(HNMO)- Ngày 14/4, tại TP Hồ Chí Minh, đã diễn ra Hội nghị giáo dục ngành kỹ thuật tại Việt Nam (VEEC) do Chương trình Liên minh giáo dục đại học ngành kỹ thuật tại Việt Nam (HEEAP) tổ chức.
HEEAP được thành lập năm 2010 bởi Tập đoàn Intel và Đại học bang Arizona (ASU) với sự tài trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID). “HEEAP là một ví dụ nổi bật cho thấy sự khác biệt mạnh mẽ được tạo ra từ quan hệ đối tác công - tư chặt chẽ”, bà Sherry Boger, Phó Chủ tịch, Tổng Giám đốc Intel Products Việt Nam cho biết, “ASU đã dẫn dắt chương trình đạt được mục tiêu chính đề ra để hôm nay Intel tuyển dụng được những học viên ưu tú, những người đã được hưởng lợi từ sự hướng dẫn, chương trình học và các phòng thí nghiệm tiên tiến”.
Cho đến nay, hơn 400 giảng viên Việt Nam đã được đào tạo tại ASU và các giảng viên này đang đào tạo cho các sinh viên sắp tốt nghiệp những kỹ năng giao tiếp và ứng dụng kỹ thuật cần thiết để đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia. Để thu hút thêm nhiều đối tác, với sự hỗ trợ của USAID, Intel, National Instruments, Pearson và các nhà tài trợ khác, HEEAP đã nỗ lực định hướng các trường đại học kỹ thuật và trường dạy nghề hàng đầu của Việt Nam theo tiêu chuẩn kiểm định quốc tế, trong đó có tiêu chuẩn của Hội đồng Kiểm định kỹ thuật và công nghệ (ABET).
Dự án Hỗ trợ giáo dục cho các trường kỹ thuật (VULII) được thành lập từ năm 2012 đã cung cấp các chương trình phát triển năng lực trong hệ thống giáo dục Việt Nam, cho các đối tượng từ cán bộ viên chức các ban ngành và hiệu trưởng các trường đại học đến các cán bộ quản lý, giảng viên, chuyên viên và lãnh đạo phân khoa kỹ thuật - những người đang đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật tương lai. Với khoản trợ cấp trị giá 500.000 USD từ Bộ Ngoại giao Mỹ, 44 nghiên cứu sinh là những sinh viên đạt thành tích cao từ Đông Nam Á sẽ được tới Tempe, Arizona theo học tại 2 trường thành viên của ASU theo một chương trình đặc biệt của Tổng thống Mỹ Barack Obama mang tên: Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI).
VEEC lần thứ 4 với các phiên họp toàn thể, thảo luận mở và các buổi thảo luận chuyên ngành kỹ thuật có sự tham gia của cộng đồng khoa học, các ngành công nghiệp và cơ quan chính phủ. Hội nghị năm nay tập trung vào tính cạnh tranh của nguồn nhân lực: Quan hệ đối tác thúc đẩy kỹ năng và tiêu chuẩn “Vốn” con người. Trong quan hệ với Ðối tác xuyên Thái Bình Dương và Cộng đồng kinh tế Hiệp hội các quốc gia Ðông Nam Á (ASEAN), các chương trình đào tạo kỹ thuật của Việt Nam đã bắt đầu đẩy mạnh mối liên kết công lập và tư nhân nhằm đảm bảo hệ thống giáo dục đại học cung cấp nguồn nhân lực đầu ra sẵn có với tay nghề cao phục vụ đổi mới nền kinh tế đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.