Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vẻ đẹp tổng thể

Người Lái Đò| 23/10/2016 06:43

(HNM) - Những chuyển động gần đây cho thấy, Hà Nội đang chuyển mình thành một thành phố du lịch đúng nghĩa, cho dù chúng ta vẫn thường nhấn mạnh tới ý nghĩa trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa của Thủ đô.


Phố đi bộ đã qua giai đoạn thí điểm, được mở rộng nhằm tận dụng không gian rộng lớn và vẻ đẹp kiến trúc có từ lâu đời. Phố sách đang dần hình thành. Những buổi trình diễn nghệ thuật cổ truyền tại khu vực trung tâm vẫn được duy trì, tạo điểm nhấn nghệ thuật cần thiết cho du khách… Những ý tưởng mới góp thêm cho vẻ đẹp Thăng Long - Hà Nội vốn đã đậm đà bởi vô số di tích lịch sử văn hóa. Nhưng, như thế đã là đủ hay chưa?

Có lẽ là chưa. Ít nhất là khi xét về vẻ đẹp bền vững của các công trình nghệ thuật công cộng, bao gồm cả công trình văn hóa ngoài trời và những buổi biểu diễn nghệ thuật trên đường phố.

Cách đây hơn 10 năm, vào dịp kỷ niệm 995 năm Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô khánh thành khu vườn tượng tại bờ hồ Hoàn Kiếm - đoạn gần đền Ngọc Sơn. Những diễn biến sau đó cho thấy hai vấn đề quan trọng: Thứ nhất, vài chục tác phẩm điêu khắc tại khu vườn này đã trở thành điểm nhấn nghệ thuật thú vị, thu hút sự chú ý của du khách và người dân Hà Nội. Thứ hai, gần chục năm sau ngày khánh thành, vườn tượng đã không còn giữ được vẻ đẹp ban đầu, do công tác bảo trì không được chú ý đúng mức.

Năm 2010, vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô đón nhận thêm một công trình nghệ thuật công cộng quan trọng khác: Con đường gốm sứ chạy dọc đê Yên Phụ - Trần Quang Khải. Đó cũng là một công trình nghệ thuật có ý nghĩa tô điểm cho vẻ đẹp Thủ đô, nhận được sự tán thưởng của công chúng và du khách. Tuy vậy, cũng như vườn tượng bên hồ Hoàn Kiếm, đường tranh gốm sứ nhanh chóng xuống cấp do ảnh hưởng của nắng mưa, do ý thức kém của một bộ phận cư dân và do thiếu ý tưởng bảo tồn cần thiết.

Đó là hai ví dụ cụ thể về tầm quan trọng của nghệ thuật công cộng đối với một đô thị có tiềm năng lớn về du lịch. Vườn tượng bên hồ Hoàn Kiến, con đường gốm sứ, những bức tường graffiti “mọc” khá tự phát tại Quảng An (Tây Hồ)… đều là bài học kinh nghiệm quý giá cho thấy ý nghĩa quan trọng của một bản quy hoạch kèm theo biện pháp bảo vệ các công trình nghệ thuật ngoài trời cần có trong tương lai, nhằm tạo ra vẻ đẹp tổng thể bền vững. Nói cách khác, Hà Nội cần xem xét kỹ hiện trạng, “kiểm kê” những gì đã có và xác định những công trình nghệ thuật công cộng cần được bổ sung hoặc tu bổ. Bằng cách đó, chúng ta có thể hình dung bức tranh tổng thể trong tương lai, xác định chính xác những việc cần làm nhằm góp thêm vẻ đẹp và sức thu hút của Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vẻ đẹp tổng thể

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.