt. Vì vậy theo ông Hậu, cần phải quản lý chặt chẽ các doanh nghiệp bán hàng qua truyền hình, đặc biệt là quản lý chặt chẽ nội dung các quảng cáo trên truyền hình để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vi phạm dài dài, nhà đài vô can!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.