Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vất vả cân đối thu, chi ngân sách

Hương Ly| 16/04/2013 07:14

(HNM) - Theo Bộ Tài chính, những khó khăn của nền kinh tế đã khiến tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) quý I giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước, báo hiệu một năm khó khăn.


Những khó khăn của nền kinh tế đã thể hiện rõ nét trên số thu ngân sách 3 tháng đầu năm. Tổng thu cân đối NSNN trong quý I đạt 167.710 tỷ đồng, bằng 20,6% dự toán, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó thu nội địa ước đạt 114.040 tỷ đồng, bằng 20,9% dự toán. Số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 41.150 tỷ đồng, bằng 17,3% dự toán cả năm, giảm 7,7%.

Kinh tế khó khăn, việc thu ngân sách cũng bị sụt giảm. Ảnh: Thanh Hải


Theo Bộ Tài chính, số thu NSNN quý I giảm là do nền kinh tế vẫn trong giai đoạn khó khăn. Mặc dù tăng trưởng GDP ước đạt 4,89%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2012 (4,75%), song tốc độ tăng này chủ yếu do khu vực dịch vụ đạt cao. Sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng vẫn gặp nhiều khó khăn. Chỉ số tồn kho của toàn ngành công nghiệp, chế biến, chế tạo tính đến đầu tháng 3 vẫn tăng 16,5% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ ở mức thấp do sức mua rất yếu. Trong bối cảnh thu ngân sách giảm, song các nhiệm vụ chi NSNN vẫn được bảo đảm. Tổng chi NSNN ước đạt 218.385 tỷ đồng, bằng 22,3% dự toán, tăng 6,0% so với cùng kỳ. Các nhiệm vụ chi ngân sách được thực hiện theo đúng dự toán. Nguồn vốn NSNN đã được cấp phát kịp thời, đáp ứng nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, phục vụ sản xuất, khắc phục hậu quả thiên tai và triển khai công tác bình ổn giá...

Nếu so sánh số thu NSNN quý I với cùng kỳ những năm gần đây, có thể thấy tổng thu giảm rõ nét. Bởi hằng năm, tốc độ thu thường đạt khoảng 22-24%, năm nay chỉ đạt 20%. Kết quả này đặt ra những thách thức lớn trong công tác điều hành thu - chi NSNN, đặc biệt là trong bối cảnh Chính phủ phải đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giãn, giảm, miễn thuế cho cộng đồng DN, tạo đà cho kinh tế phục hồi.

Tập trung bồi dưỡng nguồn thu

Nhận xét về việc tốc độ thu NSNN có chiều hướng giảm, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, kết quả này dự báo công tác thu - chi NSNN năm nay sẽ gặp nhiều khó khăn. Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, trọng tâm là tháo gỡ khó khăn cho DN, thúc đẩy phát triển SXKD. Bộ sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách thu, tăng cường quản lý nợ đọng và tiết kiệm các khoản chi NSNN, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển KT-XH của Chính phủ.

Liên quan đến việc giảm thuế suất thuế thu nhập DN (TNDN), Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, thực hiện Nghị quyết 02 của Chính phủ, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nghị quyết về một số giải pháp về thuế tháo gỡ khó khăn cho DN. Theo dự án, có 3 nội dung liên quan tới thuế TNDN, 2 nội dung liên quan tới thuế giá trị gia tăng (GTGT). Nội dung liên quan tới thuế GTGT là kích cầu và hỗ trợ thị trường bất động sản, giảm 50% thuế GTGT đầu ra từ ngày 1-7-2013 đến 31-6-2014; giảm 30% thuế GTGT đối với hoạt động đầu tư kinh doanh bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở là căn hộ có diện tích sàn dưới 70m2.

Trong quá trình thảo luận, có ý kiến đề xuất đưa thuế suất phổ thông thuế TNDN về 20%, có ý kiến là 23%. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu tổng thể các vấn đề, cân nhắc mục tiêu, tác động thu ngân sách, tình hình SXKD của DN để đưa ra một mức thuế hợp lý nhằm tạo thuận lợi cho DN và tạo khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp, thảo luận chi tiết về dự án Luật Thuế TNDN sửa đổi và đưa ra quyết định.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc đẩy mạnh bồi dưỡng nguồn thu, chống thất thu NSNN là hai vấn đề quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Với những chính sách giãn, giảm, miễn thuế của Chính phủ đã thực hiện thời gian qua, mức thuế suất thuế TNDN thực nộp chỉ khoảng 17-18%. Sự hỗ trợ thiết thực, kịp thời của Chính phủ sẽ đóng vai trò quan trọng giúp cộng đồng DN giải phóng hàng tồn kho, phát triển SXKD, qua đó đóng góp tích cực trở lại vào NSNN trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vất vả cân đối thu, chi ngân sách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.