(HNM) - Vượt hàng trăm cây số, phải "tăng bo" bằng xe máy qua hàng chục điểm bị sạt lở, chiều qua, phóng viên Báo Hànộimới đã về đến xã An Hải, huyện Ninh Thuận.
Ba ngày trôi qua, người dân "rốn lũ" Ninh Thuận vẫn chưa hết bàng hoàng bởi lũ về quá nhanh, "nhắm mắt vào, mở mắt ra đã thấy nước ngập ngang người". Hậu quả của đợt lũ này không kém gì cơn "đại hồng thủy" đổ sập xuống Ninh Thuận năm 2003.
Ông Nguyễn Đức Dũng (Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Ninh Thuận) nói với chúng tôi: Trận lũ này, Ninh Thuận mất mát quá nhiều. Tính đến sáng 3-11, toàn tỉnh có 1 người chết, 3 người mất tích; 5.152 nhà bị ngập sâu; 454 nhà bị sập hoặc hư hỏng; gần 13.000ha lúa và hoa mầu chưa kịp thu hoạch bị vùi trong nước và gần như mất trắng; hàng nghìn trâu, bò, dê, cừu bị nước cuốn trôi; hàng chục kilômét đường giao thông, kênh mương bị sạt lở rất nặng; 12 chiếc ghe bị chìm, hàng trăm hécta đìa tôm bị san bằng. Tổng thiệt hại do lũ gây ra khoảng 900 tỉ đồng.
Nhiều khu vực tại Ninh Thuận vẫn bị chia cắt. |
Liệt kê hàng loạt con số, ông Dũng kể: Sau 3 ngày mưa xối xả, nước tại hầu khắp các huyện của tỉnh Ninh Thuận bất ngờ dâng cao. Lượng mưa đo được tại TP Phan Rang - Tháp Chàm lên đến hơn 700mm. Làm một con số so sánh, ông Dũng cho biết, lượng nước đo được trong 3 ngày mưa đã gấp hơn 2 lần lượng mưa trung bình cả năm của Ninh Thuận. Ác nhất là với một vùng thường xuyên bị khô hạn nên Ninh Thuận phải xây dựng hệ thống hồ đập chứa nước. Nay con nước lên nhanh và mưa lớn gây nguy cơ cho hệ thống hồ đập và uy hiếp đến tính mạng, đời sống của hàng ngàn hộ dân trong khu vực.
Trong khi Ban Chỉ huy PCLB tỉnh đang bàn phương án đối phó thì lũ từ thượng nguồn tiếp tục ào ạt đổ về làm nước trên các sông Cái, sông Lu, sông Dinh vượt báo động 3 từ 1m đến 1,5m. Nước lên cao đã làm quốc lộ 27, tuyến giao thông huyết mạch từ TP Phan Rang - Tháp Chàm đi Đà Lạt bị tê liệt hoàn toàn. Tại thôn Cầu Chuối, phường Đô Vinh, khu vực giáp ranh với huyện Ninh Sơn, nước làm sạt lở nặng lòng đường, lưu thông tắc nghẽn, chia cắt vùng này với trung tâm thành phố. Trong khi đó, tại chân đèo Cậu - giáp ranh 2 xã Nhơn Sơn và Mỹ Sơn (huyện Ninh Sơn), lũ đã cuốn phăng một phần đường, cống thoát, làm cô lập hàng trăm nhà dân trong khu vực. Nguy hiểm hơn, lũ dữ đã làm vỡ hồ Phước Trung (Bác Ái) một đoạn dài hơn 50m; tất cả hồ thủy lợi trong tỉnh đã vượt dung tích cho phép, buộc cơ quan chức năng phải xả lũ các hồ Sông Sắt (Bác Ái); Tân Giang (Ninh Phước); Nước Ngọt (Ninh Hải), Sông Trâu (Thuận Bắc). Một số hồ nhỏ như CK7, Bàu Ngứ, Ma Trai, Ba Chi, Thành Sơn, Suối Lớn… nước cũng đã vượt tràn…
Chỉ tính riêng ở thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, nước từ sông Dinh tràn vào, làm ngập chìm hàng trăm nhà dân ở các phường Tấn Tài, Kinh Dinh, Đạo Long, Thành Hải, Mỹ Hương…, với độ sâu 0,5-1,2m. Nhiều đoạn đê sông Dinh của thành phố bị nước lũ tràn qua, uy hiếp hàng trăm hộ ven sông. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, hơn 400 chiến sĩ quân đội, công an, dân phòng được điều động khẩn cấp, dùng bao cát đắp chặn dòng nước dữ. Còn ở một số vùng như thôn Núi Ngỗng và Nha Hố thuộc xã Nhơn Sơn, Nhơn Hải (huyện Ninh Sơn), nước lên ngập mái nhà. Chỗ sâu nhất mà người dân ở đây đo được đến gần 4m.
Ông Nguyễn Đức Thu - Giám đốc Sở NN&PTNT Ninh Thuận, kiêm Phó ban Thường trực Ban Chỉ huy PCLB tỉnh cho biết suốt mấy ngày nay gần 2.000 cán bộ, chiến sĩ thuộc các lực lượng bộ đội đặc công, không quân, biên phòng, quân sự địa phương, công an, dân quân… được huy động, sử dụng các phương tiện đặc dụng như xuồng máy, canô, xe tải để cứu hộ hơn 3.100 hộ dân (trên 12.500 khẩu), trong đó riêng thành phố Phan Rang - Tháp Chàm là 1.900 hộ (gần 7.000 khẩu), còn lại là các huyện Ninh Sơn, Ninh Hải, Ninh Phước, Thuận Nam, Thuận Bắc.
