Theo dõi Báo Hànộimới trên

Về bản người Dao ở Ba Vì

Nguyễn Ngọc Hải| 02/08/2013 05:41

(HNM) - Sau cái bắt tay thật chặt, ông Lê Khắc Nhu, Trưởng phòng Dân tộc của huyện Ba Vì khoe

Chúng tôi men theo con đường liên xã để đến với xã Ba Vì, huyện Ba Vì, nơi có 98% người đồng bào dân tộc Dao vào đúng dịp kỷ niệm 5 năm ngày Hà Nội mở rộng địa giới hành chính. Con đường nhựa phẳng lỳ thênh thang trải dài đến tận trung tâm xã. Ông Lê Khắc Nhu, Trưởng phòng Dân tộc huyện Ba Vì cứ nắc nỏm: "Huyện Ba Vì có tới 73 thôn có người dân tộc thiểu số với 6.583 hộ, 24.973 người. Số người dân tộc thiểu số chiếm đến 41,7% tổng dân số trên địa bàn. Chính vì thế, việc gìn giữ, phát huy những nét đẹp của văn hóa truyền thống người dân tộc thiểu số là rất cần thiết nhà báo ạ!".

Anh Triệu Quý Truyền (xã Ba Vì) làm giàu từ VAC.


Theo ông Nhu, mặc dù số lượng người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Ba Vì là rất lớn, nhưng cái nét văn hóa đặc sắc hơn cả vẫn là người Dao ở xã Ba Vì. Bởi tính toàn địa bàn thì duy nhất có người Dao ở xã Ba Vì sống quy tụ theo cộng đồng với tỷ lệ 98%. Và khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính thì cộng đồng người Dao ở Ba Vì đương nhiên trở thành một trong những cộng đồng người thiểu số đầu tiên có mặt tại Hà Nội. Những nét văn hóa truyền thống của người Dao Ba Vì đã làm giàu thêm bản sắc cho văn hóa Thủ đô ngàn năm văn hiến. Theo truyền thuyết, người Dao di cư đến núi Ba Vì để tìm kế mưu sinh bởi nơi đây có nguồn tài nguyên thiên nhiên rất phong phú. Đến Ba Vì, họ cư trú trên sườn núi và sống chủ yếu bằng đốt rừng làm nương. Sau cuộc vận động hạ sơn năm 1968, đặc biệt từ khi Nhà nước có quyết định thành lập Khu bảo tồn Vườn quốc gia Ba Vì năm 1990 thì toàn bộ người Dao đang sống rải rác trên núi đều được "hạ sơn" định cư quanh chân núi Ba Vì. Từ đây, họ đã thay đổi phương thức sản xuất chuyển từ phá rừng làm rẫy sang trồng và bảo vệ rừng, biết trồng lúa nước và định canh, định cư.

Mặc dù đã "hạ sơn" nhưng người Dao Ba Vì vẫn cư trú theo những thôn bản riêng biệt, không có người khác tộc để giữ gìn phong tục tập quán, những nét văn hóa độc đáo riêng của mình. Ông Lý Văn Thọ, Chủ tịch HĐND xã Ba Vì và cũng là 1 trong 7 thầy cúng nổi tiếng của xã cho biết, đến nay người Dao Ba Vì vẫn còn lưu truyền rất nhiều lễ hội truyền thống. Và đặc biệt, trong mỗi lễ hội ấy không thể thiếu các bài cúng. Đó là những bài cúng trong Tết Nhảy, lễ Khai Quan, lễ Tạ Mả, lễ Cấp sắc, đặt tên âm…

