Theo dõi Báo Hànộimới trên

Về Hà Nội đi đò kéo dây

Nguyên An| 28/04/2011 06:17

(HNM) - Xã Mỹ Hưng (Thanh Oai, Hà Nội) nằm cách trung tâm Hà Nội chừng mươi cây số theo đường chim bay. Vì thế, chuyện ở đây còn đến mấy bến đò dân sinh tự phát - một kiểu "sáng tạo thật tài tình" (lời một quan chức ngành giao thông) - khiến ai cũng ngỡ ngàng.

Như Hànộimới đã từng đề cập trong một số báo gần đây. Người dân mong mỏi lắm có một cây cầu. Ông Chủ tịch xã tiết lộ, "đã có dự án" nhưng bao giờ triển khai, bao giờ xây xong thì không rõ.

Đò kéo

Anh Thắng, người Thanh Trì, có đến chục năm đi đò Mỹ Hưng. Thăm người thân, lấy hàng, anh qua lại suốt. Đi đường này gần, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí mà cái sự tiện cũng không đến nỗi. Anh bảo, chỉ cần lúc lên xuống đò cẩn thận đôi chút, nhất là mùa nước lên.

Bến Đan Thầm có tiếng là nhiệt tình, chỉ một, hai khách cũng đưa.

"Bến" thôn Đan Thầm có hai đò. Một của người trong thôn, một của người bên thôn Siêu Quần (xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì). Gọi là "bến" cho oai chứ thực ra đây chỉ là lối trổ ra từ mé đường thôn xuống mép sông Nhuệ. "Âu" đò được đặt một miếng ván gỗ đủ rộng, đủ... ngắn cho người đi xe máy, xe đạp lên xuống đò. Còn đò có chất liệu làm bằng bê tông cốt thép là cái thuyền con con. Trên đò, xếp ván gỗ. Đò không có động cơ, không chèo. Để đi từ bên này sang bên kia sông, chủ đò bám vào sợi dây được bện bằng lưới đánh cá buộc vào cọc sắt hai bờ, cứ thế kéo... Ngày xưa, cũng có thời thuyền bè từ Hà Nội về và đi tấp nập qua lại theo sông Nhuệ, nhất là quãng này và Cự Khê, Hữu Hòa... lân cận. Ngày nay... Có thể nói, đây là một "sáng tạo thật tài tình" (lời một quan chức ngành giao thông) của người dân.

Thằng bé kéo đò bên Siêu Quần quãng 14, 15 tuổi. Cứ bám dây, cậu dư sức đưa con đò kín người sang sông. Khách qua lại chủ yếu là người quen. Vừa kéo đò, cậu vừa đáp chuyện với khách, những câu hỏi đại loại như: "Không đi học à", "Mẹ đi làm không"... Thấy tôi giương máy ảnh lên chụp, đang mắm môi kéo, từ giữa sông cậu vọng lên: "Cấm chụp ảnh. Có biển cấm ở bụi tre đây này". Trên bờ, một người có lẽ là anh trai cậu bé, dặn với: "Không trả lời nhà báo".

Xã Mỹ Hưng có ba bến đò dân sinh, tất cả đều "tự phát" - theo lời cán bộ xã. Ngoài Đan Thầm còn một bến ở thôn Quảng Minh, một ở Thạch Nham. Riêng bến ở thôn Quảng Minh sắp dừng hoạt động do sông Nhuệ được xây bờ kè bít mất đường lên bờ. Bến Đan Thầm tiện nhất do nằm giữa xã. Chỗ Thạch Nham ít người đi một phần bởi đường khó đi, vả lại nhiều người qua lại không thích "cung cách phục vụ" của chủ đò kiêu kỳ, khó tính, thường cứ phải "nhét" chật đò mới chịu sang sông.

"Phu đò"

Ông Trịnh Tiên Phúc, người thôn Đan Thầm, 47 tuổi, "nhận" mình là một trong những người đầu tiên đưa đò "phục vụ" nhu cầu đi lại của người dân. Thâm niên trong "nghề" của ông đã ngót 30 năm. Đò ông Phúc ban đầu thuộc dạng "oách". Cũng đổ bằng bê tông cốt thép, cần tới 8 tạ xi măng, hơn tạ sắt nhưng ông Phúc có "cải tiến" hơn là làm lan can hai bên cho người đứng an toàn. Một lần chở, cái xe trộn bê tông của khách qua "gạt phăng" một bên.

