(HNM) - Trong thành phần của Đoàn thể thao Việt Nam tham dự Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á xuất hiện nhiều gương mặt sáng giá như Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi lội), Nguyễn Thị Oanh (điền kinh)…
Họ đã giành được nhiều huy chương cho Đoàn thể thao học sinh Việt Nam. Với những VĐV có chút tên tuổi, tham dự giải không chỉ là trách nhiệm giành huy chương mà còn là cơ hội làm "nóng" trước những cuộc thi đấu lớn.
Kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên thi đấu xuất sắc tại Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á 2013. Ảnh: Minh Hoàng |
Ngay trước đại hội, khi cái tên Nguyễn Thị Ánh Viên xuất hiện trong danh sách Đoàn thể thao Việt Nam, nhiều người đã lo ngại kình ngư này sẽ quá tải trước khi dự Đại hội Thể thao trong nhà và võ thuật Châu Á khai mạc ngày 29-6, tại Hàn Quốc. Thế nhưng, các nhà quản lý lại có lý của mình khi cho rằng chuyện tham gia thi đấu đối với Ánh Viên sẽ "nhẹ như lông hồng". Đơn giản, mỗi buổi thi đấu sẽ không khác một buổi tập, giúp kình ngư này luôn trong tình trạng sẵn sàng thi đấu. Không kể việc giành thành tích cũng có thể góp thêm những điểm cộng vào kết quả học tập của các VĐV. Vì vậy, các VĐV khó từ chối cơ hội thi đấu tại Giải học sinh Đông Nam Á và Ánh Viên cũng không là ngoại lệ. Ánh Viên cũng kể rằng, tại Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á cô chỉ thi đấu bằng 60% - 70% khả năng và điểm rơi phong độ sẽ là Giải vô địch Châu Á chứ không phải là Đại hội Thể thao trong nhà và võ thuật Châu Á. Nhưng cũng chỉ cần có thế, cô gái này đã giành 8 HCV, 1 HCĐ. Dù vậy, kình ngư này và Ban huấn luyện chỉ nhìn nhận thành tích thi đấu dưới góc độ chuyên môn chứ không phải là huy chương.
Trường hợp VĐV điền kinh Nguyễn Thị Oanh cũng tương tự. Cô gái Hà Nội này đang rất cần những cuộc đấu quốc tế để có thể rèn bản lĩnh nhằm cạnh tranh với Quách Thị Lan (Thanh Hóa, đang tập huấn tại Bulgaria). Cũng có chỉ tiêu huy chương đặt ra với Nguyễn Thị Oanh và thực tế, niềm hy vọng số 1 trên đường chạy 400m của điền kinh Hà Nội đã đáp ứng được với việc giành 5 HCV cá nhân, đồng đội. Theo các HLV của Nguyễn Thị Oanh, trong giai đoạn cần tích lũy bản lĩnh thi đấu quốc tế như lúc này thì bất cứ giải quốc tế nào cũng đều có ý nghĩa nhất định với Nguyễn Thị Oanh. Kể cả khi tham dự Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á thì Nguyễn Thị Oanh cũng học được nhiều điều. Trong các đối thủ cũng có nhiều người từng dự Giải vô địch trẻ hay Giải vô địch Đông Nam Á nên mỗi cuộc thi là một cuộc trải nghiệm cần thiết. Việc được giao trách nhiệm đầu tàu, được kỳ vọng trong các nội dung thi cũng giúp Nguyễn Thị Oanh trưởng thành nhanh hơn. Bởi về lâu dài, Nguyễn Thị Oanh được các nhà quản lý cả của ngành thể thao Hà Nội và Tổng cục TDTT gửi gắm niềm tin ở các giải đấu quốc tế quan trọng với thể thao Việt Nam như SEA Games hay ASIAD.
Ngoài Ánh Viên, Nguyễn Thị Oanh, còn rất nhiều VĐV đi theo thể thao đỉnh cao của Việt Nam và quốc tế dự Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á năm 2013. Nếu chỉ xét thuần túy về chuyên môn, không hẳn những sân chơi nhỏ như trên không mang lại những trải nghiệm chuyên môn cho các VĐV thi đấu chuyên nghiệp bởi họ vẫn sẽ coi đấy là cơ hội tích lũy kinh nghiệm thi đấu cho bản thân, nhất là khi điền kinh Việt Nam ít dự giải quốc tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.