Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vay vốn đi xuất khẩu lao động: Loay hoay gỡ rối

Kim Vũ| 02/06/2011 06:58

(HNM) - Khó khăn trong vay vốn ngân hàng vì tác động của lãi suất tăng cao, nhiều người lao động (NLĐ) đành phải tạm hoãn xuất cảnh. Tình trạng này khiến thị trường XKLĐ vừa mới có nhiều tín hiệu khả quan đã gặp phải những thách thức mới.

Lao động "dở khóc, dở cười"

Anh Nguyễn Văn Tân (quê ở Hưng Yên) cho biết, chưa biết kiếm đâu ra hơn 100 triệu đồng để nộp cho công ty XKLĐ. Cả nhà gom góp, vay mượn được hơn 40 triệu đồng, số tiền còn lại nếu không lo được thì khó mà nghĩ đến chuyện xuất cảnh. Hiện tại phía công ty XKLĐ đã lo xong visa và lịch xuất cảnh, chỉ chờ anh đóng nốt số tiền còn lại là lên đường. Nhưng từ hơn một tháng nay anh Tân làm thủ tục vay vốn ngân hàng thì đều bị từ chối với nhiều lý do khác nhau. Đã gần đến ngày máy bay cất cánh, anh Tân vẫn phải đôn đáo chạy vay thêm tiền, nếu không đi được thì coi như số chi phí học, đào tạo nghề cơ khí, học tiếng của anh mất hết.

Tình trạng này diễn ra hơn hai tháng nay khi mà các ngân hàng không mặn mà với việc cho vay vốn đi XKLĐ do lãi suất tăng cao. Vì vậy, không chỉ riêng anh Tân, hàng trăm người có cùng cảnh ngộ như anh đang "dở khóc dở cười" vì không biết xoay xở thế nào với số tiền trên dưới 100 triệu đồng khi mà họ không thể vay vốn từ ngân hàng. Lùi không được tiến không xong, hiện những người vừa hoàn thành khóa đào tạo, có visa và lịch bay đang thực sự gặp khó khăn, nhất là những lao động vừa về nước từ Lybia khi họ mong muốn được tiếp tục đi XKLĐ.

Nhiều người đang có ý định đi XKLĐ đã chuyển hướng khác khiến cho không ít doanh nghiệp (DN) gặp khó khi thị trường XKLĐ rơi vào tình trạng ảm đạm. Nhiều DN đang tìm mọi cách để đẩy nhanh tiến độ xuất cảnh theo đúng lịch trình của chủ sử dụng nhưng xem ra họ vẫn rất bị động. Đơn cử như theo dự kiến, 100 lao động của Công ty cổ phần XKLĐ Thương mại và Du lịch (TTLC) sang làm việc tại UAE trong tháng 5-2011 nhưng không thể xuất cảnh do NLĐ chưa xoay đủ tiền để nộp. Chỉ có khoảng 3/4 số NLĐ nộp tiền và trong số đó nhiều người chưa nộp đủ số tiền cần thiết vì ngân hàng từ chối cho vay. Rất nhiều lao động sắp xuất cảnh thuộc Công ty cổ phần Simco Sông Đà cũng từ bỏ ý định đi XKLĐ do không vay được tiền ngân hàng, không vay nợ được bên ngoài vì lãi quá cao… Họ đã chấp nhận mất thời gian chờ đợi, mất các khoản phí học giáo dục định hướng, phí làm hồ sơ…

Doanh nghiệp "bó tay" chờ trợ giúp

Theo nhận định của các DN XKLĐ, với tình trạng khó vay vốn này thì thị trường XKLĐ Đài Loan và Trung Đông sẽ vô cùng ảm đạm. Với chi phí từ 40-150 triệu đồng, lại không được hỗ trợ vay vốn từ ngân hàng chính sách mà chủ yếu vay tiền Ngân hàng Thương mại, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, NLĐ nhất là nông dân sẽ không thể mơ đến việc xuất ngoại. Các DN cho biết, họ đã nhiều lần đàm phán với các ngân hàng để tìm cách tháo gỡ nhưng vẫn phải "bó tay". Nhiều DN đành dùng biện pháp cho lao động nợ chi phí xuất cảnh và sẽ trừ dần vào lương sau này. Chẳng hạn như Công ty TTLC đã tính đến phương án mở tài khoản cho lao động tại ngân hàng ở Việt Nam, rồi làm việc với chủ sử dụng lao động nước ngoài, trả lương vào tài khoản đó và nhờ ngân hàng trừ tiền vào tài khoản lương của NLĐ. Phương án này chỉ được tính toán dành cho số lao động đã có visa nhưng không có đủ tiền để xuất cảnh, tránh thiệt hại cho cả NLĐ và DN.

Nếu cứ tái diễn tình trạng này thì việc đạt chỉ tiêu đưa 85.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2011 sẽ rất khó thực hiện. Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân An, Phó Chủ tịch Hiệp hội XKLĐ Việt Nam cho biết, các DN đã kiến nghị nhiều lần và Hiệp hội cũng đã làm việc với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đề nghị tiếp tục thực hiện chính sách ưu tiên cho vay XKLĐ. Ngân hàng cũng cho biết, khi có nguồn vốn thì họ vẫn tiếp tục ưu tiên cho XKLĐ vay. Như vậy, việc vay được vốn hay không hoàn toàn phụ thuộc vào việc huy động vốn của ngân hàng.

Nhiều lao động không thể xuất cảnh được, họ cũng không dễ tìm kiếm được một công việc phù hợp ở trong nước. Có thể nói chủ trương XKLĐ vẫn là một trong những giải pháp quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội những năm tiếp theo. Do vậy, để ích nước lợi nhà, cần có sự can thiệp sâu từ phía các cơ quan hữu quan về vấn đề vay vốn thế nào cho hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động có công ăn việc làm ổn định và góp phần phát triển đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vay vốn đi xuất khẩu lao động: Loay hoay gỡ rối

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.