(HNM) - Đó là ý kiến của ông Nguyễn Văn Lưỡng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (BVMT) Hà Nội trong cuộc trao đổi nhanh với phóng viên Hànộimới chiều 24-3 về hiện tượng cá chết nổi trắng trên hồ Trúc Bạch mấy ngày qua.
- Ngay khi nhận được thông tin cá chết nổi trắng trên hồ Trúc Bạch, Trung tâm Quan trắc và phân tích tài nguyên môi trường thành phố Hà Nội đã cử cán bộ xuống hiện trường lấy mẫu nước về phân tích và đi kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ xung quanh hồ. Hiện nay chưa có kết quả cuối cùng. Tuần sau kết quả sẽ có. Đây chính là cơ sở để xác định nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt.
Nhưng qua kiểm tra ban đầu, có thể đưa mấy nguyên nhân chính làm cá chết hàng loạt như vậy. Trước hết, hồ Trúc Bạch đang bị ô nhiễm do phải nhận một lượng rất lớn nước thải sinh hoạt, chất thải chưa qua xử lý của các hàng quán kinh doanh ăn uống, giải khát quanh và các hộ dân trong khu vực đường Ngũ Xã, Trấn Vũ... Tiếp đến, vì hồ nuôi cá quá dày đặc làm cá thiếu ôxi, nhất là vào những ngày thời tiết thay đổi như mấy ngày qua.
- Thưa ông, có cách nào để giải quyết tình trạng ô nhiễm nước hồ Trúc Bạch?
- Có nhiều cách để giải quyết tình trạng ô nhiễm nước hồ như là hóa từ, vi sinh, cơ lý, thủy sinh… Trước mắt, trong năm 2010, hồ Trúc Bạch được đưa vào danh sách 24 hồ sẽ được xử lý ô nhiễm. Phương pháp được áp dụng cho hồ Trúc Bạch là giảm thiểu ô nhiễm nước mặt bằng công nghệ quản lý tổng hợp các thủy vực với sự tham gia của cộng đồng. Phương pháp này đã được thử nghiệm trên 7 hồ trong năm 2009 và cho kết quả rất khả quan.
Nhưng để giải quyết triệt để thì không thể cứ để nước thải xả thẳng xuống hồ như hiện nay. Về lâu dài, chúng ta phải xây dựng hệ thống thu gom nước thải quanh hồ Trúc Bạch như một số hồ đã làm. Tôi cũng không hiểu tại sao người ta lại để 2 cửa xả lớn như thế xả thẳng vào hồ.
- Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của trạm xử lý nước thải Trúc Bạch? Liệu trạm xử lý nước thải này có hoạt động đều không?
- Tôi không thể trả lời chắc chắn là trạm xử lý nước thải này có hoạt động đều hay không. Nhưng mỗi lần đến kiểm tra thì đều thấy trạm đang vận hành. Thực tế, trạm xử lý nước thải này chỉ có công suất 3.700m3/ngày-đêm, quá nhỏ so với lượng nước thải xả vào hồ hằng ngày. Do đó, trạm chỉ có tác dụng làm giảm mức độ ô nhiễm của hồ thôi, chứ không thể giải quyết được tình trạng ô nhiễm của hồ Trúc Bạch.
- Ông có thể cho biết lượng nước thải thực tế xả vào hồ hằng ngày?
- Hiện nay chưa có số liệu chính thức về lượng nước thải xả vào hồ. Vì có quá nhiều cửa xả nước vào hồ nên không thể đo đạc cụ thể được. Chỉ có thể đo chính xác lượng nước thải khi có hệ thống thu gom nước thải xung quanh hồ.
- Thưa ông, những lần kiểm tra trước đây, khi phát hiện ra sai phạm, Chi cục đã xử lý như thế nào?
- Xung quanh hồ Trúc Bạch, các cơ quan chức năng đã nhiều lần kiểm tra, xử phạt theo quy định nhưng thực tế là mức xử phạt còn nhẹ nên không đủ sức răn đe. Đối với một số nhà hàng lớn, chúng tôi đã yêu cầu họ xây trạm xử lý nước thải cục bộ, nếu diện tích không cho phép thì phải có bể để thu gom lại và vận chuyển đi nơi khác. Tuy nhiên, việc này cũng không dễ bởi các chủ nhà hàng thường rất ngại chi thêm một khoản chi phí không nhỏ để xây trạm hoặc bể. Một điểm khó nữa là nhà hàng của quân đội thì chúng tôi lại không vào kiểm tra, xử lý được. Thêm nữa, việc xử phạt các hộ dân là cũng không dễ nên chỉ mới dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động nhân dân không vứt rác xuống hồ.
- Chân thành cảm ơn ông!
Sẽ không thả thêm cá giống vào hồ Bà Vũ Thị Lý, Giám đốc Công ty CP Trúc Bạch khẳng định, từ giờ trở đi, công ty sẽ không thả thêm cá giống vào hồ nữa. Năm ngoái, công ty có thả một lượng nhỏ cá mè nhưng qua một năm mà lớn rất chậm. Công ty sẽ duy trì lượng cá vừa phải trong hồ để góp phần làm giảm ô nhiễm. Bà Lý cho biết thêm, mấy năm nay, công ty không còn trông đợi vào nguồn lợi từ nuôi cá. Doanh thu từ cá đã xuống đến đáy. Lượng cá ở hồ nhiều chủ yếu là do những loại cá có khả năng chịu đựng môi trường nước ô nhiễm tự sinh sản. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.