(HNM) - Sau khi nhận được kết luận kiểm tra tình hình vi phạm Luật Đê điều và Pháp lệnh Phòng, chống lụt bão (PCLB) của Bộ NN&PTNT, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu huyện Phú Xuyên nghiêm túc xử lý và giải tỏa dứt điểm các trường hợp vi phạm, báo cáo với TP trước ngày 25-8.
Sai phạm nhiều, khó giải tỏa
Thực hiện sự chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, đến thời điểm này, huyện Phú Xuyên mới giải tỏa được 7 lều lán tạm của các chủ lò gạch xây dựng trong hành lang bảo vệ đê; yêu cầu 3 chủ lò gạch thủ công ở xã Khai Thái di dời vật liệu (than xỉ) trong hành lang bảo vệ đê; ban hành các quyết định xử phạt hành chính và yêu cầu 4 chủ lò gạch thủ công ở xã Văn Nhân vận chuyển chất thải ra khỏi hành lang bảo vệ đê. Theo quan sát của phóng viên Hànộimới, huyện Phú Xuyên đang tồn tại 35 vỏ lò gạch kép (hầu hết là lò gạch thủ công), trong đó có 17 vỏ lò nằm trong chỉ giới hành lang thoát lũ, 18 lò nằm ngoài chỉ giới thoát lũ ở các xã Khai Thái, Hồng Thái, Quang Lãng, Văn Nhân, thị trấn Phú Minh dọc bãi sông tuyến đê hữu Hồng; nhiều chất thải để làm gạch trong hành lang bảo vệ đê phía thượng lưu, chất thải trên mặt đê cũng chưa di dời... Đứng trên mặt đê hữu Hồng đoạn qua xã Khai Thái, chúng tôi thấy hàng trăm lượt xe tải trọng lớn đi lại ở khu vực này, làm hỏng hết mặt đường, mặt đê… Một số đoạn, hiện tượng người dân tự ý xẻ đê làm dốc cho các phương tiện lên xuống vẫn chưa được khắc phục... Điều đó có thể lý giải cho những khó khăn của huyện trong quá trình thực hiện Kết luận kiểm tra số 4100/KL-BNN-TTr của Bộ NN&PTNT về tình hình vi phạm Luật Đê điều và Pháp lệnh PCLB tại TP Hà Nội và Văn bản số 6183/UBND-NN của UBND TP Hà Nội thực hiện kết luận của Bộ NN&PTNT.
Lãnh đạo UBND huyện Phú Xuyên đưa ra lý lẽ, việc dẹp bỏ số lượng lò gạch lớn như vậy trong cùng một thời điểm theo như kết luận không đơn giản và không thể thực hiện trong một sớm, một chiều. Ông Nguyễn Đình Tình, Chủ tịch UBND xã Khai Thái cho biết: "Nếu xóa bỏ lò gạch thủ công, lấy đâu ra kinh phí bồi thường cho các chủ lò gạch. Bởi trước đó, hợp đồng ký kết giữa địa phương với các chủ lò gạch còn tới 3 năm nữa mới hết thời hạn".
Trong khi kết luận kiểm tra chưa được giải quyết dứt điểm, huyện Phú Xuyên lại để phát sinh thêm trường hợp vi phạm Luật Đê điều và Pháp lệnh PCLB. Thống kê chưa đầy đủ của Chi cục Đê điều và PCLB Hà Nội, trong tổng số 59 vụ vi phạm Luật Đê điều mới phát sinh trên địa bàn TP trong tháng 8, huyện Phú Xuyên phát sinh 1 vụ. Mặc dù Chi cục Đê điều và PCLB Hà Nội đã lập biên bản, đôn đốc nhưng huyện Phú Xuyên chưa xử lý.
Nông dân lãnh đủ
Nhiều năm qua, các lò gạch thủ công trên địa bàn huyện Phú Xuyên đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng và sản xuất nông nghiệp. Người dân xã Khai Thái khẳng định, năm nào cũng có nhiều diện tích lúa bị cháy, cây trồng bị táp hoặc mất mùa do ảnh hưởng của khói lò gạch. Năm ngoái, do quá bức xúc, người dân một số xã ven tuyến đê hữu Hồng đã cắt cả lúa non và lúa bị táp mang lên UBND huyện Phú Xuyên phản đối tình trạng cho phép lò gạch thủ công hoạt động ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất nông nghiệp và sự an toàn của tuyến đê. Nhưng sự việc đâu lại vào đó, mặc dù biết chủ lò gạch sai phạm nhưng chính quyền huyện cũng không có cách nào để xử lý dứt điểm. Với chủ lò, mỗi lần khói đốt gạch gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, họ chỉ cần bỏ ra một số tiền chẳng thấm vào đâu so với thiệt hại để bồi thường cho dân là xong. Trong khi đó, tiền vẫn cứ chảy vào túi chủ lò gạch, còn ngân sách nhà nước vẫn phải bỏ ra đều đặn để duy trì sự an toàn của đê trong mỗi mùa bão lũ.
Theo phản ánh của người dân, mặc dù thời gian gần đây, các lò gạch trên địa bàn huyện Phú Xuyên có giảm bớt hoạt động, nhưng lò gạch thủ công vẫn gây ô nhiễm môi trường, gây hại cho sức khỏe con người. Do đó, người dân ở đây cho rằng, việc xóa bỏ các lò gạch thủ công là chủ trương đúng và sự chỉ đạo của UBND TP Hà Nội thời gian qua rất kịp thời. Tuy nhiên, huyện Phú Xuyên chưa thực hiện nghiêm túc, quyết liệt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.