(HNMO) - Hình ảnh các bác sĩ trong trang phục bảo hộ sải bước vội vã trên hành lang một cơ sở y tế, được cho là Bệnh viện Đà Nẵng - nơi đang thu hút sự quan tâm của cả nước, đã gây xúc động mạnh. Đó là hình ảnh sống động cho thấy sự dũng cảm và hy sinh thầm lặng của những người trên tuyến đầu trận chiến chống Covid-19.
Tác giả của bức ảnh hóa ra là người không xa lạ - PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, nơi mà hơn 4 tháng trước cũng ở trong tình trạng tương tự Bệnh viện Đà Nẵng những ngày này.
Những "chiến binh" thầm lặng
Sự chia sẻ chóng mặt của bức ảnh chụp từ phía sau những người thầy thuốc cùng những dòng bình luận thể hiện sự ngưỡng mộ, lòng biết ơn của người dân với họ thôi thúc tôi tìm hiểu. Không phải là để thỏa mãn sự tò mò về người đã chớp được khoảnh khắc chân thực ấy, mà vì muốn tìm hiểu xem điều gì khiến tác giả bấm máy.
“Chúng tôi nhận lệnh vào Đà Nẵng ngay trong đêm và ngay sáng sớm hôm sau đã có mặt tại bệnh viện để tìm hiểu tình hình. Chúng tôi rất hiểu tâm trạng lo lắng của các đồng nghiệp, bởi đã từng trải qua cảm giác này khi Trung tâm Bệnh nhiệt đới có điều dưỡng trở thành bệnh nhân số 86. Sau khi trao đổi, cả đoàn đều nôn nóng muốn thăm khám cho bệnh nhân, nhanh chóng đánh giá tình hình nên chúng tôi mặc đồ bảo hộ và di chuyển về khoa Hồi sức cấp cứu. Lúc đó, tôi đi cuối đoàn và suốt dọc hành lang bệnh viện, thấy ánh mắt đầy sự tin tưởng của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và cả các nhân viên y tế dành cho bác sĩ. Nhìn các đồng nghiệp đang lặng lẽ sải bước vào một nơi nhiều nguy cơ nhưng bước chân không chút ngập ngừng, tôi muốn ghi lại khoảnh khắc đó. Bức ảnh được chia sẻ trong nhóm và không rõ ai đã đưa lên mạng xã hội. Tôi cũng bất ngờ vì những gì mình cảm nhận khi nhìn hình ảnh các đồng đội bước vào trận chiến đấu mới lại nhận được nhiều sự đồng cảm của mọi người đến vậy”, PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới chia sẻ.
Không phải lần đầu hình ảnh về những con người trong trang phục bảo hộ đặc biệt đi vào nơi có nguy cơ lây nhiễm cao nhất như trong bức ảnh của PGS.TS Đỗ Duy Cường khiến dư luận “dậy sóng”. Trong suốt những ngày Hà Nội chiến đấu với dịch Covid-19 sau ca bệnh thứ 17, và sau khi cơ sở y tế lớn nhất nước trở thành ổ dịch, đã có biết bao hình ảnh về các thầy thuốc làm lay động lòng người.
Nhưng sau 99 ngày không có ca mắc mới trong cộng đồng, việc phát hiện ca bệnh số 416 khiến người dân lo lắng. Bởi vậy, hình ảnh ghi lại khoảnh khắc các bác sĩ bước đi vội vã, nhưng đầy tự tin và quyết tâm chiến đấu với dịch bệnh đã nhân lên niềm tin và lòng biết ơn đối với những chiến sĩ áo trắng trên tuyến đầu của trận chiến chống “giặc” Covid-19.
Hơn cả sự sẻ chia
Đoàn cán bộ y tế đầu tiên của Bệnh viện Bạch Mai được tăng cường cho Bệnh viện Đà Nẵng gồm các bác sĩ giỏi như PGS.TS Đào Xuân Cơ - Trưởng khoa Hồi sức tích cực, PGS. TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Thạc sĩ Ngô Gia Khánh - Trưởng khoa phẫu thuật lồng ngực, Thạc sĩ Phạm Thế Thạch - Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực… do GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện dẫn đầu đã có mặt tại Đà Nẵng từ ngày 27-7 nhằm giúp Bệnh viện Đà Nẵng tổ chức cách ly, điều trị bệnh nhân.
Khi được tin Đà Nẵng có ca mắc mới trong cộng đồng, Thạc sĩ Phạm Thế Thạch đã xác định sẵn sàng lên đường bởi anh đã có 2 tháng tăng cường cho Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương nên có kinh nghiệm xử lý đối với bệnh nhân Covid-19 phải điều trị tích cực.
“Chúng tôi coi nhiệm vụ này vừa là trách nhiệm, vừa là vinh dự. Cũng có những công việc dang dở, nhưng tôi cũng đã sắp xếp để ưu tiên cho nhiệm vụ quan trọng này. Mấy ngày hôm nay khá vất vả, nhưng chúng tôi quen áp lực công việc và đã từng trải qua thời gian chống dịch trước đây nên cũng không có vấn đề gì”, Thạc sĩ Phạm Thế Thạch chia sẻ.
Bằng những kinh nghiệm quý giá có được từ đợt cách ly toàn bệnh viện hồi tháng 3, cùng trình độ và khả năng chuyên môn của cán bộ lăn lộn ở cơ sở y tế tuyến đầu, đoàn cán bộ y tế của Bệnh viện Bạch Mai đã trở thành chỗ dựa tinh thần vững chắc cho cán bộ y tế các bệnh viện của Đà Nẵng.
Hơn cả sự sẻ chia, các cán bộ y tế tăng cường đã nhìn thấu những vấn đề cần lập tức giải quyết để hạn chế lây lan dịch bệnh, để những ca đã mắc bệnh không trở nên nặng thêm, những ca nặng không tử vong.
PGS.TS Đỗ Duy Cường cho biết, hiện nay, với sự tư vấn và giúp đỡ về chuyên môn của Bệnh viện Bạch Mai, Đà Nẵng đang xây dựng Bệnh viện Phổi thành cơ sở điều trị dành riêng cho bệnh nhân mắc Covid-19. Việc này sẽ giảm tải cho các cơ sở y tế hiện đang bị cách ly bởi mật độ bệnh nhân quá đông và không bảo đảm thoáng khí do thiết kế kín dễ lây lan dịch. Với một ổ dịch, tổ chức cách ly thế nào cho khoa học và hiệu quả là vô cùng quan trọng.
Danh sách ca mắc Covid-19 được công bố mà hầu hết là bệnh nhân, người nhà và cả cán bộ y tế cho thấy những tư vấn, hỗ trợ quyết liệt của các bác sĩ tuyến trung ương thực sự là hỗ trợ kịp thời cho Đà Nẵng vào lúc này.
Sáng nay, đoàn chuyên gia thứ năm gồm các chuyên gia hồi sức cấp cứu, chống nhiễm khuẩn, thận nhân tạo, bệnh nhệt đới và khoa vi sinh cùng đầy đủ phương tiện phòng chống dịch, thiết bị cần thiết của Bệnh viện Bạch Mai đã lên đường vào chi viện cho “tuyến lửa”.
Các bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã tăng cường cho Đà Nẵng. Sự có mặt của họ đã đem lại niềm tin của người dân cả nước vào sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc khẩn trương và hiệu quả của ngành y tế trong trận chiến cam go với dịch bệnh này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.