(HNM) - Từ nhỏ tôi đã nghe bố ngâm câu ca dao:
Con phố lãng mạn màu xanh
Từ năm 1987, thị trấn Sóc Sơn được hình thành bởi một nửa của hai xã Phù Linh và Tiên Dược gộp lại, nên lọt vào giữa những cụm di tích và công nghiệp lớn nằm rải rác ở xung quanh. Thị trấn trở nên thơ mộng là vì vậy. Trục đường xuyên suốt thị trấn từ Đông sang Tây chính là hai điểm nút; bắt đầu là tượng đài Không quân chót vót trên đồi cao của xã Tiên Dược; còn kết thúc là hai ngọn núi thuộc xã Phù Linh. Đó là con đường mang tên Núi Đôi, với những hàng cây xanh tỏa bóng mát, dẫn tôi đi vào câu chuyện tình huyền thoại của hai người lính trẻ ngày nào.
Núi Đôi hôm nay. |
Chủ tịch thị trấn Sóc Sơn, Đào Anh Tú dẫn chúng tôi đi dọc con đường Núi Đôi. Anh tự hào về con đường cây xanh ngút ngát, với những hè phố chợt như tươi mới sau cơn mưa, thênh thang trong một màu son lấp lánh. Tôi đang mải nhìn những bông hoa tím còn sót lại ngày hè, thì anh kéo vào một vườn hoa gần đó, say sưa nói về một thị trấn trong tương lai của Sóc Sơn, sẽ là một đô thị vệ tinh của Thủ đô Hà Nội. Tôi có nghe mang máng về điều này, trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, nhưng đó là câu chuyện của 15 năm sau. Tôi than còn lâu, thì anh Tú lại nói, chúng tôi đã bắt đầu rồi. Những biệt thự đang hình thành, một khu hành chính mới đã hoạt động bề thế để đón chờ một sự chuyển động mới của thế kỷ.
Thế rồi anh lại chỉ về con đường Núi Đôi, rồi nói đó là trục đường chính của đô thị tương lai. Nó sẽ ngày một xanh hơn, theo thời gian tạo nên vẻ nên thơ cho mọi con đường hướng tới cửa ngõ phía Bắc Thủ đô. Anh còn cho biết, Sóc Sơn sẽ khai thác tiềm năng Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, kết hợp với hành lang kinh tế xuyên Á, gồm Côn Minh - Hà Nội - Quảng Ninh. Cùng với đó khai thác vùng du lịch cảnh quan núi Sóc và chân núi Tam Đảo… Thì ra con người mơ mộng là đây. Một hiện thực hay một viễn cảnh đang hình thành, nếu thiếu đi những tâm hồn lãng mạn.
Sau khi dẫn chúng tôi đi thăm một số nhà văn hóa của các cụm dân cư, anh Tú dừng lại bên con đường sắt đi qua thị trấn, rồi nhìn lên đỉnh núi Đôi, với ánh mắt xa xăm. Lát sau anh khoát tay, sôi nổi nói con đường màu xanh từ đây sẽ còn đi tiếp tới nhưng khu công nghiệp sạch, tới trung tâm y tế và khu đại học tập trung của Thủ đô. Đó là con đường lãng mạn đầy hiện thực hiện lên trước mắt tôi. Hàng vạn sinh viên sẽ đi trên con đường màu xanh này. Chỉ nay mai thôi, những bài ca tình yêu tiếp tục ngân vang. Tôi nghe anh Tú nói và tự mở ra một giấc mơ cho 15 năm của mình trên con đường Núi Đôi dưới ánh nắng vàng như mật rọi xống con đường. Một tiếng còi tàu hú lên đi về phương Bắc. Tôi bồi hồi nhìn lên ngọn núi Đá Chồng phía xa; ở đó bức tượng đồng Thánh Gióng cưỡi ngựa bay lên với giấc mơ màu xanh…
Vương vấn chuyện tình Núi Đôi
Ngày nay ai cũng rõ câu chuyện có thật qua sự miêu tả trong bài thơ Núi Đôi của cố thi sĩ Vũ Cao, viết năm 1956. Nhưng thực ra ông Vũ Cao không hề biết người nữ liệt sĩ Trần Thị Bắc đã có chồng, mà ông chỉ nghe câu chuyện cô hy sinh khi bị sa vào tay giặc. Nhưng chuyện tình của cô gái mà nhà thơ viết ra với những ký ức sâu sắc và cảm động lại ứng nhập với mối lương duyên có thật trong cuộc sống thực tiễn. Hai mươi năm sau, ông Trịnh Khanh, chồng của cô Trần Thị Bắc tìm đến nhà thơ để cám ơn, vì đã viết hộ lòng mình nỗi xúc động sâu sắc với người vợ chỉ sống được với ông có hai ngày nên nghĩa phu thê.
