(HNM) - Dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, song với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, từ đầu năm 2021 đến nay, công tác cải cách hành chính của thành phố Hà Nội tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực.
Kết quả cụ thể là chỉ trong 9 tháng năm 2021, UBND thành phố Hà Nội đã công bố 533 danh mục thủ tục hành chính, thay thế 14 thủ tục, bãi bỏ 429 thủ tục. Số lượng hồ sơ tiếp nhận trên Cổng dịch vụ công thành phố Hà Nội đạt trên 1,4 triệu; tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 90%. Thành phố đã tích hợp ứng dụng biên lai điện tử, dịch vụ bưu chính công ích trên hệ thống. Đồng thời, bảo đảm 100% thủ tục hành chính của thành phố đều được thực hiện tại bộ phận “một cửa”; 100% quyết định công bố thủ tục hành chính sau khi ban hành đã được công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, tại nơi tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính và các hình thức khác theo quy định…
Cùng với nỗ lực tổng thể, ở cấp cơ sở cũng có nhiều cách làm hay, sáng tạo, góp phần cùng thành phố đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính, được người dân và cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận.
Từ thực tiễn và những kết quả đạt được, từ nay đến hết năm 2021, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả 10 nhiệm vụ trọng tâm trong công tác cải cách hành chính. Trong đó, tập trung vào việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, thống nhất, đồng bộ, hiệu quả công tác này gắn với việc thực hiện chủ đề công tác năm 2021; tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; xây dựng quy chế liên thông và công bố, công khai những quy định các thủ tục hành chính…
Đặc biệt, để thực hiện chủ trương “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” thì cần nâng cao hơn nữa hiệu quả giải quyết các thủ tục hành chính ở các lĩnh vực: Đất đai, xây dựng, quy hoạch, tài nguyên môi trường, điều kiện kinh doanh các ngành nghề có điều kiện (thông tin truyền thông, y tế, giáo dục, xuất bản, văn hóa, hóa chất…), thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội... giúp doanh nghiệp và người dân giảm bớt thời gian, chi phí. Trong đó, cấp ủy Đảng cần tăng cường chỉ đạo, giám sát UBND cùng cấp thực hiện nghiêm công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất trong cung cấp dịch vụ công, xử lý nghiêm những trường hợp tiêu cực trong thực thi công vụ; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công, nhất là ở cấp xã, phường, thị trấn. Cùng với đó là thường xuyên tổ chức đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng thực thi nhiệm vụ, giao tiếp với công dân cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Một vấn đề khác cũng cần đặc biệt quan tâm đó là các sở, ngành, UBND các cấp cần thường xuyên rà soát, tổng kết, rút kinh nghiệm những mặt làm được, những hạn chế cần khắc phục trong cải cách hành chính của đơn vị. Trong đó, biểu dương, khen thưởng kịp thời những cá nhân, đơn vị có nhiều sáng kiến cải cách hành chính, mang lại thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp cũng như quy trình xử lý của đơn vị. Sở Nội vụ cần đánh giá, phân loại, tổng hợp các kinh nghiệm hay để xem xét nhân rộng ra toàn thành phố. Mặt khác, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hằng ngày trực tiếp làm việc với doanh nghiệp, người dân phải thường xuyên tự học hỏi để nâng cao năng lực, văn hóa ứng xử, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của công tác cải cách hành chính.
Về phía doanh nghiệp, người dân cũng cần tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến khi giải quyết thủ tục hành chính, đồng thời ghi nhận, phản ánh những cách làm hay trong cải cách hành chính để thành phố tổng hợp và nhân rộng... Tất cả vì mục tiêu chung là phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.