Theo dõi Báo Hànộimới trên

Venezuela tìm kiếm “phao cứu sinh”

Thùy Dương| 17/01/2015 06:59

(HNM) - Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro vừa kết thúc chuyến thăm 10 ngày (từ 5-1) tới Trung Quốc, Nga và 4 quốc gia thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) nhằm tìm


Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh giá dầu tiếp tục lao dốc trong những ngày đầu năm mới 2015, khiến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Venezuela giảm khoảng 2% ngay trước thềm năm mới. Chỉ trong 3 tháng qua, giá dầu thế giới đã giảm gần 50%, từ 95 USD/thùng hồi tháng 9 xuống còn khoảng 60 USD/thùng vào thời điểm hiện tại, đã và đang thách thức nền kinh tế vốn phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ của Venezuela. Xuất khẩu dầu chiếm tới 96% nguồn thu ngoại tệ nên giá dầu giảm mạnh đã giáng một đòn mạnh vào nguồn thu ngân sách của quốc gia này. Venezuela đang ở đỉnh điểm của nguy cơ đổ vỡ kinh tế, Tổng thống N.Maduro đã quyết định công du xuyên đại dương để tìm kiếm lối thoát.

Hàng hóa khan hiếm đã tạo ra nhiều bất ổn cho Venezuela trong bối cảnh giá dầu thế giới sụt giảm liên tục.



Đến với các thành viên OPEC (Saudi Arabia, Qatar, Iran và Algeria), nhà lãnh đạo Venezuela thẳng thắn kêu gọi sự thống nhất giữa các nước sở hữu dầu mỏ để vực giá dầu liên tục "phá đáy" đang thu hẹp nguồn thu ngân sách của quốc gia Nam Mỹ này. Bởi lẽ trong cuộc họp OPEC hồi tháng 11-2014, Venezuela đề xuất khối này giảm sản lượng để đẩy giá dầu lên nhưng không nhận được sự hồi đáp. Thay vì giảm sản lượng, Saudi Arabia hướng OPEC giữ nguyên mức khai thác nhằm bảo vệ thị phần trước sự nổi lên của các nhà sản xuất dầu đá phiến ở Mỹ. Thế nên, trong chặng dừng tại Algeria - quốc gia cũng đang kêu gọi OPEC cắt giảm sản lượng để ngăn chặn đà lao dốc của "vàng đen" - Tổng thống N.Maduro và người đồng cấp Abdelaziz Bouteflika đã đạt được sự đồng thuận trong việc tìm kiếm các giải pháp đối phó với tình trạng sụt giảm của giá dầu trên thị trường thế giới. Bên cạnh đó, chuyến đi cũng giúp người đứng đầu Venezuela thiết lập một "liên minh chiến lược" mới với một số ngân hàng Qatar để bảo đảm nguồn ngoại tệ, bù lại sự sụt giảm nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ; đồng thời mở ra hợp tác mới với Iran về xây dựng hơn 20.000 nhà ở và hiện đại hóa đội xe taxi tại Venezuela…

Tuy nhiên, hai quốc gia đáng quan tâm nhất trong chuyến công du của Tổng thống N.Maduro là Trung Quốc và Nga - hai đối tác kinh tế hàng đầu của quốc gia Nam Mỹ. Trung Quốc đã trở thành đối tác chiến lược của Venezuela từ khi cố Tổng thống Hugo Chavez lên nắm quyền năm 1999. Trung Quốc nhập khẩu khoảng 640.000 thùng dầu/ngày từ Venezuela. Mới đây, Bắc Kinh cũng đã nới rộng khoản vay trị giá 42 tỷ USD dài hạn cho Caracas. Trong đó, đối tác Châu Á đã thanh toán trước 24 tỷ USD để thúc đẩy các hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai bên. Do những khó khăn hiện nay, chính phủ của Tổng thống N.Maduro kỳ vọng Trung Quốc có thể tăng lượng nhập khẩu dầu lên một triệu thùng/ngày trong những năm tới; qua đó thúc đẩy thương mại song phương vượt mốc 20 tỷ từng đạt hồi năm 2012. Về phía Bắc Kinh, Trung Quốc xem Venezuela là đối tác quan trọng tại Mỹ Latinh để cạnh tranh với ảnh hưởng Mỹ trong khu vực. Trong khi đó, Venezuela hiện xem Trung Quốc là đối trọng có thể giúp Caracas trong bối cảnh quan hệ Venezuela - Mỹ vẫn chìm trong "băng giá". Thế nên, ngày 7-1 vừa qua, Venezuela và Trung Quốc đã ký kết một loạt thỏa thuận song phương mới, theo đó Bắc Kinh sẽ "bơm" cho Caracas thêm 20 tỷ USD. Rõ ràng, cái bắt tay giữa Tổng thống N.Maduro với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Venezuela vào lúc này.

Nga là chặng dừng chân cuối cùng của Tổng thống N.Maduro. Hơn một thập kỷ qua, quan hệ Venezuela - Nga đã đạt được những thành tựu đáng kể trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, bước chuyển rõ nhất trong quan hệ giữa hai nước được thiết lập cách đây 4 năm khi cố Tổng thống H.Chavez kêu gọi thành lập một liên minh chiến lược Nga - Venezuela trong lĩnh vực dầu mỏ và hợp tác kỹ thuật quân sự. Và một quan hệ như vậy hẳn có lợi với cả Nga lẫn Venezuela trên tất cả các mặt trận từ địa - chính trị đến địa - kinh tế và quân sự. Đặc biệt trong bối cảnh cả hai quốc gia sở hữu dầu mỏ hàng đầu tại hai châu lục đều đang lao đao vì giá dầu trượt dốc thì lựa chọn cùng hành động để bình ổn giá "vàng đen" giữa Caracas và Mátxcơva là vô cùng cần thiết.

Chuyến công du "dầu mỏ" vừa khép lại của Tổng thống N.Maduro cho thấy nhiều mục đích được tính trước của Venezuela. Dù chưa biết giá dầu khi nào mới có thể đi lên nhưng sự ủng hộ của các đối tác là quá mỹ mãn với Venezuela trong thời điểm hiện nay và không thể không tác động tới cục diện chính trị hiện nay trên thế giới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Venezuela tìm kiếm “phao cứu sinh”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.