Theo dõi Báo Hànộimới trên

Về vựa lúa, học làm giàu từ lúa

Xuân Quang| 25/07/2012 07:34

(HNM) - Vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tỉnh An Giang có nhiều kinh nghiệm chỉ đạo tốt và sự quan tâm về cơ chế, chính sách nên thu hút cả DN và nông dân đầu tư vốn tạo nền sản xuất hàng hóa chất lượng cao.


Tham gia đoàn cán bộ nông nghiệp Hà Nội khảo sát chương trình giống lúa hàng hóa, chất lượng cao, cơ giới hóa và tiêu thụ sản phẩm, cánh đồng mẫu lớn (CĐML) của 3 tỉnh ĐBSCL là An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, đặc biệt nhận thấy sự bứt phá và những sáng kiến mới lạ của nông nghiệp An Giang. Là vựa lúa của ĐBSCL, An Giang sản xuất lúa 3 vụ đạt bình quân 62 tấn/năm, sản lượng lúa 3,9 triệu tấn/năm, An Giang là nơi khởi nguồn của phong trào liên kết 4 nhà, CĐML, giao thông nông thôn và cơ giới hóa trong nông nghiệp.

Từ liên kết bốn nhà

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Huỳnh Thế Năng cho biết, trong chỉ đạo nông nghiệp, An Giang đã mạnh dạn đưa ra những sáng kiến và sáng tạo như tiến hành củng cố lại tập đoàn, liên tập đoàn, rồi HTX nông nghiệp, giao đất và máy nông cụ cho người dân, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cho nông dân vay vốn tín dụng rồi triển khai hệ thống khuyến nông toàn tỉnh. Đây là mô hình đầu tiên trong cả nước. An Giang rất chú trọng khâu chọn lọc, sản xuất giống, thông qua 200 tổ hợp tác sản xuất giống huấn luyện cho người dân, có cơ chế cho các tổ nhân giống để họ chọn lựa, đăng ký giống theo mô hình xã hội hóa, tỉnh có vốn mồi, hỗ trợ sản xuất giống siêu nguyên chủng, kiểm nghiệm, chứng nhận chất lượng để đáp ứng cho sản xuất đại trà.

Điểm mạnh nhất trong sản xuất nông nghiệp ở An Giang là thành công của chương trình liên kết 4 nhà và cơ giới hóa. Một số công ty đã hỗ trợ nông dân rất hiệu quả. Điển hình như Công ty TNHH MTV lương thực Vĩnh Bình, từ năm 2010 đã liên kết với nông dân cung cấp 3 loại giống chất lượng cao là Jaimine 85, OM 4218 và OM 6976, cung ứng toàn bộ vật tư nông nghiệp, thuốc BVTV, bao đựng lúa, xây dựng CĐML đầu tiên 1.000ha ở xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành rồi bao tiêu toàn bộ thóc của nông dân đưa về kho sấy. Năm 2011, công ty đã xây dựng nhà máy chế biến gạo tại xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành công suất 100.000 tấn/năm, Nhà máy Thoại Sơn công suất 200.000 tấn/năm.

Hiện tại, CTCP Bảo vệ Thực vật An Giang và CTCP Xuất nhập khẩu An Giang đã xây dựng CĐML tại An Giang 10.000ha với 4 nhà máy bao tiêu toàn bộ sản phẩm. An Giang đã cơ bản tổ chức lại quá trình sản xuất lúa theo chuỗi giá trị mà CĐML là đột phá nhằm cung ứng giống, vật tư, giá cả ổn định và tiêu thụ sản phẩm, giảm chi phí cho người trồng lúa để có lợi nhuận 25-30%. Là vựa lúa lớn, An Giang đã kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây nhà máy, thiết lập vùng nguyên liệu và cam kết thu mua tạo sự tin tưởng cho nông dân. DN áp dụng hai phương thức là mua trực tiếp theo giá thị trường, sấy thóc miễn phí hoặc cho người dân gửi kho chờ giá hợp lý, miễn phí lưu kho một tháng. Hiện tại, An Giang đã có hệ thống kho trữ thóc 4 triệu tấn/năm của hai DN lớn phục vụ xuất khẩu và xây dựng thương hiệu gạo Vĩnh Bình.

Đến cơ giới hóa đồng bộ

Sản xuất nông nghiệp của An Giang đang phát triển theo hướng sản xuất lớn, hiện đại nhờ được cơ giới hóa đồng bộ. Năm 2011, 3 khâu là: làm đất, gieo sạ, suốt lúa đã hoàn thành đạt 100% diện tích. Hiện tại, khâu gặt mới đạt 50% diện tích, khâu sấy thóc đạt 80% sản lượng. Phó Chi cục trưởng Chi cục PTNT An Giang Nguyễn Anh Tuấn cho biết, xác định khâu thu hoạch đang vướng nhất, từ năm 2005, tỉnh An Giang đã có cơ chế hỗ trợ vay vốn lãi suất 0%, trả chậm vốn gốc trong 3 năm cho mua máy gặt đập liên hợp. Năm 2008, mua 200 máy, ngân sách tỉnh hỗ trợ 70% lãi suất vay, trả chậm gốc trong 3 năm và năm 2010, An Giang hỗ trợ 20% giá trị máy gặt, không vượt quá 30 triệu đồng/máy. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Đỗ Vũ Hùng cho biết, An Giang có cơ chế đặc biệt hỗ trợ nông nghiệp ở các khâu cần thiết nên thu hút được các DN, chủ trang trại và chủ hộ đầu tư vào các khâu sản xuất giống và cơ giới hóa khâu thu hoạch, chế biến. Hiện An Giang có 1.936 máy gặt thu hoạch cho 117.718ha, đạt khoảng 50% diện tích cơ giới hóa khâu gặt, các huyện có số máy nhiều là Thoại Sơn 369 máy, Châu Thành 356 máy… An Giang có 2.431 máy sấy các loại, sản lượng thóc sấy đạt 78%. Dự kiến cuối năm nay, sẽ mua thêm 369 máy sấy (4 triệu tấn/1 mẻ sấy) để đạt tỷ lệ sấy 80% sản lượng.

Theo ông Đỗ Vũ Hùng, ứng dụng máy gặt lúa thu hoạch cho 110.000ha đã làm lợi cho nông dân 226 tỷ đồng nhờ giảm tỷ lệ hao hụt dưới 1,5% so với gặt thủ công hao hụt 5,19%; thu hoạch bằng máy giảm chi phí khoảng 500.000 đồng/ha so với gặt thủ công, làm lợi cho nông dân 55 tỷ đồng, giá trị gạo xuất khẩu tăng do tỷ lệ rạn nứt giảm từ 15 đến 18% còn 5-8%. Bên cạnh đó, việc sử dụng máy sấy cho hiệu quả cao, tỷ lệ hao hụt dưới 0,5%, tỷ lệ rạn nứt hạt gạo giảm nên chất lượng gạo được nâng cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Về vựa lúa, học làm giàu từ lúa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.