Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì môi trường sống tốt hơn cho trẻ em

Hà Hiền| 05/07/2017 06:30

(HNM) - Kết quả của nhiều cuộc nghiên cứu, khảo sát gần đây cho thấy, trẻ em đang phải đối mặt với nguy cơ bạo lực, bị xâm hại, đói nghèo, phải lao động sớm, tảo hôn, thiên tai… và điều đó ảnh hưởng tới tương lai của trẻ.

Tuyên truyền nhằm xây dựng ý thức chủ động phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong cộng đồng.



Không chỉ có bạo lực, xâm hại...

Thời gian qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp với các ngành liên quan tổ chức nhiều hoạt động nhằm xây dựng ý thức chủ động phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong cộng đồng. Sau những đợt tuyên truyền sâu, rộng, người dân đã hiểu hơn nguy cơ, hậu quả nghiêm trọng của tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em. Thay vì giấu kín, một số nạn nhân và gia đình phản ánh kịp thời những vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ đến các cơ quan chức năng, góp phần đưa nhiều vụ việc ra ánh sáng.

Tuy nhiên, ngoài nguy cơ bị bạo lực, xâm hại, trẻ em còn phải đối mặt với những nguy cơ khác. Mới đây, Ban Quản lý Dự án nâng cao năng lực bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số (thuộc Ủy ban Dân tộc) đã công bố con số đáng báo động về tình trạng tảo hôn. Theo đó, hiện nay ở nước ta, 40/53 dân tộc có tỷ lệ tảo hôn ở trẻ em từ 20% trở lên, thậm chí ở một số dân tộc, tỷ lệ này lên tới 50 - 60%. “Tảo hôn là nguyên nhân sâu xa làm suy giảm chất lượng nguồn nhân lực và sự phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số”, ông Hà Hùng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nhận định.

Một yếu tố khác có thể gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển toàn diện của trẻ em, đó là việc trẻ phải tham gia lao động sớm. Kết quả khảo sát quốc gia mới nhất về lao động trẻ em, do Bộ LĐ-TB&XH, Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam và Tổng cục Thống kê thực hiện cho thấy, 1,75 triệu trẻ em và người chưa thành niên - tương đương với 9,6% trong tổng số trẻ em ở nước ta - phải tham gia lao động sớm…

Đáng lo ngại là tình trạng trẻ em phải lao động sớm khó có thể kiểm soát hoặc chủ động phòng ngừa khi số vụ thiên tai, sự biến đổi khí hậu ở nước ta xảy ra ngày càng nhiều, phức tạp. Theo ông Jesper Moller, Phó Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam, thiên tai có thể phá hủy tài sản, phương tiện sản xuất của một gia đình, cộng đồng, đẩy con người rơi vào tình trạng đặc biệt khó khăn. Trong hoàn cảnh ấy, trẻ em là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Giải pháp đồng bộ

Thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em, Việt Nam đã xây dựng, ban hành nhiều chính sách, thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ trẻ em. Theo các chuyên gia, hiện nay, khung pháp lý về bảo vệ trẻ em tương đối đầy đủ, vấn đề quan trọng là triển khai thực hiện như thế nào cho hiệu quả.

Về tình trạng trẻ em tham gia lao động, ông Minoru Ogasawra, Cố vấn Trưởng dự án ENHANCE, Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho rằng, việc thực thi các chính sách bảo vệ trẻ em nên được lồng ghép với hoạt động giáo dục khẩn cấp, trong đó ưu tiên giáo dục ở bậc trung học cơ sở; đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức xã hội về những ảnh hưởng tiêu cực từ việc để trẻ em tham gia lao động. Trong những trường hợp bắt buộc, các cơ quan chức năng nên vận động trẻ em lớn tham gia học nghề và làm các công việc an toàn, ý nghĩa.

Ông Jesper Moller nêu khuyến nghị: Các cơ quan chức năng nên đầu tư để giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Bộ LĐ-TB&XH nên xây dựng chiến lược phòng ngừa, ứng phó với thiên tai; hướng dẫn các địa phương lồng ghép các hoạt động ứng phó bảo vệ trẻ em trong tình huống khẩn cấp vào chương trình bảo vệ trẻ em và nội dung phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, cần cải thiện bộ công cụ đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra, tạo cơ sở cho việc thiết kế các hoạt động cứu trợ nhân đạo.

Với trẻ em trực tiếp chịu ảnh hưởng của thiên tai, ông Dương Văn Hùng, Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) mong muốn các cơ quan chức năng thực hiện song song hai giải pháp: Hỗ trợ khẩn cấp, hỗ trợ công ăn việc làm sau thiên tai cho các hộ gia đình nghèo, cận nghèo.

Cho rằng bất bình đẳng giới là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn, kết hôn với trẻ em, bà Astrid Bant, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam kiến nghị các cơ quan chức năng quan tâm nhiều hơn đến nhận thức của xã hội về bình đẳng giới. “Chúng ta cần bảo đảm tất cả thanh niên, vị thành niên có quyền chọn tương lai cho chính mình”, bà Astrid Bant kết luận.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì môi trường sống tốt hơn cho trẻ em

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.