Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vang mãi bản hùng ca Bạch Đằng giang (bài 1)

Nhóm PV PSĐT| 15/04/2013 06:11

LTS: Chỉ còn hai ngày nữa, 17-4-2013 (8 tháng Ba năm Quý Tỵ) là đúng ngày kỷ niệm 725 năm Chiến thắng huyền thoại của quân và dân Đại Việt đập tan đoàn thủy binh xâm lược của giặc Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng.

LTS: Chỉ còn hai ngày nữa, 17-4-2013 (8 tháng Ba năm Quý Tỵ) là đúng ngày kỷ niệm 725 năm Chiến thắng huyền thoại của quân và dân Đại Việt đập tan đoàn thủy binh xâm lược của giặc Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng.

Ngày giỗ trận năm nay đặc biệt ở chỗ, nhân dân Quảng Yên nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung được đón nhận Bằng Di tích quốc gia đặc biệt - Di tích lịch sử Bạch Đằng. Kể từ chiến thắng năm 938 dưới sự lãnh đạo của Ngô Quyền, qua chiến thắng năm 981 dưới tài tổ chức của Thập đạo tướng quân Lê Hoàn, rồi chiến thắng năm 1288 dưới sự lãnh đạo của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và đến nay, sóng nước Bạch Đằng vẫn đổ ra Biển Đông, ngân vang mãi bài ca về những chiến công lừng lẫy đánh đuổi quân xâm lược của cha ông ta từ ngàn xưa.

Bài 1: Tìm lại dấu xưa hào hùng

Đứng trên doi đất phía sau đền thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn có tên chữ "Bạch Đằng linh từ" và ngay cạnh miếu Vua Bà, phóng tầm mắt ra sông Bạch Đằng, sóng nước lớp lớp cuồn cuộn đổ về. Gió Đông bắc thổi căng lá cờ chính trước cửa đền. Những hạt mưa lây phây rơi xuống vai áo, mái tóc của những người đi lễ. Doi đất dựng đền, dựng miếu này trước đây vốn là bến đò Rừng cổ. Hôm nay, cách bến đò cổ khoảng gần một cây số, những chuyến phà vẫn miệt mài đưa người và xe qua lại giữa Quảng Yên (Quảng Ninh) và Thủy Nguyên (Hải Phòng).

Rước kiệu tại lễ hội Bạch Đằng.


Những huyền tích về chiến thắng

Chính sử chỉ ghi lại những diễn biến chính của trận Bạch Đằng liên quan đến vương triều Trần và những tướng lĩnh. Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, NXB KHXH, Hà Nội năm 1985, chỉ có 16 dòng về chiến thắng Bạch Đằng năm 1288. Nhưng những truyền thuyết, thần tích, đền thờ, miếu mạo liên quan và thực địa cho thấy trận đánh này có phạm vi khá rộng. Nếu không có sự đóng góp công sức, trí tuệ của nhân dân thì sẽ khó có được chiến thắng lẫy lừng non sông như thế.

Phần đóng góp của nhân dân vùng Quảng Yên xuất hiện trong các truyền thuyết, thần tích, ca dao, tục thờ cúng của nhân dân và trong thần phả của một số dòng họ. Những truyền thuyết, thần tích, thần phả về chiến thắng Bạch Đằng được hình thành trong dân gian sau chiến trận, ít nhiều mang tính chất thần bí nhưng thường gắn với sự kiện, nhân vật và sự tích lịch sử liên quan.

