(HNM) - Gây bất ngờ như tuyên bố phá giá đồng nội tệ và duy trì chế độ 2 tỷ giá gần một năm trước, Venezuela vừa bãi bỏ hệ thống hối đoái kép từng làm bùng nổ nhiều cuộc tranh cãi ngay từ ngày đầu tiên của năm mới 2011.
Thay vì tỷ lệ 4,3 bolivar/1 USD được áp dụng cho nhập khẩu hầu hết các mặt hàng từ xe hơi tới vật liệu xây dựng và mức quy đổi cao hơn, 2,6 bolivar/1 USD cho một số mặt hàng nhập khẩu thiết yếu, giờ đây, tỷ giá duy nhất 4,3 bolivar/1 USD được đồng loạt thực hiện trong tất cả các giao dịch ngoại hối tại quốc gia Nam Mỹ này.
Kinh tế Venezuela đang chịu áp lực nặng nề. |
Bãi bỏ quy định "tỷ giá ưu đãi" mà đối tượng hưởng lợi nhiều nhất chính là các doanh nghiệp nhà nước, quyết định của Chính phủ Venezuela được xem là động thái cần thiết để lấy lại cân bằng cho nền kinh tế đang vấp phải khó khăn do lạm phát và giá cả tăng diễn ra gần như đồng loạt tại các nước Nam Mỹ.
Sau một năm áp dụng chế độ 2 tỷ giá, chính sách tiền tệ này đã không hoàn thành được sứ mệnh thúc đẩy quá trình phát triển của hệ thống sản xuất trong nước nhằm tăng sức đề kháng cho nền kinh tế trì trệ như kỳ vọng. Ngược lại, hệ thống hối đoái kép đã bị các doanh nghiệp luồn lách để trục lợi. Đây cũng là nguồn cơn dẫn tới nạn đầu cơ tiền tệ tràn lan và nuôi dưỡng sự lớn mạnh nhanh chóng của thị trường ngoại tệ đen. Do vậy, quyết định của Caracas đã được đón nhận như một sự điều chỉnh tích cực về chính sách vĩ mô, cho dù cũng hứa hẹn tạo không ít sóng gió với nền kinh tế còn ngổn ngang của Venezuela.
Những mối lo ngại đang hướng vào khả năng tiếp tục hạ giá đồng nội tệ trong vòng chưa đầy một năm - tức là đồng bolivar sẽ tiếp tục mất giá - sẽ tạo thời cơ mới cho lạm phát leo thang mạnh hơn. Trong bối cảnh Venezuela vẫn phải nhập khẩu tới 90% hàng hóa tiêu dùng và nhu yếu phẩm thì việc đồng bolivar rẻ sẽ tác động trực tiếp lên giá cả các mặt hàng thiết yếu; kéo theo tình trạng thiếu hụt và đầu cơ trên thị trường. Nếu không có sự can thiệp hợp lý từ chính phủ, danh hiệu quán quân về lạm phát tại Mỹ Latinh lên tới 26,9% mà Venezuela đang nắm giữ chưa biết đến khi nào mới có thể được cải thiện.
Sự sa sút của ngành công nghiệp dầu lửa, chiếm 90% kim ngạch xuất khẩu của quốc gia Nam Mỹ do khủng hoảng tài chính toàn cầu, đã khiến nền kinh tế Venezuela chưa thoát khỏi cơn suy thoái. Kết thúc năm 2010, đất nước luôn giành ưu thế trong các cuộc thi sắc đẹp thế giới là quốc gia duy nhất tăng trưởng kinh tế âm (-1,9%), lĩnh vực dầu hỏa dẫn đầu với sụt giảm 2,2%. Cho dù các chương trình trợ giá lương thực và y tế đã làm giảm đáng kể sức ép lạm phát đối với tầng lớp dân nghèo, nhưng những chính sách hỗ trợ khác như duy trì giá xăng ở dưới mức 0,1 USD/gallon (khoảng hơn 500 VND/lít) đang làm cạn kiệt nhanh chóng nguồn tài nguyên không phải là vô tận của nước này. Thêm vào đó, chính sách tiền tệ như đang phải điều chỉnh đã tạo thách thức cho tăng trưởng kinh tế tại Venezuela.
Tuy nhiên, công cụ tiền tệ không phải là liều thuốc thần để cứu chữa nền kinh tế. Luận điểm này tỏ ra chính xác với Venezuela khi quốc gia Nam Mỹ đã từng 3 lần hạ giá đồng tiền kể từ tháng 3-2005. Dẫu vậy, bước đi mới nhất của Chính phủ Venezuela có ý nghĩa quan trọng trong việc điều chỉnh nền kinh tế đang bị ảnh hưởng tất yếu bởi chế độ hối đoái kép. Hiện tại, dù các khoản nợ của Venezuela có mức rủi ro cao hàng đầu thế giới, nhưng hầu hết các nhà phân tích tin tưởng rằng, trong ngắn hạn Caracas vẫn có khả năng thực hiện các nghĩa vụ tài chính. Vị trí quốc gia có trữ lượng dầu thô lớn thứ hai thế giới, mức dự trữ ngoại hối lên đến 30,2 tỷ USD là những bảo đảm cho đà hồi phục bền vững của kinh tế nước này trong tương lai khi bãi bỏ hối đoái kép.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.