(HNM) - Xóa đói, giảm nghèo luôn được Đảng, Nhà nước và thành phố Hà Nội xác định là chủ trương lớn, một nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của phát triển bền vững.
Bằng sự sẻ chia “lá lành đùm lá rách”, tiếp nối truyền thống tương thân, tương ái tốt đẹp của dân tộc ta, trong tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2020 (từ ngày 17-10 đến ngày 18-11), các hoạt động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” đã thu được kết quả khả quan. Đến thời điểm này, toàn thành phố đã huy động được hơn 45 tỷ đồng. Đáng chú ý, đợt vận động này đúng vào thời điểm Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kêu gọi ủng hộ đồng bào miền Trung bị thiên tai, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Quỹ “Vì người nghèo” các cấp vẫn nhận được hưởng ứng của các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức và đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Nhờ nguồn Quỹ “Vì người nghèo” được các tập thể, cá nhân ủng hộ ngày càng tăng nên việc hỗ trợ hộ nghèo trên địa bàn Thủ đô xây, sửa chữa nhà Đại đoàn kết, cấp phương tiện, vốn sản xuất; hỗ trợ người nghèo khám, chữa bệnh… luôn được tăng cường. Đây là động lực giúp nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo.
Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm là từ nguồn đóng góp của doanh nghiệp, người dân, việc sử dụng nguồn Quỹ “Vì người nghèo” phải bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng. Trong đó, chính quyền cơ sở phải có trách nhiệm cao nhất trong việc xét chọn đối tượng nhận được hỗ trợ sao cho đúng, không để sai sót. Với Mặt trận Tổ quốc các cấp - đơn vị được giao quản lý Quỹ “Vì người nghèo”, ngoài việc phối hợp tốt với chính quyền cơ sở cũng cần có cơ chế giám sát riêng bảo đảm nguồn hỗ trợ phải được sử dụng đúng mục đích.
Để việc sử dụng Quỹ “Vì người nghèo” đạt hiệu quả cao, nhất là khi dùng nguồn tiền hỗ trợ phương tiện, vốn sản xuất cho hộ nghèo, các chi hội, đoàn thể ở thôn, làng, tổ dân phố cần hướng dẫn đối tượng thụ hưởng sử dụng, đầu tư sản xuất, kinh doanh sao cho nguồn lực phát huy được hiệu quả.
Bên cạnh việc bổ sung kiến thức, kỹ năng sản xuất, khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của người dân, Mặt trận Tổ quốc các cấp cần đẩy mạnh tuyên truyền về kết quả của chương trình vận động quỹ để kết nối tấm lòng nhân ái, chia sẻ, đóng góp lớn hơn nữa cho công cuộc giảm nghèo.
Ngoài ra, về phía các cơ quan chức năng của thành phố, để thực hiện được mục tiêu giảm nghèo bền vững, các cấp, ngành cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách giảm nghèo, tích hợp với các chính sách an sinh xã hội khác bảo đảm đồng bộ, hiệu quả. Đặc biệt, cần sớm đề xuất với Chính phủ ban hành chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025 phù hợp, làm căn cứ để xây dựng chính sách hỗ trợ người nghèo đạt kết quả cao. Cùng với đó là thường xuyên kiểm tra, giám sát thực hiện công tác giảm nghèo tại cơ sở, động viên người nghèo, khơi dậy trong họ ý chí vươn lên thoát nghèo, phấn đấu để có điều kiện đóng góp trở lại cho xã hội.
Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội xác định, bảo đảm an sinh xã hội là một trong những công tác trọng tâm cần được đẩy mạnh. Cụ thể, Thành ủy sẽ xây dựng Chương trình 08 về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025”. Điều đó thêm khẳng định thành phố rất chú trọng và tiếp tục dành nguồn lực lớn hơn cho công tác xóa đói, giảm nghèo, vì mục tiêu không còn hộ nghèo và tiêu chuẩn hộ cận nghèo của thành phố luôn ở mức cao hơn mức chung cả nước là hoàn toàn khả thi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.