Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì chất lượng bữa ăn trường học

Hoàng Hà| 05/10/2020 06:14

(HNM) - Những năm gần đây, tỷ lệ học sinh các cấp học trên địa bàn Hà Nội ăn bán trú tại trường học ngày càng tăng. Đáp ứng nhu cầu này, cùng với tăng cường đầu tư cơ sở vật chất bếp ăn bảo đảm đủ các điều kiện cần thiết, công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm được ngành chức năng của thành phố, các nhà trường đặc biệt chú trọng.

Trong đó, hầu hết các trường đã thành lập ban chỉ đạo an toàn, vệ sinh thực phẩm; tổ giám sát việc cung cấp thực phẩm, suất ăn có sự tham gia của phụ huynh học sinh…

Tuy nhiên, một thực tế gây không ít lo lắng cho phụ huynh học sinh đó là thời gian qua vẫn xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm trong trường học. Dù đây chỉ là hiện tượng cá biệt, nhưng nỗi lo về chất lượng bữa ăn học đường của phụ huynh không phải là không có cơ sở. Bởi qua công tác thanh tra, kiểm tra của lực lượng chức năng cho thấy, vẫn còn nơi này, nơi kia tồn tại những lỗ hổng trong việc tổ chức bữa ăn bán trú ở trường học. Đó là công tác quản lý, giám sát bếp ăn bán trú của một số trường chưa được thường xuyên; vẫn còn tình trạng để lẫn thực phẩm sống - chín; đơn vị cung ứng không thực hiện đúng cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm...

Trước những nguy cơ luôn hiện hữu, các nhà trường cần coi công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đối với bữa ăn bán trú ở trường học quan trọng không kém nhiệm vụ dạy và học. Theo đó, ngành Y tế, ngành Giáo dục cần đẩy mạnh việc hướng dẫn, chỉ đạo, giám sát các nhà trường, đơn vị cung ứng thực phẩm thực hiện nghiêm túc các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh và phụ huynh về phòng, chống ngộ độc thực phẩm. Cùng với đó tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất bếp ăn trường học, đơn vị cung ứng nguồn thực phẩm hoặc suất ăn nấu sẵn để sớm phát hiện, ngăn chặn vi phạm, tránh tình trạng "mất bò mới lo làm chuồng".

Thực tế, để có bữa ăn học đường an toàn, đủ dưỡng chất cho học sinh, trách nhiệm cao nhất vẫn thuộc về các nhà trường và những người trực tiếp "đứng bếp". Do đó, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất bếp ăn, nhà ăn bán trú, một việc rất quan trọng là các nhà trường phải luôn thực hiện đúng các bước trong quy trình của bếp ăn bán trú hoặc tiếp nhận suất ăn từ bên ngoài. Trong đó các trường phải thực hiện nguyên tắc chỉ ký hợp đồng cung ứng thực phẩm với những đơn vị đủ cơ sở pháp lý, đáng tin cậy; kiểm soát chặt chẽ nguồn thực phẩm hoặc suất ăn ngay từ đầu vào... Việc quan trọng nữa là phải thường xuyên tập huấn kiến thức, kỹ năng về vệ sinh an toàn thực phẩm; cách nhận biết thực phẩm tươi sống; phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm… cho cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà bếp.

Đặc biệt, ban đại diện phụ huynh học sinh và nhà trường phải phối hợp thường xuyên trong việc kiểm tra chất lượng bữa ăn bán trú, chú trọng kiểm tra tại các cơ sở cung ứng thực phẩm hoặc suất ăn nấu sẵn để có thông tin thông báo rộng rãi đến phụ huynh học sinh. Bản thân các phụ huynh cũng cần chủ động tham gia hoạt động này, vừa giúp nhà trường có thêm kênh giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa trực tiếp tham gia bảo vệ sức khỏe của con em mình.

Về phía các đơn vị cung ứng thực phẩm, suất ăn sẵn cần đề cao trách nhiệm, đạo đức kinh doanh. Mọi việc làm đều phải hướng đến lợi ích chung, vì bữa ăn an toàn, chất lượng, bảo đảm sức khỏe cho học sinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì chất lượng bữa ăn trường học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.