(HNM)- 5h sáng ngày 6-10, nhóm PV Báo Hànộimới tiếp tục cuộc hành trình tìm đường tiếp cận sớm nhất với các xã đang bị cô lập của các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa - nơi được xem là rốn lũ của tỉnh Quảng Bình - để cập nhật thông tin, đồng thời thăm hỏi, động viên và tặng những phần quà cứu trợ từ Quỹ Trái tim nhân ái của báo tới đồng bào vùng lũ.
Tình người nơi lũ dữ
14h ngày 6-10, tại thị trấn Phong Nha, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, nước còn ngập đến ngang ngực, nhưng có thể lội bộ được, anh Phan Minh Tý, Phó Bí thư chi đoàn xã gói gắm được dăm gói mì tôm và vài chai nước ngọt, dò dẫm lội trong nước sâu, vượt đoạn đường gần 5km tiếp tế cho vợ con đang lánh trên điểm cao thuộc đường Hồ Chí Minh. Theo anh Tý, ngay khi nhận thông tin mưa lớn có khả năng gây lũ lụt trên diện rộng, chính quyền xã Sơn Trạch đã chủ động di dân lên vùng cao và trên khu vực mặt đường Hồ Chí Minh. Nhưng diễn biến bất thường của thời tiết đã khiến cả xã Sơn Trạch, trong đó có thị trấn Phong Nha, hoàn toàn bị động. Lũ lớn về trong đêm 3-10 quá nhanh và quá lớn khiến toàn bộ khu vực bị chia cắt với thế giới bên ngoài. Dù đã chủ động phòng, chống nhưng trong đêm mưa lớn, nhiều gia đình chỉ còn cách trèo lên mái nhà để chờ cứu viện. Nhiều ngôi nhà gần sông Son đã bị lũ cuốn phăng.
Nhiều ngôi nhà ở Quảng Bình ngập chìm trong lũ. Ảnh: Dương Hiệp
Cũng ngay trong đêm lũ về, đội cứu trợ của xã cấp tốc được thành lập gồm nòng cốt là thành viên các ban, ngành, đoàn thể. Các đội viên đã đi thuyền, lái bo bo (một loại xuồng máy) tỏa đi khắp các ngõ ngách để cứu giúp người dân. Phó Bí thư chi đoàn Phan Minh Tý một mình một thuyền đã cứu được hàng chục người dân kẹt trên nóc nhà, đưa về những điểm cao là trụ sở UBND xã, trụ sở CA xã. Nhiều gia đình kinh doanh nhà nghỉ tại Khu du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng nghe lũ xối xả về đã mở rộng cửa đón bà con lên ở nhờ. Trong cơn nguy khó, đạo nghĩa cao đẹp "lá lành đùm lá rách" của dân tộc đã được bà con xã Sơn Trạch phát huy mạnh mẽ. Chị Lê Thị Hiền, thôn Xuân Tiến - người được anh Tý cứu cho biết, trong đêm 3-10, ngoài 3 mẹ con chị, anh Tý đã cứu được hơn 20 người nữa. Chẳng chợp mắt được lấy một phút, từ khi lũ tràn về, anh Tý và rất nhiều người không quản ngại mưa gió, lao mình vào dòng lũ hiểm để cứu người, phân phát hàng cứu đói cho dân.
Sau lũ, hẳn những người dân vùng Phong Nha - Kẻ Bàng còn kể cho nhau nghe những câu chuyện cảm động của Trưởng thôn Xuân Tiến, anh Nguyễn Văn Ninh đã dũng cảm cứu sống được hàng chục người. Con thuyền nhỏ của anh Ninh do chở quá tải đã hỏng và bị lũ cuốn mất. Không nản, anh về nhà lấy bo bo của mẹ vợ quần thảo khắp xã Sơn Trạch, hễ chỗ nào có người bị kẹt lại, cần giúp đỡ là anh lao đến. Hay như anh Lê Văn Điệp, Đội phó đội thuyền du lịch gồm 311 chiếc của xã, trong nhiều ngày qua đã tổ chức nhiều thuyền chở đồ giúp dân và canh chừng dọc 2 bờ sông Son sẵn sàng cứu người...
