(HNM) - Cuộc gặp cuối cùng giữa Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh và Công ty CPHH Vedan Việt Nam ngày 22-7 đã không đạt được kết quả. Công ty Vedan tiếp tục
Vedan "nâng giá" lên 16 tỷ đồng!
Tại cuộc họp, ông Yang Kun Hsiang, Tổng Giám đốc Công ty Vedan nêu mong muốn được bàn tiếp ba vấn đề mà cuộc họp ngày 20-7 chưa thống nhất được gồm đơn giá cá, mật độ cá đánh bắt trên sông Thị Vải và tỷ lệ trách nhiệm của Vedan đối với khu vực bị ô nhiễm. Trong ba vấn đề này, Vedan chấp nhận đơn giá cá là 45.000 đồng/kg (trước đó Vedan tính là 21.000 đồng/kg). Với hai vấn đề còn lại, Vedan vẫn cho rằng Việt Nam chưa có tài liệu nào về mật độ loài cá trên sông Thị Vải nên phải tính dựa trên tài liệu về sông Mê Kông và sông Hồng là hợp lý. Và theo Vedan, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 đã cho rằng mật độ cá trên sông Thị Vải 14,79 tấn/km2 là hợp lý!? Vedan cũng tiếp tục cho rằng "không hiểu" cách tính của TP Hồ Chí Minh về tỷ lệ trách nhiệm ô nhiễm!
Với lý lẽ "cù cưa" trên, Vedan đề nghị "hỗ trợ" nông dân Cần Giờ 16 tỷ đồng. Theo ông Yang Kun Hsiang, đây là con số dung hòa giữa 12 tỷ đồng (do Vedan đề nghị trong cuộc thương lượng ngày 20-7 vừa qua) và đơn đòi bồi thường thiệt hại đánh bắt 20 tỷ đồng của bà con nông dân huyện Cần Giờ (vào ngày 20-5-2009)!
Để Vedan thấy rõ sự vô lý của mình, ông Đoàn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ đã sử dụng ngay chính phương pháp tính của Vedan cùng với phương pháp thống kê đánh bắt thực tế ngay trên sông Thị Vải để tính. Theo đó, nếu chỉ cần tính từ năm 2007 đến 2010 (khi nguồn nước sông Thị Vải đã bị ô nhiễm, tôm cá không nhiều bằng những năm trước 1993) thì sản lượng đánh bắt của bà con xã Thạnh An bình quân 4.000 tấn/năm. Với sản lượng đánh bắt thực tế này thì trữ lượng quy đổi mật độ cá trên sông theo phương pháp của Vedan lên đến 302,88 tấn/km2 chứ không chỉ là 14,79 tấn/km2 mà Vedan đã tính và 77,72 tấn/km2 mà Cần Giờ đã đưa ra!
Đơn đã sẵn sàng nộp lên tòa án!
Ông Yang Kun Hsiang cho rằng Vedan không hề muốn ra tòa, bởi công ty này có cổ phần niêm yết trên sàn chứng khoán Hồng Kông, nếu phải nhờ đến tòa án phán quyết thì các nhà đầu tư sẽ "phiền trách". Vì vậy, Vedan đề nghị con số đó là… 16 tỷ đồng để không phải ra tòa! Cùng với đó, Vedan đề nghị thêm một buổi thương lượng nữa! Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Phụng cho rằng đây không phải là vấn đề mặc cả nên Hội Nông dân không chấp nhận bàn bạc tiếp, đề nghị Vedan có văn bản gửi UBND TP về mức bồi thường của mình, chậm nhất là thứ tư tuần sau.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, đại diện pháp lý cho nông dân huyện Cần Giờ cho biết, hiện 839 đơn kiện của bà con đòi bồi thường hơn 107 tỷ đồng đã làm xong thủ tục ủy quyền. Vào thứ tư tới, nếu Vedan không chấp nhận mức bồi thường 45,7 tỷ đồng thì vụ việc sẽ được phân xử tại tòa án.
Trong khi đó, tại tỉnh Đồng Nai ba ngày qua, Hội Nông dân Việt Nam do ông Nguyễn Duy Lượng, Phó Chủ tịch Hội dẫn đầu đã làm việc với tỉnh Đồng Nai để xem xét việc thiệt hại do Vedan gây ra cho bà con nông dân ở đây. Theo ông Lượng, Đồng Nai đã quá chậm chạp trong việc giúp dân đòi bồi thường thiệt hại. Dù Tỉnh ủy Đồng Nai đã có văn bản chỉ đạo thống kê thiệt hại cho dân và hướng dẫn cách đòi bồi thường, nhưng cách làm chưa quyết liệt. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Đồng Nai và các ban, ngành cũng chưa tích cực nên mọi việc vẫn chưa đi đến đâu. Sau khi khảo sát thực tế tại các xã, Hội đã có văn bản gửi Tỉnh ủy Đồng Nai, đề nghị Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp, ngành giải quyết nhanh nhất để bà con kịp thời gian thương lượng hoặc khởi kiện. Ông Lượng cũng cho biết, ngày 26-7 tới, Hội Nông dân Việt Nam sẽ có văn bản báo cáo Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo giải quyết vụ Vedan để bảo đảm quyền lợi của nông dân.
Ông Trần Văn Cường, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Trưởng ban Chỉ huy thống kê thiệt hại kinh tế và môi trường trong vụ Vedan cho biết, các hộ dân ở đây đã hoàn thành thủ tục khởi kiện. Trong tuần tới, chính quyền địa phương và các luật sư sẽ rà soát các thủ tục lần cuối để gửi lên tòa án. Các luật sư cũng đang tích cực phối hợp với nông dân để củng cố chứng cứ Vedan gây thiệt hại trước tòa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.