(HNM) - Từ đầu năm đến nay, du lịch là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19. Đứng trước khó khăn chưa có tiền lệ này, trong giai đoạn đầu khi dịch Covid-19 được khống chế, cùng với những cơ chế, chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, ngành Du lịch đã sớm chủ động đưa ra nhiều hoạt động kích cầu, nổi bật là chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”. Tuy nhiên, “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, giữa lúc các chương trình kích cầu nhen nhóm phát huy hiệu quả, thì dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trở lại, tiếp tục đẩy ngành Du lịch rơi vào trạng thái “đóng băng”.
Một lần nữa, ngành Du lịch lại phải căng mình để có thể trụ vững và phát triển trong tình hình mới. Theo đó, cùng với cả nước, ngành Du lịch đã và đang nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”: Vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ vậy, những tín hiệu vui đã trở lại với ngành Du lịch, khi nhiều điểm đến trong nước đã thông báo đón khách, hoạt động vận tải đường không, đường bộ được nối lại… sau khi dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát. Đặc biệt, nắm bắt cơ hội, các đơn vị lữ hành, vận tải cũng đã đưa ra các chương trình kích cầu, khuyến mãi để thu hút du khách.
Tuy vậy, để có thể phục hồi hiệu quả, thì yếu tố bảo đảm an toàn cho du khách phải được ngành Du lịch đặt lên hàng đầu. Do đó, bên cạnh các hoạt động kích cầu, nhiệm vụ rất quan trọng ngay từ bây giờ là cần kết hợp làm tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, sốt xuất huyết và các loại dịch bệnh nguy hiểm khác. Việc này cần được triển khai đồng bộ, thống nhất và tuân thủ nghiêm theo đúng hướng dẫn của các ngành: Y tế, Du lịch...
Đặc biệt, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch cần nâng cao chất lượng dịch vụ điểm đến. Trong đó, những việc cần làm là tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa sản phẩm du lịch phù hợp với tình hình mới; tranh thủ đầu tư cơ sở vật chất cả về hạ tầng điểm đến cũng như ứng dụng các công nghệ mới để tăng trải nghiệm cho du khách; chuẩn bị tốt nguồn nhân lực chất lượng cao… Một gợi ý rất đáng tham khảo là các doanh nghiệp nên xây dựng các tuyến du lịch mới, chú trọng khai thác du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch gắn với bảo vệ môi trường.
Trong thời điểm này, ngành Du lịch cũng như các địa phương, doanh nghiệp lữ hành cần nắm bắt cơ hội, tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch, giới thiệu điểm đến an toàn đối với du khách; khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh thu hút du khách theo đúng hướng dẫn và khuyến cáo của cơ quan có thẩm quyền. Các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, vận chuyển và cung ứng dịch vụ du lịch cần tiếp tục duy trì, xây dựng được mối quan hệ tương hỗ chặt chẽ, cùng tạo nên sức mạnh, đóng góp vào kết quả, thành công chung của ngành Du lịch. Bởi, nếu bị yếu hoặc đứt gãy bất kỳ một mắt xích nào trong chuỗi liên kết này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động chung của cả ngành.
Nhìn rộng ra, du lịch là một ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, đòi hỏi sự liên kết, hợp tác giữa nhiều ngành, lĩnh vực kinh doanh. Do vậy, trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19, ngành Du lịch cũng như các đơn vị liên quan cần khảo sát, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp để tham mưu, xây dựng kịch bản phù hợp, bảo đảm duy trì hoạt động du lịch tại thời điểm hiện nay và có thể phát triển mạnh mẽ khi chấm dứt dịch bệnh.
Triển khai những việc trên không chỉ giúp doanh nghiệp du lịch tháo gỡ khó khăn mà còn vì lợi ích chung, góp phần phục hồi các ngành kinh tế khác, đóng góp vào sự phục hồi và phát triển chung của nền kinh tế đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.