Ông Khanh kể, tình yêu ở tuổi đôi mươi, mười tám quả là hết sức lãng mạn. Tất cả đều dành cho đất nước. Hai người gặp nhau ở vùng tự do, tình yêu đã nảy sinh giữa người chiến sĩ và cô y tá ngày ấy. Sau vài năm, hai người đã làm lễ cưới và sống bên nhau được đúng hai ngày, thì phải chia tay. Nữ quân báo Trần Thị Bắc trở lại Núi Đôi hoạt động. Còn anh lính trẻ Trịnh Khanh lên đường vào chiến dịch. Lúc này chiến dịch Điện Biên Phủ đã nóng lên từng ngày. Tất cả dành cho tiền tuyến và cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc, thoát khỏi sự đô hộ của thực dân Pháp. Nhưng ai ngờ chỉ ít ngày sau đó nữ chiến sĩ Trần Thị Bắc đã bị rơi vào tay giặc và dũng cảm hy sinh để bảo vệ đồng đội, vào ngày 21-3-1954, khi vừa tròn 22 tuổi.
Thời gian trôi qua, tình cảm và hình ảnh: "Núi vẫn Đôi mà anh mất em" đã dần dịu bớt nỗi nguôi ngoai. Sau đó vài năm, anh bộ đội Trịnh Khanh đã xin phép gia đình vợ đi bước nữa. Và, có điều thú vị đã diễn ra, chính mẹ cô Bắc đã cùng với mẹ đẻ của anh cùng đi hỏi vợ cho anh tận bên thôn Hậu Dưỡng, xã Kim Chung, huyện Đông Anh. Mọi người trong gia đình cô Bắc vẫn coi ông Khanh là người nhà và rất quý mến nhau. Hằng năm đến ngày giỗ cô Bắc, vợ chồng ông Khanh vẫn về phúng viếng và chăm nom mộ chí. Giờ đã bước sang tuổi 80, nhưng ông Khanh vẫn nhớ như in những câu thơ ẩn chứa nỗi lòng, khi thẫn thờ nghe tin vợ mới cưới của mình đã chết trong tay giặc. Nhiều lúc ông vẫn đọc một mình để tự trong trái tim mình tưởng nhớ đến người mình yêu đã hy sinh: "Nhớ nhau anh gọi em đồng chí/Một tấm lòng trong vạn tấm lòng/Anh đi bộ đội sao trên mũ/Mãi mãi là sao sáng dẫn đường/Em sẽ là hoa trên đỉnh núi/Bốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm".
Thị trấn bay
Tình cờ chúng tôi gặp được ông Thu, một cựu chiến binh ở ngay chân Núi Đôi. Gia đình ông mở một quán giải khát bên đường nhìn lên đỉnh núi vẫn còn thấy rõ mấy đồn bốt của giặc Pháp cũ. Ông cũng đã từng tham gia công tác trên huyện Sóc Sơn và cũng là người có nhiều trải nghiệm. Những câu chuyện của ông về thị trấn cũng không kém phần lãng mạn. Thị trấn Sóc Sơn trong ông như có cánh vậy, chả mấy chốc mà sẽ bay cao, bay xa. Tôi chuốc một chén rượu và khen ông thật bay bổng và rất yêu con phố của mình; thì ông bất chợt nói oang oang, xưa bay cao đã có Thánh Gióng làm nền tảng và đã tạo nên vẻ đẹp diệu kỳ của đất nước; còn nay tại sân bay Nội Bài, thuộc Sóc Sơn, nơi cất cánh của hàng vạn chuyến bay xa, bay cao. Đó chính là ước mơ có cánh của Sóc Sơn… Ông nói như không dừng với cảm xúc thăng hoa của mình, rồi cười lớn. Rượu không thể nói thay đến độ mơ mộng như thế được. Phải nói là tôi thấy vô cùng lạ bởi sức liên tưởng phong phú của người lính già này. Ông lui về ở ẩn dưới chân núi, nơi cuối cùng của con đường thị trấn màu xanh.
Lúc này một người bạn, cùng sinh hoạt Hội Cựu chiến binh huyện, với ông Thu bỗng ngâm nga mấy câu thơ mới viết: "Chiều trung du đã một ngày biệt ly/Nay trở lại thấy trời xanh, xanh quá/Lại chợt nhớ một thời trai trẻ/Một thế hệ ngã xuống đất này cho xanh mãi một chiều trung du". Thế rồi ông ấy đứng dậy và đi về phía một con đường nhỏ bên chân Núi Đôi. Lúc này anh Tú đi theo và chỉ cho tôi đó là con đường đang mở rộng và cho lát bê tông dẫn về làng Xuân Đoài. Nơi đó có nẻo đường dẫn đến mộ liệt sĩ Trần Thị Bắc.
Chúng tôi chậm rãi đến bên ngôi mộ nhỏ bé nhưng vẫn còn ấm chân hương. Có lẽ người trong làng vẫn thắp hương cho cô Bắc đều đặn hằng ngày. Nhìn con đường thị trấn xanh mươn mướt từ xa, rồi lại nhìn lên hai đỉnh ngọn Núi Đôi, tôi bỗng thấy hai người chiến binh già kia nói đều đúng. Một là đã có những thế hệ ngã xuống để cho một màu xanh bất tử cho quê hương; và hai là ở giữa con đường Núi Đôi, thị trấn Sóc Sơn đang cất cánh bay lên trong nỗi khát khao của tình yêu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.