Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì môi trường không khói thuốc

Thu Trang| 31/05/2020 06:36

(HNM) - Với hơn 7.000 chất hóa học, trong đó có 69 chất gây ung thư, thuốc lá có thể gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm cho người hút và những người hít khói thuốc thụ động. Nhân Ngày Thế giới không thuốc lá (31-5) và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá (từ ngày 25 đến 31-5), phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) về những nỗ lực để có được một môi trường không khói thuốc.

Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê.

Tăng cường sự giám sát của cộng đồng

- Xin ông cho biết, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá ở nước ta đã có những chuyển biến gì sau khi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực từ ngày 1-5-2013 đến nay?

- Hơn 7 năm triển khai Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, tại Việt Nam đã có nhiều chuyển biến trong nhận thức và hành vi của người dân về phòng, chống tác hại thuốc lá. Cụ thể, tỷ lệ hút thuốc trong nam giới giảm khoảng 2,1% (xuống còn 45,3%); tỷ lệ nữ giới hút thuốc giảm 0,3% (xuống còn 1,1%). Một số địa phương cũng đã có đánh giá về mức độ nhận thức của đối tượng được tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá cho thấy, trên 90% cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, ban, ngành và 65% người dân được tiếp cận thông tin về tác hại của thuốc lá, các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Nhờ đó, nhận thức của người dân đã nâng lên rõ rệt. Hầu như không còn hiện tượng cán bộ, công chức, viên chức hút thuốc trong phòng họp, không còn tình trạng mời, ép buộc sử dụng thuốc lá; đồng thời, giảm việc mời thuốc lá trong các dịp lễ, Tết, đám cưới, đám hiếu… 

Đặc biệt, đến nay đã có 1.560 cơ quan hành chính, 3.778 trường mẫu giáo, 3.577 trường tiểu học, 2.502 trường trung học cơ sở, 1.010 trường trung học phổ thông thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc trong khuôn viên và trong nhà. Ngoài ra, 169 trường đại học, cao đẳng trong toàn quốc thực hiện cấm hút thuốc lá tại khu vực trong nhà, 208 công ty xe khách thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc và trên xe khách… Tỷ lệ hút thuốc lá thụ động cũng giảm xuống ở hầu hết các địa điểm. Cụ thể, tại nơi làm việc giảm 13,3% (xuống còn 42,6%); tại các trường đại học, cao đẳng giảm 16,4% (xuống còn 37,9%); trên phương tiện giao thông công cộng giảm 15% (xuống còn 19,4%); tại gia đình giảm 13,2% (xuống còn 59,9%).

- Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã quy định cụ thể về những địa điểm cấm hút thuốc, song hành vi nhả khói thuốc vẫn tùy tiện “mọi lúc, mọi nơi”, trong khi đó việc giám sát và xử lý vi phạm chưa phát huy tác dụng, thưa ông?

- Dù có nhiều chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân, nhưng Việt Nam vẫn là một trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới. Hiện tại, nước ta có khoảng 45,3% nam giới hút thuốc lá, tương đương cứ 2 người trưởng thành, có một người hút thuốc.

Thuốc lá là sản phẩm gây nghiện, có hại cho sức khỏe. Mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 40.000 ca tử vong liên quan đến sử dụng thuốc lá. Thế nhưng, tại nước ta, thuốc lá được bày bán khắp nơi với giá vô cùng rẻ, bất cứ ai cũng có thể mua để sử dụng. Trong khi đó, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về phòng, chống tác hại của thuốc lá còn gặp rất nhiều khó khăn. Lực lượng thanh tra mỏng, ý thức tuân thủ các quy định cấm hút thuốc của nhiều người còn hạn chế. Việc kiểm tra mới chỉ tập trung tại khu vực khách sạn, nhà hàng, trường học, bệnh viện, nơi làm việc, bến tàu, bến xe…

- Vậy theo ông, làm thế nào để nâng cao hiệu quả của việc xử phạt người hút thuốc không đúng nơi quy định?

- Để tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính về việc phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế đã đề xuất với Chính phủ bổ sung quy định thực hiện thí điểm việc sử dụng các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện, xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá trong các văn bản pháp luật liên quan. 