- Bây giờ đang mùa nước cạn, mặt sông chỉ rộng chừng mươi mét. Mùa nước, mặt sông rộng tới ba, bốn chục mét, "ăn" lên tận mép đường. Kéo đò không mệt. Cứ sức tôi cũng kéo được đầy đò - Ông Phúc hỉ hả kể.

Dây kéo đò được bện từ lưới đánh cá, buộc vào cọc sắt.

Riêng bến Đan Thầm có bốn "phu đò", không tính bờ Siêu Quần. Mỗi người chở ba ngày lại nghỉ. Ông Phúc mất một chân sau một tai nạn. Giờ vợ ông là lái chính. Đò của ông Phúc đầu tư hết 5,6 triệu, hoàn vốn đã lâu mà giờ "vẫn chạy tốt". Thi thoảng, ông Phúc sửa sang lại ván gỗ lát sàn. - Những ngày lễ, ngày nghỉ, người sang sông tấp nập suốt ngày, hai vợ chồng tôi kéo đò không kịp nghỉ. Còn thường, trung bình mỗi ngày cũng được quãng 100-150 lượt khách. Khách đi xe đạp, thu 1.000 đồng, đi xe máy 2.000 đồng; người có xe hàng như xe phở, xe trộn bê tông... thu thêm tí chút - Ông Phúc nhẩm tính.

Nhiều năm làm "phu đò", ông Phúc chưa để xảy ra sự cố nào. - Kể cả mùa nước, đò cũng vẫn an toàn miễn là người đưa, người đi cùng cẩn trọng. - Ông khẳng định.

Mỏi mắt chờ cầu

Giữa lòng Hà Nội mà còn những bến đò dân sinh tự phát kiểu như Mỹ Hưng cũng là chuyện khiến nhiều người ngỡ ngàng. Những chiếc đò không hề có phao cứu sinh, lan can bên còn bên mất (đấy còn là dạng oách, bởi hầu hết không có lan can), vào mùa nước, mặt sông ba bốn chục mét rộng thì chửa biết chừng... Nhiều "phu đò" không thích bị chụp ảnh, "được" lên báo, sợ ảnh hưởng tới "nồi cơm".

Rón rén tấp xe máy lên miếng ván đỡ chỗ "âu" đò, anh Thắng chẹp miệng: - Bao giờ mới có cầu!

Còn ông Nguyễn Bá Mát, Chủ tịch UBND xã Mỹ Hưng khẳng định dự án xây cầu đã có, người dân mong mỏi lắm, nhưng chưa biết bao giờ mới triển khai, chưa biết bao giờ mới hoàn thành. Hỏi từ trước đến nay đã có tai nạn nào xảy ra chưa, ông nói chắc nịch: "Chưa hề!". Cứ như vậy, các bến đò dân sinh vẫn phục vụ cật lực cho nhu cầu đi lại của người dân, kể cả các cháu học sinh.

Nỗi lòng ông Phúc lại khác. Nhà ông có sáu sào ruộng, hai đứa con đang ăn học. Thời buổi này, sáu sào ruộng chả làm được gì. Cả nhà trông vào mỗi con đò dây này. Mỗi buổi làm, rẻ ông cũng kiếm được hơn trăm bạc. Năm 2008, ông xây nhà, khá khang trang, hết hơn trăm triệu. Ông nói, cũng... mong sớm có cầu cho người dân đi lại thuận tiện nhưng thấy lo lo công ăn việc làm hai vợ chồng sau đó. Hầu như chả ai thích sự tụt hậu, bất tiện. Sự tụt hậu, bất tiện như cái mụn bẩn trên khuôn mặt nhưng té ra, đôi khi cũng có lợi cho ai đấy.

Những bến đò dân sinh khiến nhiều người ngỡ ngàng ở Mỹ Hưng giữa Hà Nội bao giờ mới dừng "sứ mệnh"?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Về Hà Nội đi đò kéo dây

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.