LTS: Bắt đầu từ số báo này, Báo Hànộimới khởi đăng loạt bài
LTS: Ngày 6-1-2012, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020. Tiếp nối Nghị quyết 15-NQ/TƯ ngày 15-12-2000 của Bộ Chính trị khóa VIII về "Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội trong thời kỳ 2001-2010", Nghị quyết số 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị khóa XI có tầm quan trọng đặc biệt đối với Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn 2001-2020. Đây chính là điểm tựa huy động tối đa sức mạnh tổng hợp về vật chất, tinh thần của Hà Nội và cả nước để xây dựng, phát triển Thủ đô xứng đáng với vai trò là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và của cả nước.
Bắt đầu từ số báo này, Báo Hànộimới khởi đăng loạt bài "Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển Thủ đô giai đoạn 2011-2020: Vì Hà Nội văn minh, hiện đại" trên trang Chính trị - Xã hội hằng tuần. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Nền tảng, động lực bước vào giai đoạn mới
Giai đoạn 10 năm (2001-2010), Hà Nội thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị khóa VIII về nhiệm vụ, phương hướng phát triển Thủ đô thời kỳ 2001-2010 trong bối cảnh vừa có nhiều thuận lợi, thời cơ, vừa có nhiều khó khăn thách thức. Với sự nỗ lực phấn đấu cao độ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã giành được những thành tựu toàn diện. Thực hiện hiệu quả Nghị quyết 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị khóa VIII, Hà Nội đã bước lên một vị thế mới, trên một tầm cao mới, đi đầu trong một giai đoạn phát triển mới của đất nước. Đầu năm 2012, Bộ Chính trị khóa XI tiếp tục có Nghị quyết 11-NQ/TƯ về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2011-2012, tạo thêm tiền đề, cơ hội để Thủ đô Hà Nội tiếp tục phát triển.
Thủ đô ngày càng phát triển vững mạnh, xứng đáng là trái tim của cả nước.
Ảnh: Duy Tường
Niềm tin yêu hy vọng
Bước vào thế kỷ XXI, Hà Nội có những thuận lợi cơ bản nhưng cũng đứng trước nhiều thách thức gay gắt. Sau 15 năm cùng với cả nước tiến hành công cuộc đổi mới (1986-2000), Thủ đô đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tạo ra những chuyển biến sâu sắc trên tất cả các lĩnh vực, niềm tin của nhân dân với Đảng, với sự nghiệp đổi mới không ngừng được củng cố.
Từ một nền kinh tế tập trung, bao cấp, ở trong tình trạng khủng hoảng, kinh tế Thủ đô đã nhanh chóng phát triển, chuyển sang kinh tế thị trường định hướng XHCN, năng động, tăng trưởng liên tục ở mức cao, phát triển nhanh cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, chuyển dịch cơ cấu tích cực theo hướng hiện đại hóa, không chỉ đáp ứng nhu cầu cuộc sống người dân mà còn tích lũy để đầu tư phát triển.
Uy tín và vị thế của Thủ đô cũng ngày càng nâng cao khi Hà Nội là thành phố duy nhất ở Châu Á - Thái Bình Dương được UNESCO trao tặng danh hiệu "Thành phố Vì hòa bình" và vào dịp kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội (năm 2000), được Đảng và Nhà nước tặng thưởng danh hiệu cao quý "Thủ đô Anh hùng".
Là trái tim của cả nước, đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, Thủ đô Hà Nội có vinh dự lớn, đồng thời có trách nhiệm hết sức nặng nề. Trước đây, trong 73 bài viết riêng về Hà Nội, với Đảng bộ và nhân dân Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thể hiện sự quan tâm đặc biệt tới sự phát triển của Thủ đô. Người mong muốn: "Thành phố Hà Nội phải làm thế nào để trở thành một Thủ đô XHCN. Muốn như thế thì mỗi một xí nghiệp, mỗi một đơn vị bộ đội, mỗi một trường học, mỗi một đường phố và mỗi một nông thôn ở ngoại thành phải thành một pháo đài của chủ nghĩa xã hội" (Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội - NXB Chính trị quốc gia 2004). Với sự quan tâm đặc biệt của Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội; sự giúp đỡ hiệu quả của các bộ, ban, ngành, đoàn thể; sự ủng hộ tích cực của các địa phương; cả hệ thống chính trị của Thủ đô đã vào cuộc để phát huy trí tuệ và sức mạnh tổng hợp, chủ động, sáng tạo xây dựng và phát triển Thủ đô xứng đáng với niềm mong mỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời cũng như sự tin yêu, kỳ vọng của đồng bào cả nước.
Chặng đường 10 năm thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị khóa VIII, Hà Nội có hai mốc thời gian đặc biệt quan trọng, đó là giai đoạn 2001-2007 và giai đoạn từ tháng 8-2008 đến 2010 thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội (khóa XII) mở rộng địa giới hành chính Thủ đô. Cả hai giai đoạn đó, bám sát Nghị quyết 15-NQ/TƯ, cấp ủy, chính quyền thành phố đã xây dựng các nghị quyết, chương trình, đề án công tác, lựa chọn đúng và trúng các nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá để triển khai thực hiện, quyết tâm tạo chuyển biến trên tất cả các lĩnh vực.
