Theo dõi Báo Hànộimới trên

Venezuela: Nổi cơn sóng dữ

Thùy Dương| 07/03/2014 06:43

(HNM) - Những bất ổn trong nước đang là nguyên nhân gây thêm sóng gió mới trong quan hệ ngoại giao Venezuela - Mỹ và khu vực. Mới đây nhất, ngày 5-3, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cho biết đã quyết định cắt quan hệ


Hành động của Venezuela được đưa ra sau khi Panama yêu cầu Tổ chức các nước Châu Mỹ (OAS) nhóm họp để thảo luận về cuộc khủng hoảng hiện nay ở Venezuela. Trước đó, người đứng đầu Venezuela đã chỉ trích cựu Tổng thống Colombia Alvaro Uribe hậu thuẫn cho các cuộc biểu tình bạo lực tại quốc gia Nam Mỹ. Trước đó, Tổng thống N.Maduro cũng đã dứt khoát trục xuất ba nhân viên lãnh sự Mỹ với cùng cáo buộc trên. Chính phủ Venezuela còn khẳng định, nhiều tài liệu mà Caracas đang nắm giữ cho thấy Washington đã tham gia thành lập và tài trợ cho các tổ chức chống chính phủ ở nước này thông qua Đại sứ quán Mỹ tại Caracas và các tổ chức dưới vỏ bọc phi chính phủ.

Các cuộc biểu tình chống chính phủ ở Venezuela đã bước sang tháng thứ hai.



Rõ ràng, những mâu thuẫn tại Venezuela đã không còn giới hạn trong phạm vi một quốc gia. Vị Tổng thống đương nhiệm không chỉ phải đối mặt với sức ép ngày càng lớn của các cuộc biểu tình lan rộng trên phạm vi đất nước mà còn phải đối phó với các thế lực thù địch từ bên ngoài.

Những gì diễn ra tại Venezuela mấy ngày gần đây cho thấy Tổng thống N.Maduro đang đứng trước thách thức không nhỏ. Venezuela là một trong những quốc gia có tỷ lệ lạm phát cao nhất thế giới, lên đến 56%, giá cả thực phẩm tăng đến 70%, các sản phẩm cơ bản từ bột, sữa, dược phẩm đến phụ tùng xe hơi, giấy vệ sinh… đều thiếu thốn nghiêm trọng. Ngay cả ngành dầu lửa, lĩnh vực được xem là phát đạt nhất của Venezuela cũng đang gặp khó khăn do thiếu vốn đầu tư. Để đối phó với tình trạng lạm phát gây bất ổn kéo dài, Chính phủ Venezuela đã mở rộng các biện pháp kiểm soát giá cả nhằm vượt qua khó khăn và phe đối lập Venezuela đã mượn cớ này để chỉ trích mạnh mẽ những chính sách của Tổng thống N.Maduro. Ông Capriles, người từng thất bại trước cả cố Tổng thống Hugo Chaves và đương kim Tổng thống N.Maduro trong các cuộc bầu cử gần đây, đang kêu gọi một phong trào nhằm thúc đẩy sự thay đổi trong chính phủ. Trong khi đó, một lãnh đạo phe đối lập khác đang bị Tổng thống Maduro ra lệnh tống giam vì cáo buộc giết người liên quan đến các cuộc biểu tình gần đây, ông Leopoldo Lopez lại thể hiện xu hướng cực đoan hơn khi muốn tiếp tục các cuộc biểu tình cho đến khi ông N.Maduro từ chức...

Bất chấp tình trạng căng thẳng hiện nay, các nhà phân tích cho rằng, Venezuela không phải là Ukraine và Tổng thống N.Maduro không ở vị trí yếu thế để có thể bị lật đổ như Tổng thống Viktor Yanukovych bởi sau lưng ông vẫn còn sự hậu thuẫn của quân đội và đông đảo các tầng lớp nhân dân đang được hưởng các chế độ xã hội tiến bộ. Dẫu vậy, sự bất ổn chính trị đang khiến cuộc cách mạng Bolivar tại Venezuela phải đối mặt với nhiều thách thức; đòi hỏi sự chèo lái bền bỉ và khôn ngoan của Tổng thống N.Maduro trên con đường thực hiện mục tiêu "dân chủ và tiến bộ xã hội".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Venezuela: Nổi cơn sóng dữ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.