Theo dõi Báo Hànộimới trên

Về nơi ra đời “GK1”

Vân Vũ| 21/01/2010 06:59

(HNM) - Một trong những thành tựu khoa học công nghệ được Bộ KHCN điểm đến khi tổng kết 50 năm xây dựng và phát triển của ngành là đề tài phá thủy lôi từ tính và bom từ trường của đế quốc Mỹ mang mã số GK1.

Gian trưng bày những thành tựu kỹ thuật của Viện Vật lý kỹ thuật tại triển lãm Techmart 2009. Ảnh: Bích Ngọc


Được mời lên diễn đàn trong hội nghị tổng kết để nói về công trình giúp tập thể các nhà khoa học của Khối Vật lý, tiền thân của Viện Vật lý kỹ thuật (ĐH Bách khoa Hà Nội) được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1, Giáo sư Vũ Đình Cự không nói nhiều về "GK1" mà dành thời gian quý giá để bày tỏ những mong mỏi đối với sự phát triển của KHCN nước nhà trong tương lai. Tâm huyết của vị giáo sư đáng kính đã thôi thúc tôi tìm về nơi cho ra đời "GK1".

Những cán bộ lãnh đạo Viện hiện nay khá bất ngờ trước sự xuất hiện của tôi, còn tôi sau một hồi tìm hiểu, cũng không khỏi ngạc nhiên trước sự đóng góp cho sản xuất và quốc phòng của các nhà khoa học ở đây thông qua các đề tài nghiên cứu. Hóa ra, không chỉ trong những năm chiến tranh và không chỉ với "GK1", kết quả nghiên cứu của các thầy, cô giáo đã được đưa vào phục vụ quốc phòng ngay trong thời bình và với nhiều sản phẩm có ý nghĩa, như điện mặt trời phục vụ chiến sĩ đảo Trường Sa, vật liệu từ và linh kiện dùng để sửa chữa, chế tạo khí tài cho bộ đội thông tin... Và không chỉ có phục vụ quốc phòng, nhiều sản phẩm của trí tuệ và tâm huyết được sinh ra trong các phòng thí nghiệm với trang thiết bị hiện đại đã vào các trường học và nhiều ngành sản xuất.

Có thể kể đến là các bộ thí nghiệm vật lý cho gần 100 trường ĐH, CĐ kỹ thuật, hàng nghìn trường trung học phổ thông hay những thiết bị rất gần với cuộc sống, như máy khử trùng thực phẩm cho rau quả bằng khí ozone... Khó có thể kể một cách cụ thể về những kết quả nghiên cứu của Viện mà chỉ có thể gói gọn bằng mấy con số: trong 25 năm chủ trì hơn 50 đề tài cấp nhà nước, hàng chục đề tài cấp bộ, 10 dự án sản xuất thử; công bố gần 1.000 công trình trên các tạp chí chuyên ngành, hội nghị khoa học quốc gia và quốc tế; hằng năm công bố khoảng 20 bài báo trên các tạp chí có uy tín trên thế giới.

Là cơ sở đầu tiên đào tạo kỹ sư vật lý, lại mang mô hình viện trong trường đại học chưa từng có ở nước ta, nhưng Viện Vật lý kỹ thuật đã thành công ở cả 2 nhiệm vụ chính: nghiên cứu khoa học và đào tạo. Cơ sở để làm nên thành công đó được những người đương thời lý giải là nhờ truyền thống của một bộ môn ra đời từ những ngày đầu thành lập Trường ĐH Bách khoa Hà Nội vào năm 1956 với những người thầy tên tuổi, như Bùi Ngọc Quỳnh, Lê Băng Sương, Lương Duyên Bình, Vũ Thanh Liêm, Nguyễn Hữu Hồ, Dư Chí Công, Vũ Đình Cự, Nguyễn Xuân Chánh và sự năng động khi gắn được đào tạo với nhu cầu xã hội. Nối tiếp truyền thống của thế hệ đi trước, hiện 86 cán bộ của viện có 3 GS, 10 PGS, 24 tiến sĩ và tiến sĩ khoa học, 29 thạc sĩ. Ở đây, các cán bộ trẻ luôn được quan tâm, tạo điều kiện để nâng cao trình độ và được làm việc trong môi trường nghiên cứu. Có lẽ bởi thế, Viện đã thu hút được nhiều người tài, mới đây nhất là tiến sĩ mới 27 tuổi Nguyễn Ngọc Tuấn, người được Giáo sư Kopaev Yuri Vasilevich, Viện sĩ Thông tấn Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Giám đốc Phân viện Vật lý chất rắn thuộc Viện Vật lý mang tên Lebedev đánh giá là một tài năng hiếm có trong lĩnh vực vật lý và mời ở lại làm việc tại Liên bang Nga.

Vật lý kỹ thuật là một ngành kỹ thuật cao, mang tính liên ngành với nội dung đào tạo không trùng lắp với các khoa đào tạo truyền thống. Sinh viên của Viện được cung cấp những kiến thức khoa học cơ bản về khoa học vật lý và các công cụ toán - tin học để vừa có khả năng độc lập nghiên cứu, vừa có kỹ năng vận dụng thực hành công nghệ trong chuyên ngành được đào tạo, có kiến thức tổng quan về các liên ngành liên quan đủ sức nắm bắt được các công nghệ mới. Bởi thế, sau khi ra trường, họ đã phát huy tốt trên các cương vị công tác tại nhiều cơ sở đào tạo, nghiên cứu, xí nghiệp, doanh nghiệp...

Những thành công trên là tiền đề để Viện Vật lý kỹ thuật trở thành viện nghiên cứu và đào tạo mạnh trong một trường ĐH công nghệ trọng điểm - Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Đây là điều sẽ không còn khiến tôi phải ngạc nhiên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Về nơi ra đời “GK1”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.