Văn hóa

Về miền Đất Tổ: Trách nhiệm với di sản, nhớ về nguồn cội

Hoàng Quyên 27/04/2023 09:27

Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba”. Đó là câu ca quen thuộc nhắc nhớ mỗi người Việt dù đi đâu, làm gì vẫn luôn hướng về nguồn cội, tổ tiên.

Hiện cả nước có khoảng 1.417 di tích có thờ cúng Hùng Vương và các nhân vật thời Vua Hùng, riêng tỉnh Phú Thọ có gần 345 cơ sở. Bên cạnh đó, cộng đồng người Việt Nam ở nhiều nước trên thế giới cũng thờ cúng Hùng Vương.

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng được tổ chức hằng năm nhằm tiếp tục nêu cao truyền thống yêu nước, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước, giữ nước, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Với ý nghĩa lớn lao ấy, ngày 6-12-2012, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ đã được Ủy ban Liên chính phủ theo Công ước năm 2003 của Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) chính thức công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Cùng với 14 di sản văn hóa phi vật thể khác được UNESCO ghi danh, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương góp phần làm giàu đẹp hơn truyền thống văn hóa của dân tộc Việt.

Năm nay, kỷ niệm 20 năm thực hiện Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng 2023 có nhiều hoạt động nhằm tiếp tục giới thiệu, quảng bá đậm nét các di sản văn hóa của tỉnh Phú Thọ nói riêng và Việt Nam nói chung, đặc biệt là hai di sản văn hóa đại diện của nhân loại được UNESCO ghi danh, là "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và "Hát xoan Phú Thọ”, để người dân hiểu thêm về giá trị văn hóa độc đáo của vùng đất Tổ.

Bên cạnh việc tổ chức các nghi lễ truyền thống như: Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng; Lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân; Lễ dâng hương Tổ Mẫu Âu Cơ…, nhiều hoạt động nghệ thuật, trình diễn di sản của cả nước được tổ chức để tôn vinh văn hóa truyền thống Việt Nam. Đây cũng là dịp để người dân và du khách thêm hiểu, thêm yêu và cùng có trách nhiệm chung tay gìn giữ, phát huy giá trị di sản.

Theo Báo Phú Thọ

“Chiềng làng chiềng chạ

Thượng hạ hai làng

Dẹp trống vào tang

Để tôi ráo cá”

Lời ca của bài hát xoan “Bỏ bộ” và “Mó cá” với sự tham gia của 100 nghệ nhân hát xoan và 200 học sinh của tỉnh Phú Thọ trình diễn trong chương trình khai mạc Lễ hội Đền Hùng vào tối 21-4, tại thành phố Việt Trì, mang đến một bầu không khí giàu cảm xúc. Bên dưới hàng ghế khán giả, nhiều người hát theo lời xoan cổ. Một cậu bé chừng 8 tuổi dự hội cùng bố, khi nghe lời ca quen thuộc đã đứng bật dậy cùng hòa giọng. Vẻ tự nhiên, thân thuộc và khuôn mặt giàu biểu cảm của cậu gợi cảm giác rằng, ở miền đất Tổ, hát xoan và dòng chảy di sản nói chung đã hòa vào cuộc sống thường nhật, luôn được các thế hệ kế cận chung tay đắp bồi.

100 nghệ nhân và 200 em nhỏ trình diễn di sản văn hóa phi vật thể hát xoan.

Trong những ngày diễn ra Lễ hội Đền Hùng - Tuần văn hóa du lịch Đất Tổ (từ ngày 21 đến 29-4), tỉnh Phú Thọ như một sân khấu khổng lồ, lời ca, tiếng hát rộn ràng khắp nơi.

Không chỉ có hát xoan nổi danh mang đặc trưng Phú Thọ, người dân cả nước hành hương về miền Đất Tổ trong những ngày này còn được thưởng thức tinh hoa văn hóa, nghệ thuật truyền thống của cả nước, nổi bật là các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu đã được UNESCO vinh danh như ca trù, quan họ, ví dặm, bài chòi, cồng chiêng Tây Nguyên… Tinh hoa nghệ thuật dân gian cả nước hội tụ về miền Đất Tổ, biểu dương sức mạnh văn hóa và khối đại đoàn kết toàn dân.

Nghệ nhân ưu tú hát xoan Bùi Thị Kiều Nga năm nay đã ngoài 60 tuổi, gương mặt rạng rỡ khi được hỏi về các buổi trình diễn hát xoan. Bà là nghệ nhân nổi tiếng của phường xoan Thét – một trong 4 phường xoan cổ của tỉnh Phú Thọ.

