(HNM) - Hiện nay, trên địa bàn 17 huyện ngoại thành Hà Nội mỗi ngày phát sinh gần 2.200 tấn rác sinh hoạt. Huyện có nhiều rác là Chương Mỹ, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì… Thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác thu gom của thành phố, người dân nông thôn nộp phí vệ sinh môi trường mỗi tháng 3.000 đồng/người (bằng 50% mức phí của người dân đô thị).
Số kinh phí này dùng để chi trả thù lao cho các vệ sinh viên thôn, xã. Với sự vào cuộc tích cực của chính quyền cơ sở nên công tác thu phí vệ sinh môi trường đã được đẩy mạnh, tỷ lệ trung bình đạt 76%. Một số huyện có tỷ lệ thu phí cao, như: Gia Lâm 89%, Đan Phượng 86%, Đông Anh 85%, Thanh Trì 84%, Hoài Đức 80%... Năm 2015, nhiều dự án xử lý rác thải hoàn thành, đưa công trình vào hoạt động đã giảm tải cho các bãi chôn lấp tập trung của thành phố và tiết kiệm chi phí vận chuyển cho ngân sách nhà nước, như:
Nhà máy Xử lý rác thải Phương Đình, Khu xử lý chất thải Xuân Sơn, Trạm trung chuyển phân loại kết hợp xử lý hữu cơ tại xã Cao Dương (Thanh Oai), thị trấn Phú Minh (Phú Xuyên)… Sự đồng bộ về cơ chế chính sách và hiệu quả đầu tư đã giúp cho nhiều huyện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trong ngày đạt tỷ lệ cao, như: Đan Phượng 97%, Thanh Trì 97%, Mê Linh 96%...
Bên cạnh những mặt tích cực, công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt tại các huyện năm qua vẫn còn một số hạn chế. Hiện trên địa bàn ngoại thành còn 3 xã chưa thành lập được tổ vệ sinh môi trường tự quản là Yên Bình, Yên Trung (Thạch Thất) và Tân Tiến (Chương Mỹ); tần suất thu gom và bố trí điểm tập kết rác tại một số xã còn hạn chế.
Một số địa phương có tỷ lệ thu phí vệ sinh môi trường đạt thấp, có nơi chỉ đạt dưới 50%, cá biệt có xã đã tổ chức thu gom nhưng chưa thực hiện thu phí. Hầu hết các huyện chưa thu đúng, thấp hơn mức phí vệ sinh theo quy định hiện hành... Những hạn chế này khiến đời sống của vệ sinh viên không bảo đảm, một số tuyến đường, khu dân cư ngập tràn rác thải.
Để hoàn thành nhiệm vụ thành phố giao thu gom, vận chuyển trong ngày 90% lượng rác thải sinh hoạt, hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phân bổ chỉ tiêu thực hiện trong năm 2016 cho các huyện; trong đó 4 huyện Ba Vì, Thanh Oai, Phú Xuyên, Hoài Đức được điều chỉnh tăng tỷ lệ thu gom, vận chuyển so với kết quả thực hiện năm 2015.
Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ triển khai đồng thời giải pháp quản lý nhà nước, giải pháp kỹ thuật… nhằm tăng cường tỷ lệ thu gom, vận chuyển rác, quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả nguồn chi ngân sách cho sự nghiệp môi trường. Đối với giải pháp quản lý nhà nước, Sở sẽ đặc biệt chú trọng rà soát quy trình, định mức, đơn giá các sản phẩm dịch vụ công ích; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trên địa bàn các huyện thông qua công tác đặt hàng, đấu thầu, quyết toán dịch vụ duy trì vệ sinh môi trường và đánh giá năng lực thực hiện hợp đồng đấu thầu của các đơn vị vệ sinh môi trường…
Từ hiệu quả của mô hình trạm trung chuyển, phân loại rác kết hợp xử lý hữu cơ tại chỗ do Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Nam Thăng Long thực hiện trên địa bàn huyện Thanh Oai và Phú Xuyên, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ đề xuất thành phố cho nhân rộng ra các huyện nhằm giảm tải khu xử lý tập trung và giảm chi phí vận chuyển...
Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị các huyện rà soát, bổ sung bảo đảm 100% xã có tổ đội thu gom rác thải; hoàn thành quy hoạch điểm tập kết rác thải bảo đảm cự ly vận chuyển hợp lý, khoa học và kinh tế… Các huyện cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật bảo vệ môi trường, thu phí đúng quy định của thành phố; duy trì thường xuyên phong trào tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm vào ngày cuối tuần, đặc biệt trong dịp lễ, Tết…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.