Người dân ở Quảng Yên hiện vẫn còn truyền khẩu câu ca dao "Tháng Tám trâu bò ra/Tháng Ba trâu bò về" liên quan đến lịch con nước triều ở vùng cửa sông Bạch Đằng. Theo các cụ cao niên, câu ca dao có nghĩa là vào tháng Tám âm lịch khi nào trâu bò ra đồng làm ruộng là lúc con triều rút; còn tháng Ba âm lịch khi nào trâu bò từ đồng về chuồng là lúc nước rút. Câu ca dao này được gắn với truyền thuyết về miếu Vua Bà và cây quyếch tương truyền mấy trăm năm tuổi. Bên bến đò Rừng cổ có một cây quyếch cổ thụ. Dưới cây này là một quán nước. Bà chủ quán nước nắm chắc lịch con nước, địa thế lòng sông, lúc nào nước lên, lúc nào nước xuống, chỗ nào có ghềnh đá, đoạn sông nào nước sâu. Chính bà hàng nước đã đọc câu ca dao trên và giải thích kỹ lưỡng cho Trần Hưng Đạo về lịch con nước. Không những thế, bà còn hiến kế "trại An Hưng có nhiều cỏ cây dễ cháy, hãy làm bè mảng mà thiêu đốt thuyền giặc". Nhờ đó, Trần Hưng Đạo đã bày binh bố trận hợp lý, cắm cọc nơi hiểm yếu kết hợp với dải đá ngầm Ghềnh Cốc và Ghềnh sông Chanh, bịt đường thoát ra Biển Đông của đoàn thuyền binh Nguyên Mông. Sau chiến thắng, Trần Hưng Đạo quay lại bến đò Rừng cổ tìm bà hàng nước để tạ ơn, nhưng không thấy bà đâu mà chỉ thấy một đống mối rất to đùn lên nơi bà ngồi hằng ngày. Cảm kích trước công ơn, Trần Hưng Đạo đã xin vua Trần sắc phong bà là Vua Bà rồi sai quân sỹ lập miều thờ. Miếu ấy, (cây quyếch ấy nay vẫn còn) được người dân gọi là miếu Vua Bà.

Ông Lê Đồng Sơn, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Quảng Yên là người dành nhiều tâm huyết nghiên cứu về chiến thắng Bạch Đằng cho rằng, miếu Vua Bà và truyền thuyết Vua Bà vừa phản ánh tục thờ mẫu của cư dân sông nước vừa ánh xạ về những đóng góp của nhân dân trong chiến thắng ngày 8 tháng Ba năm Mậu Tý (1288). Ông đồ rằng, chính người dân sông nước đã "mách bảo" Trần Hưng Đạo những nơi hiểm yếu để cắm cọc, lịch nước triều lên xuống để đưa giặc vào trận thế đã giăng sẵn.

Người dân trên đảo Hà Nam (thị xã Quảng Yên) còn có truyền thuyết Trần Hưng Đạo búi lại tóc trong lúc đánh giặc. Đình Trung Bản, xã Liên Hòa thờ tượng Trần Hưng Đạo xổ tóc dài tới ngang thắt lưng ở hậu cung. Bức tượng gỗ này đẹp nổi tiếng về điêu khắc cổ. Tương truyền, trong chiến trận Bạch Đằng năm đó, Trần Hưng Đạo cưỡi con ngựa hồng to lớn chỉ huy quân sỹ tiêu diệt quân Nguyên Mông bỏ thuyền chạy lên những khu đất cao thuộc khu vực đảo Hà Nam ngày nay. Trong lúc say đánh giặc, Ngài bị xổ tóc nên đã dừng lại, chống kiếm để búi lại tóc. Sau này, dân làng lập đình thờ Ngài làm Thành hoàng. Người dân Quảng Yên còn lưu truyền câu ca dao: "Sông Bạch Đằng là nơi cửa ải/ Tổng Hà Nam là bãi chiến trường". Sự gắn kết giữa truyền thuyết Trần Hưng Đạo búi lại tóc với câu ca dao trên phần nào phản chiếu sự ác liệt của trận đánh trong tâm thức nhân dân vùng cửa sông.

Ngoài những truyền thuyết kể trên, những huyền tích về "Tứ vị Thượng đẳng thần" với hiệu lệnh phát hỏa, truyền thuyết Lưu kỳ và Lưu kiếm ở bên Thủy Nguyên, cùng nhiều đền thờ, gia phả của nhân dân đã cho thấy sự đậm đặc của chiến thắng lịch sử này trong tâm thức nhân dân.

Những bãi cọc - bằng chứng lịch sử

Trận địa cọc 725 năm về trước hiện còn 3 di tích đã được khai quật khảo cổ nhiều lần. Được biết đến sớm nhất là bãi cọc ở đầm Nhử (phường Yên Giang), rồi đến bãi cọc ở đồng Vạn Muối (phường Nam Hòa) và gần đây nhất phát lộ là bãi cọc ở đồng Má Ngựa cũng thuộc phường Nam Hòa.