Nghệ nhân Kiều Nga kể, hằng tuần, phường xoan Thét tổ chức nhiều buổi trình diễn hát xoan tại miếu Lãi Lèn, một trong những điểm du lịch của tỉnh Phú Thọ. Trong những ngày diễn ra Tuần lễ văn hóa du lịch Đất Tổ, ở khu vực miếu Lãi Lèn thường xuyên diễn ra chương trình hát xoan do các nghệ nhân cao tuổi và học sinh của nhiều trường học biểu diễn.

Nghệ nhân ưu tú hát xoan Bùi Thị Kiều Nga.

“Tham gia Lễ hội Đền Hùng và loạt sự kiện hướng về ngày Giỗ Tổ mùng 10 tháng Ba, phường xoan Thét chuẩn bị những bài xoan cổ hướng về cội nguồn, tổ tiên, niềm tin vào mùa màng và tương lai tốt đep. Chúng tôi rất hãnh diện được kể câu chuyện của tổ tiên qua nghệ thuật hát xoan”, nghệ nhân Kiều Nga chia sẻ.

Lần đầu tiên được biểu diễn hát xoan trên sân khấu trong một sự kiện lớn của cả nước, cô bé Nguyễn Thị Kim Ngân, học sinh lớp 4G, trường Tiểu học Gia Cẩm, thành phố Việt Trì, chững chạc nói về hát xoan với vẻ hồn nhiên, trong trẻo: “Cháu được học hát xoan từ lớp 1, giờ cứ nghe nhịp trống là có thể hát được. Cháu thích hát xoan vì đó là những bài quen thuộc từ tấm bé, ai cũng hát. Lời ca được truyền dạy giúp cháu hiểu hơn về cội nguồn, về truyền thống”.

Những người gắn bó với công tác bảo tồn di sản cả nước nô nức về Đất Tổ những ngày này. Trong không gian giới thiệu di sản văn hóa tại Lễ hội Đền Hùng, nghệ nhân cả nước có dịp gặp gỡ và giao lưu với người dân, du khách.

Gian trình diễn của Hà Nội tạo ấn tượng với không gian biểu diễn ca trù của các nghệ nhân phường ca trù Lỗ Khê (huyện Đông Anh, Hà Nội) và Câu lạc bộ ca trù Thái Hà. Giáo phường ca trù Lỗ Khê giới thiệu tinh hoa di sản với sự tham gia trình diễn của ba thế hệ. Nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân dân gian Phạm Thị Mận chia sẻ: “Chúng tôi mang đến đây các bài ca cổ cùng thông điệp về bảo tồn nghệ thuật ca trù trong đời sống đương đại”.

Nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân dân gian Phạm Thị Mận

Đến với Lễ hội Đền Hùng năm nay, các nghệ nhân dân tộc Chăm tỉnh Ninh Thuận giới thiệu di sản gốm – loại hình được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.

Nghệ nhân gốm Đàng Thị Hoa

Tham gia trình diễn trực tiếp tại lễ hội, nghệ nhân gốm Đàng Thị Hoa hào hứng khoe, di sản gốm Chăm đã góp phần tạo ra sức hấp dẫn rất lớn cho du lịch địa phương. Nhiều gia đình Chăm đã trở thành điểm đến du lịch để du khách đến trải nghiệm quy trình làm gốm và mua sản phẩm.

“Điểm khác biệt của gốm Chăm là quy trình sản xuất hoàn toàn thủ công. Gốm được nung lộ thiên cùng với kỹ thuật phun màu đặc sắc, thể hiện rõ nét văn hóa Chăm cổ xưa. Chúng tôi tự hào vì nghề gia truyền được bảo tồn qua nhiều thế hệ, và nay đang nỗ lực truyền lại cho con cháu”, nghệ nhân Đàng Thị Hoa tâm sự.

“Chúng tôi dạy hát xoan cho các con từ cấp 1 trong các tiết học âm nhạc, giờ học ngoại khóa. Hiện giờ, nhà trường vẫn duy trì chương trình biểu diễn tập thể điệu hát xoan ngay sau lễ chào cờ vào thứ 2 hàng tuần. Các bài xoan cổ với nội dung khác cũng được đưa vào chuyên đề sinh hoạt thường xuyên.

Về miền Đất Tổ trong những ngày này, người dân và du khách được sống trong không gian đậm sắc màu văn hóa truyền thống. Ý niệm về sức sống của di sản trong đời sống đương đại gắn liền với trách nhiệm nuôi dưỡng, bảo tồn của toàn xã hội cũng bắt đầu từ đây, bởi bài học về bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong đời sống đương đại trở nên rõ ràng, mang tính thuyết phục cao khi người dự hội được tiếp cận với “bằng chứng sống”: Hát xoan là di sản duy nhất của Việt Nam từ cấp độ “cần bảo vệ khẩn cấp” nay đã được UNESCO đưa vào di sản “đại diện của nhân loại”, trở thành mô hình điểm trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa trong cộng đồng.

