(HNM) - Giữa cái lạnh cắt da, cắt thịt của mùa đông Hà Nội, chúng tôi về xã Hữu Bằng (Thạch Thất) - cái nôi của võ phái Vovinam. Tiếp nối chưởng môn sáng lập là người Hữu Bằng, lớp trẻ ở Hữu Bằng hôm nay luôn hăng say tập luyện làm cho cuộc sống vật chất, tinh thần thêm phong phú.
CLB Vovinam xã Hữu Bằng thi đấu ở huyện. |
Ngôi nhà thờ ông tổ Vovinam, võ sư Nguyễn Lộc, ở thôn Giếng, xã Hữu Bằng, vẫn còn lưu giữ nhiều hình ảnh của ông. Cụ Nguyễn Huy Tiếp, cùng dòng họ với tổ sư Nguyễn Lộc, tự hào cho biết, vốn có niềm đam mê võ thuật, ông Lộc ngoài việc học tập, còn rất chịu khó học hỏi, nghiên cứu, luyện tập nhiều môn phái khác nhau. Ông nhận thấy môn võ nào cũng có ưu điểm riêng, song với thể tạng nhỏ bé của người Việt Nam, nếu chỉ phổ biến một phương pháp của môn võ nào đó, hiệu quả tập luyện sẽ không cao. Vì vậy, ông Nguyễn Lộc đã tìm tòi, lựa chọn các tinh hoa võ thuật trên thế giới để sáng tạo thành một môn phái riêng, đặt tên là Vovinam.
Năm 1938, ông đem Vovinam ra huấn luyện cho một số thân hữu để thử nghiệm và đưa lớp võ sinh đầu tiên biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Cuộc biểu diễn thành công rực rỡ. Trải qua nhiều sóng gió, đến năm 1954, ông cùng một số môn đệ tâm huyết vào Nam và mở trường dạy Vovinam ở các nơi. Ngày nay, Vovinam đã được phổ biến rộng rãi trên thế giới. Liên đoàn Vovinam thế giới và ở nhiều quốc gia được thành lập.
Tiếp bước những gì ông tổ để lại cho con cháu xã Hữu Bằng, ngày nay người dân trong làng cũng như thế hệ trẻ, ngoài việc trau dồi học tập kiến thức còn tham gia tập luyện môn võ này nhằm rèn luyện sức khỏe. Phó Chủ tịch UBND xã Hữu Bằng Phan Văn Đồng cho biết, mặc dù ông tổ sư Vovinam ở đây nhưng 4 năm nay các lớp học võ mới được mở. Mỗi lớp có khoảng 100 cháu, độ tuổi từ tiểu học tới trung học phổ thông. Kinh phí do các gia đình ủng hộ để mua thảm và dụng cụ tập luyện. Năm 2012, đoàn Vovinam của Thạch Thất, trong đó chủ yếu là người con của Hữu Bằng, thi đấu giải Vovinam toàn thành phố Hà Nội đã thắng lớn với 9 huy chương vàng, 14 huy chương bạc, 7 huy chương đồng. Đây là phần thưởng cao quý mà thế hệ trẻ Hữu Bằng dâng tặng vị tổ sư sáng lập.
Khi được hỏi về môn võ này, anh Nguyễn Đình Thiện, thôn Giếng, phấn khởi cho biết, hiện tại 2 con của anh đang theo học. Ngoài rèn luyện sức khỏe và bảo vệ mình, Vovinam còn dạy thế hệ trẻ sức chịu đựng khó khăn để không nản chí trước việc khó. Không chỉ thu hút học sinh nam, võ Vovinam còn hấp dẫn cả các học sinh nữ. Em Nguyễn Thị Như Quỳnh dù mới 17 tuổi, nhưng rất nhiệt tình tham gia. Em vừa đoạt Huy chương Vàng giải Vovinam của huyện.
Ông Phan Văn Đồng cho biết, dù công việc làng nghề bận rộn nhưng người dân Hữu Bằng luôn tâm niệm phải giữ gìn tinh thần thể thao cho các thế hệ trẻ. Lớp học võ hôm nay đã thu hút mọi lứa tuổi tham gia, đặc biệt là thanh thiếu niên, nhưng điều người dân Hữu Bằng băn khoăn là xã có tới 16.500 khẩu song không có sân chơi thể thao. Họ cũng mong muốn có một võ đường riêng cho Vovinam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.