(HNM) - Ngày 9-5 cách đây 69 năm, với ý chí kiên cường và lòng quả cảm vô song, quân đội và nhân dân Liên Xô cùng các nước đồng minh đã làm nên chiến thắng lịch sử, đánh bại chủ nghĩa phát xít - một thảm họa của nhân loại, kết thúc cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ II.
Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Xô Viết đã cứu nhân loại thoát khỏi nạn phát xít, hậu thuẫn cho phong trào giải phóng dân tộc toàn thế giới giành thắng lợi, trong đó có Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam, đồng thời tạo ra những nhân tố thời đại loại trừ chiến tranh thế giới ra khỏi đời sống loài người.
Đến nay, cuộc chiến đã lùi xa, nhưng bài học về đoàn kết các lực lượng của nhân loại tiến bộ trên mặt trận đấu tranh chống các thế lực hiếu chiến, ngăn chặn chiến tranh, bảo vệ hòa bình trên thế giới vẫn còn nguyên giá trị, nhất là trong bối cảnh tình hình quốc tế phức tạp hiện nay. Mặc dù hòa bình, hợp tác và phát triển đang là xu thế chung trên toàn cầu, nhưng vẫn tồn tại những mưu đồ gây chiến và toan tính nhằm áp đặt sự thống trị của một số thế lực theo chủ nghĩa bá quyền và đơn phương nhân danh "dân chủ", "nhân quyền" và "tự do"... để can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ các nước khác.
Hơn 11 nghìn binh lính Nga, 69 trực thăng và chiến đấu cơ cùng 149 xe bọc thép sẽ diễu hành kỷ niệm 69 năm chiến thắng phát xít. |
Đó là còn chưa kể đến việc chủ nghĩa phát xít đang tìm mọi cách để ngoi dậy tại một số quốc gia với nhiều biến tướng nguy hiểm không thua kém gì "chủ nghĩa phát xít nguyên thủy". Núp dưới vỏ bọc của chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Nga, Châu Âu và nhiều khu vực khác, "lý tưởng" của những tổ chức phát xít mới gần như "copy" nguyên bản "lý tưởng" của chủ nghĩa phát xít cũ. Và, mục tiêu tấn công của chúng là người khác màu da, chủng tộc... Những vụ hành hung, giết hại, bạo loạn do chúng gây ra thường nhằm vào người nước ngoài vô tội. Nguy hiểm hơn, bọn chúng biết tận dụng những lợi thế của xã hội dân chủ để hành động phản dân chủ theo kiểu phát xít, thù hằn con người và nguy hiểm hơn là tạo ra một chiến trường không có chiến tuyến rõ ràng.
Mưu toan làm sống lại bóng ma phát xít và đề cao những kẻ nợ máu của nhân loại, nhiều thế lực còn tìm mọi thủ đoạn khuấy động trào lưu đòi xét lại lịch sử cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ II; đồng thời phủ nhận thành quả cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Liên Xô và loài người tiến bộ. Đây không chỉ là hành động phủ nhận sự thật lịch sử, mà còn xúc phạm cống hiến của hàng chục triệu người đã hy sinh; trong đó có biết bao mái đầu còn xanh, tuổi đời còn rất trẻ trong cuộc chiến chống phát xít, đưa thế giới thoát khỏi thảm họa khủng khiếp nhất của thế kỷ XX.
Cho tới nay, những đau thương, mất mát trong Chiến tranh Thế giới thứ II với những sự kiện bi thảm của nhân loại tại trại tập trung Auschwitz (Ba Lan), Buchenwald, Sachsenhausen (Đức)... với hàng chục nghìn người Do Thái bị thiêu sống; những cuộc tàn sát dân thường hàng loạt; nạn đói khủng khiếp năm 1945 tại Việt Nam với 2 triệu người chết… là những chứng tích kinh hoàng về tội ác của chủ nghĩa phát xít. Vì thế, âm mưu xuyên tạc lịch sử Chiến tranh Thế giới lần thứ II là không thể chấp nhận. Thảm họa do chủ nghĩa phát xít và Chiến tranh Thế giới thứ II gây ra luôn là bài học đắt giá nhắc nhở nhân loại tiến bộ trên thế giới phải luôn cảnh giác và đề phòng trước những mưu toan chiến tranh và bá chủ của các lực lượng cực đoan, hiếu chiến.
Trong điều kiện thế giới vẫn tiềm ẩn những nhân tố đe dọa hòa bình thì mục tiêu tăng cường đoàn kết, hợp tác, đấu tranh ngăn chặn, chống lại sự áp đặt, can thiệp của nước ngoài, bảo vệ độc lập, chủ quyền và bản sắc văn hóa dân tộc phải được coi là vấn đề quan trọng hàng đầu trong chiến lược phát triển của mỗi quốc gia. Đây là nhân tố, tiền đề quan trọng để ngăn chặn chiến tranh, giữ vững hòa bình, an ninh thế giới. Thắng lợi của các lực lượng chống phát xít trong Chiến tranh Thế giới lần thứ II đã chứng tỏ điều đó.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.