Những đổi thay sau ngày hợp nhất về Thủ đô

"Bây giờ thì bản người Dao đã khác nhiều rồi!" - đó là lời khẳng định của anh Triệu Quý Truyền, một trong những điển hình tiên tiến về phát triển kinh tế ở xã Ba Vì. Trong căn nhà 2 tầng, anh Truyền kể về những tháng ngày vất vả khi mới rời đỉnh núi để xuống chân núi định cư. Đó là những năm 1993, khi ấy anh Truyền mới tròn 30 tuổi. Xuống núi, đất đai rộng, nhưng vốn liếng không có, anh Truyền cùng một số hộ dân khác phải chuyển nhượng bớt đất để lấy vốn làm ăn. Với gần 100 triệu đồng có được từ chuyển nhượng đất, anh xây căn nhà 2 tầng để an cư rồi lao vào tăng gia sản xuất. Giờ thì đời sống gia đình anh đã ổn định với mức thu nhập khoảng 80 triệu đồng/năm. Anh bảo, cái thời chưa hợp nhất về với Thủ đô, kinh tế nhìn chung vẫn khó khăn lắm. Điện - đường - trường - trạm chưa hoàn chỉnh nên người dân Ba Vì còn quá vất vả. Thậm chí dù điện lưới đã về đến nơi nhưng cũng phập phù, lúc có lúc không. Lam lũ, vất vả, người Dao Ba Vì luôn phải quay quắt với cuộc sống nên đã có lúc nếp văn hóa của người Dao tưởng chừng như mai một. Ông Lý Văn Thọ, Chủ tịch HĐND xã Ba Vì cũng xác nhận, Ba Vì là một xã quá khó khăn do đất canh tác ít, đồng bào lại chưa biết phát huy thế mạnh cũng như áp dụng nhiều khoa học kỹ thuật và sản xuất, chăn nuôi. Nhưng từ khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, đồng bào nơi đây đã được quan tâm hơn nhiều, từ chế độ cho cán bộ đến các chính sách cho đồng bào nghèo. Tuy nhiên, nếu vẫn giữ đà này, Ba Vì vẫn cứ là xã nghèo, thậm chí vẫn là xã 135 dành cho đồng bào vùng sâu, vùng xa. Theo ông Thọ, để Ba Vì vươn lên và cũng là định hướng phát triển của huyện Ba Vì thì việc cần làm ngay chính là bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với phát triển kinh tế du lịch. Đưa ra một con số thống kê, ông Thọ bảo, có lẽ giờ đây chỉ có khoảng 10% số người Dao ở Ba Vì còn nhớ được mặt con chữ cổ của người Dao. Và để lưu giữ lại, ông Lý và một số thầy mo, thầy cúng thường phải chép lại những bài cúng, vừa để lưu giữ những bài cúng do tổ tiên để lại, vừa để giữ con chữ cho các thế hệ sau.

Làm kinh tế, không quên giữ gìn nét văn hóa

Ở một khía cạnh khác, ông Lê Khắc Nhu, Trưởng phòng Dân tộc huyện Ba Vì kể, ở nhiều lễ hội xưa, mỗi khi làng có việc, hầu hết cả làng đều háo hức tham gia, thậm chí góp thêm nhiều lễ vật để góp vui. Thế nhưng những năm gần đây, nhiều tập tục đang bị phai nhạt, thậm chí có nguy cơ bị quên lãng. Lấy ví dụ, ông Nhu cho biết, trước kia mỗi lần tổ chức Tết Nhảy, cả làng từ già đến trẻ đều háo hức tham gia, giờ chỉ còn một số thành viên cao niên trong làng, trong bản tham gia với thời gian được co lại còn 2 ngày. Những điệu múa trong các lễ hội cũng bị cải biên, rút ngắn thời gian, có khi chỉ còn 1-2 giờ đồng hồ. Đáng tiếc hơn, nhiều người Dao ở lứa tuổi 50 trở xuống không biết tự khâu vá quần áo và mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình. Nếu không được phục dựng, bảo tồn, đây sẽ là một thiệt thòi cho người Dao nói riêng cũng như giảm giá trị trong chiến lược phát triển du lịch của huyện Ba Vì.

Nhận thức được giá trị của không gian văn hóa người Dao Ba Vì, UBND huyện Ba Vì đã giao Phòng Dân tộc xây dựng đề án "Khôi phục, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số huyện Ba Vì, giai đoạn 2013-2015, định hướng đến năm 2020". Theo đánh giá của đề án, đặc thù của văn hóa phi vật thể tồn tại trong trí nhớ, do đó nếu không được quan tâm sẽ rất dễ bị mai một, lãng quên. Chính vì vậy, từ năm 2006, huyện Ba Vì đã tổ chức các lớp dạy chữ cổ người Dao tại nhà cho lứa tuổi thanh, thiếu niên; tổ chức các lớp phục dựng trang phục… Đặc biệt, theo ông Nhu, những nét văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung cũng như người Dao nói riêng rất cần đến không gian văn hóa cộng đồng. Và để có được không gian riêng này, UBND huyện Ba Vì đã đề xuất phương án phục dựng các nhà cộng đồng mang sắc thái đặc trưng của từng dân tộc như nhà Sàn truyền thống, nhà sinh hoạt cộng đồng với mật độ mỗi bản 2 nóc nhà. Từ những không gian văn hóa này, mục tiêu bảo tồn trang phục truyền thống, ẩm thực truyền thống và các lễ hội như Tết Nhảy, lễ Cấp sắc, Tết chay, tục cưới hỏi… mới được phục dựng, bảo tồn.

Theo đánh giá, rất nhiều du khách nước ngoài khi đến Việt Nam mong muốn khám phá những phong tục, những lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Vì vậy trong tương lai không xa, vùng phía tây của Thủ đô Hà Nội trong đó có xã Ba Vì của người Dao sẽ trở thành vùng du lịch sinh thái, du lịch văn hóa. Điều này chắc chắn sẽ đem lại nhiều cơ hội cho người Dao phát triển kinh tế đi đôi với phát huy nét văn hóa truyền thống, giàu bản sắc của mình.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Về bản người Dao ở Ba Vì

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.