Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vết thương trên mai rùa Hồ Gươm đang bình phục

Thế Dũng| 09/04/2011 05:38

(HNM) - Đây là nhận định của các thành viên trong tổ khám, chẩn đoán, chữa trị cho rùa Hồ Gươm chiều ngày 8-4, tức 5 ngày sau khi cá thể rùa quý hiếm này được lưu, giữ chữa trị vết thương tại chân Tháp Rùa.


Bôi thuốc chữa loét ngoài da cho rùa Hồ Gươm. Ảnh: Hà Hồng


Theo TS Phan Thị Vân (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1), đã có kết quả phân tích mẫu thu được từ quá trình thăm khám cho rùa Hồ Gươm ngày 4-4. Theo đó, không phát hiện thấy trên cơ thể rùa có kí sinh trùng ngoài da mà chỉ thấy có bốn loài vi khuẩn và một loài nấm, những loài có nhiều trong lớp bùn đáy hoặc trong nước.

Những ngày gần đây, việc bôi thuốc sát khuẩn vào những vị trí tổn thương của rùa được thực hiện liên tục. Một số chủng thuốc kháng sinh đã được đưa vào phương án điều trị, nhưng đến nay vẫn chưa cần dùng tới. Sau 5 ngày dưỡng thương, rùa không chỉ tự ăn mà những vết thương ở mai, chi trước đã có dấu hiệu bình phục. Bề mặt vết thương trên phần mai giáp cổ rùa đã thu hẹp còn 3cm, thay vì 10cm như trước đó, những vết loét ngoài da ở chi trước đã không còn rỉ máu. Rùa không có biểu hiện "sốc", không quẫy đạp mạnh như các nhà khoa học lo ngại. Cứ khoảng 5 phút, rùa nổi đầu lên một lần, kể cả khi có những người được giao chăm sóc đứng bên.

Cũng theo các chuyên gia, nếu nhìn qua ảnh thì ở hai chi trước và phần cổ của rùa Hồ Gươm có màu da bợt hơn các phần khác trên cơ thể. Điều đó cho thấy những vết sẹo đã lành và tình trạng lão hóa da thường thấy ở cá thể rùa tuổi cao. Riêng ở phần bụng rùa (yếm rùa), các chuyên gia không phát hiện có tổn thương. Trong quá trình chữa bệnh, việc xác định loài cho rùa Hồ Gươm cũng được thực hiện thông qua giám định gen. "Công việc này đang được thực hiện khẩn trương và có kết quả sau khoảng một tuần nữa. Việc xác định chính xác tuổi của rùa Hồ Gươm là việc không đơn giản, nhưng nếu thực sự cần thiết thì cũng sẽ có phương án phù hợp cho kết quả có thể tin cậy được" - GS-TS Lê Trần Bình (Viện Công nghệ sinh học) cho biết.

Theo TS Lê Xuân Rao, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, một vài ngày tới có thể đưa rùa Hồ Gươm vào bể chăm sóc có đường kính 15m. Tại đây, ngoài việc kiểm soát các chỉ số môi trường, người ta sẽ thả thêm một số loại cá để rùa có thể tự kiếm ăn và không mất đi bản năng săn mồi như lo ngại của một số người. Phác đồ, chủng loại thuốc dùng để chữa trị những ngày gần đây sẽ tiếp tục được áp dụng trong những ngày tới.

Tuy nhiên, điều băn khoăn của các chuyên gia trong tổ khám, chẩn đoán, chữa trị cho rùa Hồ Gươm là mức độ ô nhiễm của nước Hồ Gươm rất cao, biểu hiện rõ nhất là chỉ số pH luôn lớn hơn 10 trong khi độ pH ở chuẩn cho phép từ khoảng 7 đến 7,5. Điều kiện môi trường này rất khó để cho một sinh vật bình thường có thể tồn tại. Điều đó cho thấy, việc cải tạo môi trường Hồ Gươm là công việc hết sức cần thiết. Việc chữa bệnh cho rùa không thể tách rời điều kiện này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vết thương trên mai rùa Hồ Gươm đang bình phục

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.