Bên cạnh đó, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá đang xây dựng ứng dụng phần mềm (app) trên điện thoại di động để tiếp nhận phản ánh của người dân đối với việc thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Thông qua ứng dụng này, người dân có thể ghi lại các hình ảnh, hành vi vi phạm Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và gửi tới cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời.

Xem xét cấm các sản phẩm thuốc lá mới

- Theo ông, vì sao Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lựa chọn chủ đề Ngày Thế giới không thuốc lá năm nay là “Bảo vệ giới trẻ khỏi ảnh hưởng của việc quảng cáo và sử dụng các sản phẩm thuốc lá”?

- Thanh niên là thế hệ tương lai của tất cả các dân tộc và đây cũng là đối tượng dễ tác động bởi quảng cáo thuốc lá. Do đó, WHO lựa chọn chủ đề này để bảo vệ giới trẻ trước nguy cơ nghiện chất nicotine và các tác hại đối với sức khỏe của việc sử dụng thuốc lá, ngăn chặn các chiến thuật quảng cáo có hệ thống của ngành công nghiệp thuốc lá.

Thông qua chủ đề này, WHO kêu gọi các quốc gia cần có hành động kịp thời để giúp thế hệ trẻ không bị lừa dối bởi các quảng cáo gây nhầm lẫn rằng, thuốc lá ít hại cho sức khỏe, xây dựng một thế hệ trẻ khỏe mạnh.

- Tình trạng sử dụng thuốc lá trong giới trẻ ở nước ta hiện nay ra sao, thưa ông?

- Sau nhiều năm nỗ lực trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá, tỷ lệ giới trẻ sử dụng thuốc lá điếu truyền thống ở nước ta đã giảm. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử lại tăng, đặc biệt ở nhóm học sinh, sinh viên, thanh niên... Theo điều tra sức khỏe học sinh toàn cầu của WHO thực hiện tại 21 tỉnh, thành phố của nước ta vào năm 2019 cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường ở học sinh Việt Nam có xu hướng giảm từ 4% xuống 3,6%. Thế nhưng, từ khi thuốc lá điện tử xâm nhập vào nước ta đến nay, tỷ lệ sử dụng loại thuốc lá này trong học sinh bắt đầu tăng lên 2,6%.

Với thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng (thuốc điếu sử dụng tẩu), thuốc lá kiểu mới, các chiến dịch quảng cáo đang tập trung giới thiệu nhiều thiết kế “sành điệu”, sử dụng tiện lợi, hương vị mới làm cho giới trẻ coi nhẹ rủi ro với sức khỏe. Trong khi đó, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới này cũng có nhiều thành phần gây hại đến sức khỏe con người, rất khó kiểm soát.

- Vậy, làm thế nào để hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá đạt kết quả tốt hơn trong thời gian tới, thưa ông?

- Hiện nhiều quốc gia đã cấm mua bán, sử dụng đối với sản phẩm thuốc lá điện tử do sản phẩm này tác động và tiếp cận chủ yếu với giới trẻ, thanh thiếu niên. Do đó, Bộ Y tế đang nghiên cứu và đề xuất xem xét đưa các loại thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng vào loại hàng hóa cấm kinh doanh và tiêu dùng. Bộ Y tế cũng đề xuất sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, trong đó tăng thuế đối với thuốc lá, góp phần đạt mục tiêu quốc gia về giảm tỷ lệ hút thuốc, giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong, đồng thời giúp tăng nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước. 

Ngoài ra, để kiểm soát việc quảng cáo sản phẩm thuốc lá, nhất là sản phẩm thuốc lá mới trên môi trường mạng, YouTube, mạng xã hội (Zalo, Facebook)…, Bộ Y tế cũng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông có biện pháp kiểm soát chặt chẽ môi trường internet đối với loại hình thuốc lá. Mặt khác, tăng cường công tác giáo dục truyền thông về tác hại của thuốc lá và các quy định pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá, trong đó ưu tiên các hoạt động truyền thông ngăn ngừa việc sử dụng thuốc lá trong giới trẻ…

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì môi trường không khói thuốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.