Chúng tôi tìm đến trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (thành phố Việt Trì, Phú Thọ), một trong những ngôi trường điểm đã tổ chức thành công việc dạy hát xoan từ cấp tiểu học tại thành phố Việt Trì. Hiệu trưởng trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, bà Trần Thị Ánh Nguyệt tự hào cho biết, nhà trường có tiết mục biểu diễn tại Lễ hội Đền Hùng với sự tham gia của 60 học sinh.

“Chúng tôi dạy hát xoan cho các con từ cấp 1 trong các tiết học âm nhạc, giờ học ngoại khóa. Hiện giờ, nhà trường vẫn duy trì chương trình biểu diễn tập thể điệu hát xoan ngay sau lễ chào cờ vào thứ 2 hằng tuần. Các bài xoan cổ với nội dung khác cũng được đưa vào chuyên đề sinh hoạt thường xuyên. Toàn trường có 2.600 học sinh, các con có thể hát xoan và tham gia tiết mục biểu diễn tập thể”, Hiệu trưởng Trần Thị Ánh Nguyệt hào hứng chia sẻ.

Theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc tỉnh Phú Thọ Đỗ Thị Hồng Đà, hát xoan giờ đã lan tỏa trong đời sống của người dân Phú Thọ, trở thành món ăn tinh thần quen thuộc và gần gũi. Xoan len lỏi trong những vùng dân tộc thiểu số của tỉnh Phú Thọ, như Thanh Sơn, Tân Sơn, Cẩm Khê…

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc tỉnh Phú Thọ Đỗ Thị Hồng Đà

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ Nguyễn Đắc Thủy thông tin: Khi UNESCO vinh danh hát xoan là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, toàn tỉnh có 4 phường xoan cổ với chưa đầy 10 nghệ nhân đã cao tuổi. Tỉnh Phú Thọ đã ra nghị quyết về việc truyền dạy hát xoan tại các phường hát, đưa xoan vào hoạt động giảng dạy trong nhà trường.

Sau 5 năm triển khai thực hiện định hướng đó, đến nay, gần như mọi học sinh trên địa bàn tỉnh đều có thể hát xoan. Di sản xoan đã có sức sống mới, lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng và trở thành Di sản đại diện của nhân loại.

Giống như hát xoan Phú Thọ, nghệ thuật hát bài chòi Quảng Nam cũng đang tạo được sức sống mới, mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách khi đến Quảng Nam. Theo Trung tâm thông tin tỉnh Quảng Nam, hiện Quảng Nam đã có nhiều hình thức đưa bài chòi vào đời sống. Bên cạnh bài chòi cổ là chương trình biểu diễn bài chòi được sáng tác lời mới với nội dung tuyên truyền Nghị quyết, công tác bảo hiểm xã hội, nếp sống văn hóa mới…, trở thành “hạt nhân” trong chương trình sinh hoạt văn hóa thường niên của bà con. 

Biểu diễn bài chòi tại Lễ hội đền Hùng, Tuần Văn hóa - Du lịch đất Tổ năm 2023.

Còn tại Hà Nội, di sản ca trù được gìn giữ, bảo tồn trong nhiều năm qua với nỗ lực không ngừng của các câu lạc bộ, giáo phường ca trù tại Thủ đô. Ca nương Quỳnh Vân (phường ca trù Lỗ Khê), người có kinh nghiệm gần 20 năm trình diễn ca trù, sở hữu nhiều huy chương tại các Liên hoan ca trù toàn quốc và của Hà Nội cho biết, người làng Lỗ Khê đang nỗ lực gìn giữ nghệ thuật ca trù, tổ chức nhiều lớp học cho các thế hệ trẻ, đặc biệt là học sinh.

Ca nương Quỳnh Vân (trái) và Nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Mận.

“Bằng nỗ lực chung, chúng tôi mong ca trù không chỉ là hoạt động sinh hoạt văn hóa tại địa phương mà còn là đặc sản thu hút du khách khi đến với Lỗ Khê nói riêng, Hà Nội nói chung”, ca nương Quỳnh Vân chia sẻ.

Những di sản, những câu chuyện của các nhà quản lý văn hóa cũng như các nghệ nhân được trình diễn, chia sẻ tại Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm nay đã cho thấy ánh sáng mới trong công tác gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị di sản của dân tộc, từng bước đưa di sản trở thành nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương.

Tại Đền Hùng – Phú Thọ, tinh thần đổi mới đó có thể được cảm nhận rõ qua những cách làm mới để đưa du khách đến gần hơn với di sản.

Không gian trình diễn di sản ca trù của thành phố Hà Nội tại Lễ hội đền Hùng, Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2023.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Về miền Đất Tổ: Trách nhiệm với di sản, nhớ về nguồn cội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.