Mất 3 giờ đồng hồ lội ngang ngực chúng tôi mới tìm được đến trụ sở UBND xã Sơn Trạch, cách đường Hồ Chí Minh hơn 5km đúng vào lúc bữa cơm đạm bạc của lãnh đạo xã được bày ra. Mâm cơm cho cán bộ đã nguội ngắt vì chờ người đi cứu trợ khắp các hang cùng, ngõ hẻm trong xã tụ về, nhưng chẳng mấy khi hội đủ người, ai đói quá thì nhao về ăn ào bát cơm nguội rồi lại đi ngay. Chủ tịch UB MTTQ xã Sơn Trạch Nguyễn Văn Lư cho biết, từ đêm 4-10, khi những xe hàng chở mì tôm và nước đến, đội cứu trợ của xã không quản mưa lớn và nước đang về, tổ chức ngay việc bốc dỡ và phân phối hàng hóa đến từng gia đình. Riêng trong sáng 6-10, lãnh đạo xã Sơn Trạch đã tổ chức nhiều đoàn công tác phân phát hàng chục nghìn gói mì tôm cho bà con. Theo ông Nguyễn Công Trứ, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Trạch, tính đến giờ Phong Nha - Kẻ Bàng nằm sâu trong khu vực vùng quốc gia vẫn là địa phương bị nước cô lập, nhưng nhờ phương châm chủ động "4 tại chỗ", cả xã không có gia đình nào bị đói, thiệt hại về tài sản của người dân chưa thể thống kê nhưng không có thiệt hại về người trên toàn xã.
Từng phút mong chờ chi viện
Đại diện Quỹ Trái tim nhân ái Báo Hànộimới trao hỗ trợ người dân bị thiệt hại.
Trên đường vượt lũ tới một số huyện khác, chúng tôi được đồng nghiệp Báo Quảng Bình và người dân cho biết, thiệt hại về người và tài sản là rất nhiều, rất thương tâm. Trên sông Ranh, chiếc tàu Huy Hoàng trọng tải 840 tấn chở xi măng neo đậu tại cảng Quảng Thuận bị một tàu kéo đứt dây, đắm khiến 5 người chết, hiện chưa tìm thấy xác và cũng chưa biết danh tính. Cũng tại cảng này, 1 tàu nhỏ bị đắm, 1 tàu bị đứt neo trôi ra biển Xa Huỳnh - ông Hồ Xuân Phong người nhà chủ tàu Huy Hoàng cho biết.
Tính đến cuối ngày 6-10, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có 28 người chết, 17 người mất tích. Chị Lê Thị Huệ, thôn 9, xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch, chủ cửa hàng tạp hóa bên đường cho biết, "Tội người dân lắm! Hiện cửa hàng tôi không còn mì tôm, nước mắm, mì chính… thuốc men cũng đã hết sạch, người dân nơi đây đang mong mỏi từng phút có được sự chi viện".
Lãnh đạo UBND huyện Minh Hóa cho biết, tính đến 4h chiều 6-10, toàn huyện có 3.400 hộ dân bị ngập, hai xã Tân Hóa và Minh Hóa bị ngập 100%. Các lực lượng phòng, chống lụt bão, công an, quân đội đã di dời 1.490 hộ dân đến các điểm tập trung an toàn. Nước lũ đang xuống chậm, xã Tân Hóa vẫn đang bị ngập và bị cô lập, phương tiện đi lại chủ yếu bằng thuyền. Sáng ngày 6, trực thăng cứu hộ đã vận chuyển mì tôm, lương khô, nước uống đến cứu trợ cho người dân trong xã. Huyện Minh Hóa có 1.400 hộ đang cần được cứu trợ khẩn cấp, trong đó xã Tân Hóa 600 hộ, xã Minh Hóa 398 hộ, Quy Hóa 140 hộ, còn lại rải rác ở xã Thượng Hóa và một số vùng khác.
