(HNM) - Sau khi giảm sâu, xuống mức thấp nhất trong ngót 13 năm, giá dầu Mỹ đã bật tăng trở lại trong phiên giao dịch cuối tuần qua.
Nhiều quốc gia đang cơ cấu lại ngành dầu khí trong bối cảnh cung - cầu quá chênh lệch. |
Cú "trở lại" của giá dầu Mỹ diễn ra sau tin Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) có thể sẽ "bắt tay" với các nhà sản xuất "vàng đen" khác để bình ổn thị trường năng lượng. Cụ thể, giá dầu ngọt nhẹ của Mỹ giao tháng 3-2016 đã tăng tới 3,23 USD (12,3%) lên 29,44 USD/thùng, ghi nhận mức tăng lớn nhất kể từ tháng 2-2009.
OPEC sẵn sàng liên kết với các nhà sản xuất dầu mỏ lớn để cắt giảm sản lượng - nhằm đẩy giá dầu - được Bộ trưởng Năng lượng Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE) Suhail Al Mazrouei "tiết lộ" với Hãng tin Sky News Arabia. Đây là chỉ dấu tích cực về cục diện của thị trường năng lượng trong những ngày tới. Ngoài ra, giá dầu đang vào đà tăng còn do báo cáo mới nhất từ Công ty Dịch vụ dầu khí Baker Hughes rằng số giàn khoan đang hoạt động tại Mỹ đã giảm 6% xuống còn 439 giàn, tương đương số giàn khoan trong năm 2010. Điều này cho thấy Mỹ cũng đang "cơ cấu" lại ngành khai thác dầu mỏ trong bối cảnh cung - cầu trên thị trường quá chênh lệch, khiến giá "vàng đen" liên tục lao dốc.
Giá dầu đã giảm hơn 70% kể từ mức đỉnh hồi tháng 6-2014 khi các nước sản xuất lớn nhất thế giới như Arab Saudi, Nga và Mỹ liên tục "bơm" dầu với tốc độ kỷ lục nhằm giành và giữ thị phần. Sự chia rẽ bấy lâu trong OPEC vẫn duy trì khiến một thỏa thuận về mức trần sản xuất hay cắt giảm sản lượng trở thành viễn cảnh xa vời. Những nhà xuất khẩu hàng đầu như Arab Saudi và các quốc gia vùng Vịnh đã kiên quyết không cắt giảm sản lượng, sẵn sàng chịu mức giá thấp trong bối cảnh dư cung dầu toàn cầu đã quá rõ ràng. Giám đốc điều hành Tập đoàn Dầu mỏ quốc gia Kuwait Nizar al-Adsani cho biết, nguồn vốn đầu tư cho khai thác và sản xuất dầu mỏ toàn cầu đã giảm 20% trong năm 2015 so với tổng mức đầu tư 850 tỷ USD của năm trước đó.
Đây được coi là một chiến lược để bảo vệ thị phần của "vựa dầu" thế giới khi đối mặt với sự cạnh tranh từ Mỹ. Chiến lược này dường như đã thành công khi các nhà sản xuất Mỹ, có chi phí sản xuất cao hơn, đã phải đóng cửa một loạt giàn khoan và hủy bỏ nhiều dự án. Trong khi đó, Iran, một thành viên của OPEC vừa trở lại thị trường sau nhiều năm bị cấm vận, không thấy có lý do để cắt giảm sản lượng khai thác nhằm bù đắp ngân sách sau hàng thập kỷ cấm vận. Sự trở lại của Iran khiến sản lượng khai thác dầu của OPEC tăng vọt lên 32,6 triệu thùng/một ngày, cao nhất trong nhiều năm, làm tăng khối lượng dư thừa lên hơn 1 triệu thùng/một ngày so với nhu cầu.
Không khó nhận thấy, các nhà sản xuất dầu mỏ đang đối mặt với một năm rất "khó chơi". Giá dầu được dự báo sẽ "thê thảm" trong cả thập kỷ tới khi kinh tế Trung Quốc giảm tốc và dầu đá phiến của Mỹ luôn là chướng ngại khó vượt của bất kỳ đà tăng nào. Nhiều nhà máy lọc dầu với lợi nhuận cao hơn kỳ vọng cũng đang nhận thấy một viễn cảnh không mấy tươi sáng. Trong bối cảnh như vậy, Arab Saudi - nước có tiếng nói lớn nhất trong OPEC và Nga đã thật sự "sốt ruột" và thấy đã đến lúc phải cải thiện bức tranh giá dầu.
Với các chi phí an ninh và xã hội lớn, giá dầu quanh quẩn ở mức 30 USD/thùng đang gây khó cho không chỉ các quốc gia vùng Vịnh. Arab Saudi từng tuyên bố có thể chịu đựng giá dầu thấp trong một thời gian dài. Song, tuyên bố này bị nghi ngờ vì quốc gia vùng Vịnh đã buộc phải thực hiện chính sách "thắt lưng buộc bụng" vào năm ngoái. Năm 2015, ngân sách của Arab Saudi bị thâm hụt gần 100 tỷ USD. Với tình thế như vậy, Arab Saudi được cho là sẽ không thể tiếp tục cuộc chơi "bán tháo" và buộc phải đề xuất cắt giảm sản lượng.
Tuy nhiên, dù giá dầu Mỹ vừa có mức tăng một ngày lớn nhất trong 7 năm qua song đó không phải là dấu hiệu giá dầu sẽ sớm trở lại mốc 100 USD/thùng, hoặc thậm chí 40 USD/thùng. Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cũng đồng ý với nhận định này và dự báo, thừa cung sẽ khiến giá dầu thấp hơn 40 USD/thùng ít nhất đến tháng 8 năm nay. Cùng với dự báo của EIA, lựa chọn từ OPEC trong những ngày tới sẽ quyết định hướng đi mới của giá dầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.