Năm 2005, trong khi đào ao thả cá, ông Đặng Tiên Phong và những người đào ao đã phát hiện nhiều cọc gỗ cách đồng Vạn Muối khoảng 1,5km về phía Đông nam trên đất của thôn Hưng Học. Bãi cọc này được các nhà khảo cổ trong nước và quốc tế khảo sát năm 2009 và khai quật năm 2010. Trong đợt khai quật, sau khi đào 5 hố rộng gần 300m2 trong ao cá nhà ông Phong và 2 hố thám sát trong các cánh ruộng phía Bắc và phía Tây, các nhà khảo cổ đã phát hiện 58 cọc, chưa kể các cọc lộ thiên trên mặt ao đã được ghi lại năm 2009. Kết quả phân tích do Đại học Lâm nghiệp tiến hành đã xác định 5 mẫu gỗ thu được từ các cọc phát lộ năm 2010 là các loại cây: lim xẹt, chò chỉ, giẻ đỏ, chò nâu, chẹo tía.

Bãi cọc đồng Vạn Muối được nhân dân phát hiện trong quá trình canh tác. Thậm chí một cọc được lấy đem về làm cọc rơm, mái nhà, chuồng lợn… Đến năm 1995, người dân đào ao thả cá phát hiện thêm nhiều cọc quanh khu vực này. Năm 2005, Viện Khảo cổ học đã phối hợp với Sở VH,TT&DL khảo sát tổng thể và khai quật di tích này nhằm xác định phạm vi phân bố và tính chất của di tích, phục vụ cho việc lập hồ sơ công nhận và xây dựng kế hoạch bảo vệ.

Bãi cọc đầu tiên được phát hiện là ở đầm Nhử (phường Yên Giang). Khoảng năm 1953, trên cánh đồng nước xã Yên Giang (huyện Yên Hưng nay là thị xã Quảng Yên), người dân đã phát hiện có nhiều cọc gỗ trồi lên mặt đất ở khu vực gần nhà máy kẽm phía tả ngạn sông Chanh, cách ngã ba sông Chanh và sông Bạch Đằng hơn 400 mét về phía Đông. Sau đó, một số người dân đã tự động đào cọc đem lên mặt đất. Thống kê cho thấy, người dân đã lấy lên khoảng 200 cọc gỗ trong số hơn 50 hố đào. Do được phát hiện từ lâu nên bãi cọc này đã trải qua 5 lần khai quật. Đặc biệt, năm 1976, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã khai quật lần thứ 3 bãi cọc này và phát hiện hai loại vồ dùng để đóng cọc gồm một vồ loại nhỏ và 4 cái vồ loại to.

Dẫn chúng tôi ra bãi cọc ở đầm Nhử, cán bộ phường Yên Giang nói: "Mấy bữa nay có mưa, nước đục nên các nhà báo khó nhìn thấy phía dưới". Hiện nay, chỉ có duy nhất bãi cọc ở đầm Nhử là nhìn thấy đầu cọc, bởi vì theo các nhà khảo cổ, phải để cọc chìm dưới nước và bùn mới bảo tồn được lâu. Nếu tháo cạn nước cọc sẽ phân hủy rất nhanh.

Ngoài các bãi cọc đã phát hiện và khai quật, theo kết quả khảo sát từ năm 2009 đến nay, nhân dân thông báo đã phát hiện nhiều cọc gỗ ở một số địa điểm trong cánh đồng ở phía Bắc chân núi phường Cộng Hòa (thị xã Quảng Yên), khu vực ngọn Sông Kênh (phường Nam Hòa). Điểm đáng lưu ý là địa hình tại các khu vực này đều cho thấy dấu vết của các đường nước cổ.

Đặc biệt, TS Lê Thị Liên (Viện Khảo cổ học) cho biết, đợt khảo sát và khoan thăm dò tại khu ruộng Long Thong (phía nam đồng Má Ngựa) vào năm 2012 đã phát hiện các mảnh gỗ có dấu vết chế tác trong lớp vỏ hà lớn, cách mặt ruộng từ 1,6 đến 2,4 mét. Phát hiện này giúp những nhà nghiên cứu có thể đặt ra giả thiết về sự tích tụ các tàn dư của trận chiến. Đấy chính là tín hiệu khả quan cho việc phát hiện các dấu vết tàu đắm của chiến thắng hào hùng này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vang mãi bản hùng ca Bạch Đằng giang (bài 1)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.