Theo dõi Báo Hànộimới trên

Về “đất học” Phan Long

Nguyễn Mai| 15/09/2013 06:44

(HNM) - Nhắc đến những làng hiếu học ở huyện Đan Phượng, ánh mắt Phó Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Trần Lựu sáng lên:

Làng văn hóa

Mới về đầu thôn đã nhận thấy sự trù phú của làng với những ngôi nhà san sát to đẹp. Trên con đường làng rộng rãi, sạch bóng, chúng tôi gặp mái đình cổ kính, nhà văn hóa thôn khang trang. Cuộc sống của làng nhỏ ven đô tuy sôi động nhưng vẫn còn những góc thư thái tĩnh lặng. Trong sân nhà văn hóa thôn Phan Long, xã Tân Hội, nắng chiều còn chưa tắt nhưng nhiều người đã đạp xe về tề tựu. Nhiều người đang căng lưới chuẩn bị chơi cầu lông…

Một góc làng quê Phan Long.


Phan Long nổi tiếng là làng hiếu học. Xưa kia, làng là nơi sinh thành của nhiều sĩ tử uyên thâm, đỗ đạt thành danh. Từ thế kỷ XVII-XVIII đã có 6 cụ đỗ đạt làm quan tri phủ, huấn đạo, thái y. Đến đầu thế kỷ XX, làng có các cụ đồ nho nổi tiếng như cụ Tú Miền, cụ Đồ Bớt, cụ Đồ Trưởng… Ngày nay, ở làng nhỏ chỉ với 2.000 dân nhưng Phan Long có 2 phó giáo sư, 11 tiến sĩ, 35 thạc sĩ. Cả làng có 200 giáo viên các cấp từ mầm non đến đại học, và gần 200 cán bộ có trình độ đại học, 150 cán bộ hưu trí… "Con số này chúng tôi thống kê cách đây đã mấy năm, bây giờ chắc chắn còn tăng cao hơn thế nhiều" - ông Nguyễn Bá Đông Bí thư chi bộ, kiêm Trưởng thôn Phan Long tự hào cho biết. Cũng theo ông Đông, có kiến thức nên người dân Phan Long giờ cơ bản đi làm công chức nhà nước hoặc công tác trong các công ty doanh nghiệp. Sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm một phần rất nhỏ bé. Có thu nhập ổn định, người dân có điều kiện đóng góp vào xây dựng quê hương. "Chẳng nói đâu xa, cái nhà văn hóa thôn khánh thành năm ngoái, người dân đã ủng hộ trang thiết bị, loa đài, bàn ghế… trị giá trên 100 triệu đồng đấy" - ông Đông cho biết. Cùng với điều kiện sống nâng cao, những câu lạc bộ cầu lông, dưỡng sinh, bóng chuyền và cả thơ ca ngày càng phát triển thu hút đông hội viên tới sinh hoạt. Mới đây, Phan Long đã được thành phố công nhận làng văn hóa xuất sắc 10 năm liền.

"Tiếp lửa" cho trẻ đến trường

Người Phan Long coi trọng cái chữ. Chuyện học ở Phan Long như được tiếp thêm "sinh khí" khi có phong trào khuyến học, khuyến tài của người dân địa phương. Chi hội trưởng Hội Khuyến học thôn Phan Long, bà Phan Thị Khương cho biết, sau 10 năm đi vào hoạt động, từ 43 hội viên đến nay, Chi hội đã phát triển thành 322 hội viên, chiếm 15% dân số trong làng. Phan Long vừa phát thưởng cho các em học sinh có nhiều thành tích trong học tập. 11 năm qua, Chi hội khuyến học thôn đã trao 1.770 phần thưởng với tổng giá trị 170 triệu đồng cho các em học sinh. Theo bà Khương: "Việc phát thưởng không giới hạn, hễ là người Phan Long nhưng đi công tác sinh sống ở các nơi có tâm hướng về quê; hoặc người "thiên hạ" về đất Phan Long sinh cơ lập nghiệp có nguyện vọng đều được khen thưởng như người làng. Để có quỹ hoạt động, chi hội đã vận động được nhiều tập thể, cá nhân tâm huyết với sự nghiệp trồng người ủng hộ. Từ năm 2003 đến nay, hội đã nhận được 242 triệu đồng, số tiền không nhỏ so với nhiều quỹ khuyến học của các thôn khác trên địa bàn huyện Đan Phượng" - bà Khương cho biết. Ngoài quỹ này, trong các dòng họ cũng đều xây dựng được quỹ khuyến học riêng như họ: Trần, Thế, Duy, Cao… hằng năm đều tổ chức khen thưởng cho các học sinh khá, giỏi trong gia tộc mình.

Sự động viên của gia đình, dòng họ và của thôn làng, nhiều em học sinh ở Phan Long đã có thành tích cao trong học tập như em Phạm Ngọc Quang học sinh lớp 10 và Phạm Ngọc Quang Vinh học sinh lớp 5 con ông bà Công - Phương nhiều năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp thành phố; em Nguyễn Thạc Quang Huy học sinh lớp 9 con ông bà Thủy - Đường đạt giải Anh văn cấp thành phố… Năm 2013, làng cũng có 5 em tốt nghiệp đại học loại giỏi.

Ở Phan Long, gia đình ông Nguyễn Thạc Cầu, xóm Đình được nhiều người ngưỡng mộ về nuôi con học giỏi. Hai vợ chồng làm ruộng và chạy chợ nuôi 3 người con vào đại học. Năm 2013, gia đình ông có 2 người con tốt nghiệp đại học loại giỏi là Nguyễn Thạc Hoài Phương, tốt nghiệp xuất sắc Đại học Bách khoa Tômxcơ (Cộng hòa Liên bang Nga) và Nguyễn Thạc Kim Thanh tốt nghiệp loại giỏi Đại học Công nghệ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông Cầu chia sẻ, tạo điều kiện và động viên cho con học không chỉ vì mục đích tiến thân mà còn học để làm người, ý thức được điều đó mà những người làm cha làm mẹ ở cái làng nhỏ này sẵn sàng chịu khổ quyết tâm đưa con em mình tới "cửa cử nhân".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Về “đất học” Phan Long

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.