(HNM) - Tổng thống Vênêxuêla Ugô Chavết đã chào năm mới 2010 bằng quyết định phá giá đồng nội tệ và tạo ra một hệ thống tỷ giá hối đoái kép mới. Đây là lần phá giá đồng bôlivar đầu tiên ở Vênêxuêla kể từ năm 2005 và đồng bôlivar hiện chỉ còn một nửa so với USD. Như vậy sau CHDCND Triều Tiên, một nước Nam Mỹ đã phải
Theo đó, mức tỷ giá 4,3 bolivar đổi 1 USD, so với 2,15 bôlivar tương đương 1 USD trước khi phá giá - được áp dụng cho việc nhập khẩu hầu hết các mặt hàng, từ xe hơi tới vật liệu xây dựng. Trong khi đó, tỷ giá 2,6 bôlivar tương đương với 1 USD sẽ được áp dụng cho việc nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, thiết bị y tế và máy móc.
Lần gần đây nhất, đồng bôlivar bị phá giá là vào tháng 3-2005. Tuy nhiên, trong năm 2009 vừa qua, do ảnh hưởng của khủng hoảng và suy thoái toàn cầu, nền kinh tế Vênêxuêla đã suy giảm 2,9%, gây ra những áp lực về tài chính buộc nước này phải phá giá đồng nội tệ. Tỷ lệ lạm phát tại Vênêxuêla năm 2009 là mức cao nhất Mỹ Latinh, lên tới 25%. Phát biểu trên truyền hình Vênêxuêla về quyết định phá giá đồng tiền, ông Chavết nói: "Tất cả việc này đều nhằm một mục tiêu là đưa nền kinh tế phục hồi".
Ông Chavết khẳng định, việc phá giá đồng bolivar sẽ có tác dụng "hạn chế những mặt hàng nhập khẩu không cần thiết và khuyến khích xuất khẩu", qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Quốc gia Nam Mỹ này phụ thuộc lớn vào hàng hóa nhập khẩu, từ thịt bò tới sữa và xe ô tô. Thêm vào đó, phá giá đồng tiền sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu dầu tính bằng đồng nội tệ của Vênêxuêla tăng lên, giúp giảm thâm hụt ngân sách. Theo các chuyên gia tài chính, nhờ phá giá, thâm hụt ngân sách của Vênêxuêla sẽ giảm từ mức 7% GDP hiện nay về mức khoảng 3%. Còn ông J.Gioocđani - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch của Vênêxuêla cho biết, việc phá giá đồng bôlivar nhằm mục đích giúp các mặt hàng xuất khẩu của Vênêxuêla như cà phê và cacao tăng sức cạnh tranh.
Trong khi đó, lo ngại sự mất giá của đồng nội tệ sau khi Tổng thống công bố phá giá, người dân Vênêxuêla cuối tuần trước đã ra sức tiêu số tiền nội tệ mà họ đang có. Tại một trung tâm mua sắm bình dân ở Caracát, người ta xếp hàng dài dằng dặc trước các cửa thanh toán. Chị Cácmen Blancô, một kế toán viên 28 tuổi, đợi thanh toán tiền cho một chiếc tivi màn hình phẳng 42 inch mà chị không thực sự cần. Blancô cho hay, chị đã có một chiếc tivi tương tự ở nhà, nhưng "tôi thấy chẳng có lý do gì để giữ tiền tiết kiệm nữa".
Duy trì chính sách hai tỷ giá như nêu trên của Vênêxuêla có thể tạo cơ hội cho giới đầu cơ tiền tệ trục lợi. Nhằm ngăn chặn tình trạng này, ngày 10-1 vừa qua, Tổng thống Chavết đã cam kết sẽ dùng mọi biện pháp để ngăn chặn những hành vi đầu cơ. Lực lượng vệ binh quốc gia nước này đã vào cuộc để ngăn chặn tình trạng tăng giá tại các doanh nghiệp và bất cứ doanh nghiệp nào lợi dụng tình hình để tăng giá hàng hóa sẽ bị sung công. Một ngân quỹ trị giá 1 tỷ USD nhằm hỗ trợ nhập khẩu đã được Vênêxuêla thành lập. Nhiều chuyên gia kinh tế Mỹ Latinh cho rằng, việc phá giá đồng nội tệ Vênêxuêla sẽ giúp nước này tăng ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, Vênêxuêla sẽ thu được nhiều nội tệ hơn từ việc bán dầu thô và như vậy sẽ có thêm tiền để thanh toán các khoản nợ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.