Vừa trở về sau chuyến "cứu nạn, vác bao tải cát ngăn đê", Thượng sĩ Nguyễn Văn Hùng, chiến sĩ Đại đội 5 trinh sát (BCHQS tỉnh Ninh Thuận) kể: Ngay sau khi nhận được lệnh đến khu vực cầu Đạo Long 1 (phường Đạo Long) cứu và sơ tán dân, đại đội của anh lập tức lên đường. Vì lũ cao, nước xiết, chiếc canô cứu hộ bị lật úp. Không còn cách nào, anh em trong đội đành ngụp lặn, dùng sức kéo lại chiếc canô. Trong chuyến đi tưởng như bất thành ấy, đại đội của anh đã cứu được 3 người dân đang tuyệt vọng, bám víu trên nóc nhà xiêu vẹo giữa dòng lũ dữ.
Bao nhiêu thóc gạo trong nhà bị lũ cuốn sạch nhưng anh Tư (nhà ở chân Núi Ngỗng, xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn) lại mừng đến rơi nước mắt. Anh bảo: Hôm ấy không có các bác trên công an tỉnh xuống cứu thì không biết giờ sẽ thế nào. Chẳng là vợ anh Tư vừa sinh cháu trai được mấy ngày. Lũ lên nhanh, ngập đến quá nửa nhà. Vợ yếu, con còn đỏ hỏn, chẳng còn cách nào thoát khỏi biển nước, anh Tư đành ôm vợ con chờ chi viện. Thế rồi, sau hơn nửa giờ luồn lách tránh nhiều trụ điện xiêu vẹo, vướng víu đầy dây, 5 chiến sĩ CSCĐ cùng chiếc canô cập sát nóc nhà anh. Anh Tư mừng rơi nước mắt, trao bé trai sơ sinh cho một chiến sĩ cảnh sát, giọng lạc đi trong mưa: "Cám ơn các anh nhiều lắm…".
Bà Trần Thị Ngái, 64 tuổi ở An Hải bàng hoàng nhớ lại, trận lũ lịch sử hồi tháng 11-2003 đã cao nhưng con lũ năm nay còn cao hơn đến cả mét nước. Nguy hiểm ở chỗ, lũ năm nay lên nhanh và chảy xiết, cuốn phăng tất cả những gì nó gặp. Trong nỗi sợ hãi và xúc động, bà Ngái run run: "Nước lên nhanh quá, hai bà cháu tui đâu có kịp chạy. Không có mấy chú bộ đội cứu, chắc chết…". Giữ được tính mạng trong lũ dữ là quan trọng, nhưng rồi đây, gia đình bà Ngái cùng hàng nghìn hộ dân ở các huyện Ninh Sơn, Ninh Phước, Ninh Hải, Thuận Bắc, Thuận Nam sẽ phải làm gì để ổn định lại đời sống. Bà Ngái nói với chúng tôi mà không cầm được nước mắt, toàn bộ gia sản tích cóp được sau trận lũ lịch sử năm 2003 đến nay lại mất trắng. Lúa mầu, tài sản đều đã theo dòng nước ra sông, ra biển. Rồi đây, không biết sẽ lại mất bao nhiêu năm nữa, những người dân vùng lũ Ninh Thuận mới ổn định được cuộc sống.
Đồng cảm, sẻ chia với những khó khăn mất mát của người dân miền Nam Trung bộ, Ban Biên tập Báo Hànộimới đã cử đoàn công tác vào vùng lũ và trích 30 triệu đồng từ Quỹ Trái tim nhân ái để ủng hộ bà con trong cơn hoạn nạn. Số tiền tuy không lớn nhưng đó là lương tâm, là trách nhiệm của những người làm báo Đảng Thủ đô. Rồi đây, chúng tôi hy vọng sẽ nhận được nhiều hơn nữa sự sẻ chia, hỗ trợ của các nhà hảo tâm trong và ngoài nước, cùng chung tay xoa dịu nỗi đau, những mất mát vùng rốn lũ Ninh Thuận.
- Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết, mưa lũ đã khiến sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa) bị cô lập với các tuyến giao thông đường bộ. Để bảo đảm an toàn cho hành khách, từ ngày 1 đến 2-11, hãng đã hủy 12 chuyến bay nội địa đến, đi từ sân bay Cam Ranh. Đến ngày 3-11, thời tiết tốt hơn, bảo đảm điều kiện khai thác, Vietnam Airlines quyết định sử dụng tàu bay lớn hơn (Airbus A321 thay cho Airbus A320) trên 6 chuyến bay trên tuyến Nha Trang - TP Hồ Chí Minh để giải tỏa hành khách bị mắc kẹt. - Giao thông đường sắt và đường bộ cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, đến nay, hoạt động trên tuyến đường sắt Bắc Nam đã được khôi phục hoàn toàn. Các tuyến quốc lộ trong khu vực đã cơ bản thông tuyến. Nguyễn Đức |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.