Những thành tựu cơ bản và toàn diện
Sơ kết 5 năm Hà Nội thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TƯ (2011-2015), Bộ Chính trị đánh giá: "Đảng bộ và chính quyền Thủ đô đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện, đúng định hướng, tạo chuyển biến cơ bản trong đời sống xã hội, góp phần rất quan trọng vào thành tựu chung của cả nước". Bình quân trong 5 năm (2001-2005), GDP của Hà Nội tăng 11,1%/năm, bằng 1,5-1,6 lần tốc độ tăng GDP bình quân của cả nước; năm 2005, vốn đầu tư phát triển trên địa bàn đạt 32.120 tỷ đồng, tăng 2,1 lần so với năm 2000. Kết cấu hạ tầng đô thị được đầu tư đồng bộ và từng bước hiện đại hóa, diện tích nhà ở bình quân đầu người cuối năm 2005 là 7,5m2, tỷ lệ thất nghiệp đô thị giảm xuống còn 6,2%... Trên thực tế, sự phát triển của Hà Nội không chỉ với vị thế một thành phố lớn, mà với vị thế của Thủ đô, một "cực phát triển" của vùng và của cả nước.
5 năm tiếp theo (2006-2010) là một giai đoạn lịch sử, đặc biệt đáng nhớ đối với Hà Nội, trong đó tâm điểm chính là năm 2008 đặt ra nhiều thử thách đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô. Ấy là một năm thiên tai lớn chưa từng có, tập trung vào hai đợt, đầu năm là rét đậm, rét hại kéo dài, cuối năm là trận mưa lịch sử gây ngập úng trên diện rộng với quy mô, mức độ chưa từng có. Cùng với đó là "cơn bão tài chính" quét qua những nền kinh tế tài chính hàng đầu thế giới mà khởi nguồn từ phố Uôn (Wall Street) của nước Mỹ, mở đầu cho cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu với sức hủy hoại chưa từng thấy. Và trong bối cảnh hội nhập quốc tế, đất nước nói chung, Thủ đô nói riêng không thể không phải gánh chịu những tác động, ảnh hưởng nặng nề. Lại thêm một thử thách vô cùng to lớn nữa là Hà Nội phải tổ chức một khối lượng công việc rất khó khăn nhưng vô cùng quan trọng là thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội về việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô (1-8-2008). Cùng với việc nhanh chóng sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, điều chỉnh lại phương hướng, mục tiêu, Đảng bộ thành phố đã tập trung chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện 9 chương trình công tác lớn, 5 nhiệm vụ trọng tâm và hai khâu đột phá (cải cách hành chính và công tác cán bộ), góp phần quan trọng tạo nên những chuyển biến tiến bộ, toàn diện trong đời sống xã hội.
10 năm thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị khóa VIII, Hà Nội đã đạt tăng trưởng GDP bình quân 10,85%/năm, cao gấp 1,5 lần tốc độ tăng GDP của cả nước. Các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, thương mại… đều có những thành tựu, bước tiến mới. Lĩnh vực xây dựng, quản lý đô thị được thực hiện quyết liệt, nhiều mặt có chuyển biến tích cực. Công tác phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được thực hiện đồng bộ, đạt kết quả đáng khích lệ. Văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển, nhiều chỉ tiêu chủ yếu dẫn đầu cả nước. An sinh xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân, nhất là ở vùng nông thôn, xa trung tâm được cải thiện rõ rệt. An ninh, quốc phòng được củng cố vững chắc, trật tự an toàn xã hội có chuyển biến tích cực…
Những thành tựu nêu trên là kết quả của sự nỗ lực, phấn đấu, tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đạt được, Hà Nội vẫn còn một số mặt hạn chế. Ngày 16-11-2011, tại buổi làm việc của tập thể Bộ Chính trị với thành phố Hà Nội về kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TƯ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thẳng thắn nêu rõ những tồn tại như: Kinh tế phát triển chưa toàn diện, chưa khai thác tốt các nguồn lực về vốn, nhân lực và công nghệ trên địa bàn; Công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị vẫn còn một số bất cập; Thành phố chưa thực sự phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của một trung tâm lớn hàng đầu về văn hóa xã hội; Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị chuyển biến chưa đồng bộ… Cũng tại cuộc họp này, Hà Nội đã kiến nghị một số cơ chế, chính sách, đặc biệt, trong đó đề xuất ban hành một nghị quyết mới của Bộ Chính trị để thành phố tiếp tục phát triển mạnh mẽ, hiệu quả, thực hiện tốt vị trí, vai trò đầu tàu của Thủ đô - "Trái tim của cả nước". Cùng với điều đó, những thành tựu đã đạt được trong thời gian qua chính là động lực, là nền tảng vững chắc để Hà Nội vững bước vào một giai đoạn mới - giai đoạn 2011-2020.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.