Trái tim nhân ái đến với vùng lũ
Đã ba ngày rồi, chị Hồ Thị Cúc, tiểu khu 5, Đội truyền thống, Nông trường Việt Trung, TP Đồng Hới vẫn còn hoảng loạn. Mỗi lần chị gào thét gọi tên con gái, cả gia đình lại ôm nhau khóc. Cô con gái tên Trần Thị Hiên mà anh chị chăm sóc, nuôi nấng suốt 17 năm trời đã vĩnh viễn không về nữa. Trận lũ ác nghiệt trưa 3-10 đã cướp đi nguồn vui, nguồn an ủi lớn nhất của gia đình anh chị. Anh Trần Hữu Chung, chồng chị Cúc nói trong nước mắt: "Hiên là con gái đầu lòng của vợ chồng tôi. Cháu xinh, ngoan, luôn là học sinh giỏi của Trường THPT Việt Trung. Sáng 3-10, Hiên cùng anh chị con nhà bác đi hái rau ở dãy núi cách nhà vài trăm mét. Trời đang sầm sì bỗng trở gió rồi mưa như trút. Nước xối xả dội từ trên nguồn xuống. Ba đứa trẻ vứt rau bỏ chạy, cố thoát khỏi dòng lũ dữ đang như con thú gầm rú sau lưng. Linh tính mách có chuyện chẳng lành, tôi cùng ông nội cháu và khoảng 60 người nữa cắt lũ lao đến nơi các cháu hái rau. Hỡi ôi, khi tới nơi, nước đã ngập trắng một vùng rộng lớn. Anh chị của Hiên may mắn thoát khỏi tâm lũ, còn Hiên thì vĩnh viễn nằm lại ở đó. Mưa lớn, lũ ngày một dâng cao, cả gia đình đốt đuốc trắng đêm đi tìm xác con nhưng vô vọng. Sáng 4-10, mới tìm thấy xác cháu Hiên mắc kẹt dưới khe suối. Đau đớn quá". Thông cảm, sẻ chia với nỗi đau mất mát, Ban Biên tập Báo Hànộimới đã cử cán bộ tới chia buồn và hỗ trợ gia đình anh Chung 3 triệu đồng. Số tiền tuy không lớn nhưng đó là sự sẻ chia, là tình cảm và trách nhiệm của những người làm báo Đảng Thủ đô đối với đồng bào trong cơn hoạn nạn.
Rời Minh Hóa chúng tôi bươn qua mưa tìm tới xã Quảng Tân, huyện Quảng Trạch. Đây là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng do ảnh hưởng mưa lũ mấy ngày qua. Cả xã có 910 hộ với 3.927 nhân khẩu đều bị ngập sâu và bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài. Nhà cửa chìm trong biển nước mênh mông, có những chỗ ngập sâu 3m. Mưa lớn đã khiến phần lớn đàn gia súc, gia cầm, lương thực dự trữ trong dân, giống lúa chuẩn bị cho vụ đông bị nước cuốn trôi. Hàng trăm hécta hoa màu vụ hè thu bị mất trắng. Trong ngày, nhiều người dân vẫn sống trong cảnh thiếu lương thực, nước uống. Thương tâm nhất là cái chết của cụ bà Phan Thị Hậu, sinh năm 1937. Trong đêm mưa lũ kinh hoàng, hai cụ trèo lên gác xép chạy lũ, không may, cụ bà chân yếu, tay mềm rơi xuống nước, ra đi vĩnh viễn bỏ lại cụ ông 85 tuổi sống độc thân. Trong ngôi nhà nhỏ, cụ ông Phan Hữu Nhân và thân nhân gia đình cụ Hậu cảm động rưng rưng nước mắt khi nhận được tình cảm và 3 triệu đồng từ Quỹ Trái tim nhân ái ủng hộ. Lãnh đạo xã thì khẳng định: "Trong lúc nước còn mênh mông, Báo Hànộimới là đơn vị đầu tiên đến cứu trợ. Đây là nguồn động viên lớn đối với chúng tôi, nhất là hiện nay, khi Thủ đô đang vui hội kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội nhưng vẫn không quên bà con miền Trung đang trong cơn hoạn nạn". Trong đợt cứu trợ ở tỉnh Quảng Bình, Quỹ Trái tim nhân ái đã chia sẻ nỗi đau và hỗ trợ mỗi gia đình có người chết, mất tích số tiền 3 triệu đồng.
Chúng tôi rời Quảng Bình mà lòng quặn đau khi được thông báo tỉnh vẫn còn 9 điểm bị chia cắt đã nhiều ngày nay, một số nơi địa hình hiểm trở, người dân vẫn đang chờ đợi từng phút hàng cứu trợ là mì tôm và nước sạch để duy trì sự sống. Quảng Bình đang gồng mình chống lũ và có vẻ như đã kiệt sức trong mênh mông biển nước, cần lắm sự trợ giúp của đồng bào cả nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.