Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vẫn trông chờ vào doanh nghiệp

Linh Nhi| 28/09/2010 07:18

(HNM) - 60% công nhân lao động (CNLĐ) không xem vô tuyến, 85% không đọc sách báo, 80% không tập thể dục, 65% không tham gia các hoạt động văn hóa. Đó là thống kê mới nhất của LĐLĐ TP qua điều tra tại 45 doanh nghiệp.

Con số này chứng minh, đời sống tinh thần của CNLĐ hiện nay còn quá nghèo nàn. Song, điều đáng nói là, không hoàn toàn do CNLĐ không có nhu cầu nâng cao đời sống tinh thần, mà một phần quan trọng do các "nhà quản lý" chưa quan tâm đúng mức tới việc xây dựng các thiết chế văn hóa và tạo điều kiện để họ tham gia.

Quá ít nơi hội tụ của công nhân

Được khánh thành và đưa vào sử dụng đúng dịp chuẩn bị đón Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, điểm sinh hoạt văn hóa (SHVH) cho CNLĐ ở thôn Xuân Bách (xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn), một trong những điểm văn hóa đầu tiên dành cho CNLĐ ở KCN Bắc Thăng Long là món quà của tổ chức Công đoàn Thủ đô với người LĐ. Một phòng rộng 60m2 trang bị đầy đủ về cơ sở vật chất như quạt, bàn, ghế, dàn karaoke và hơn 200 đầu sách, báo, tạp chí... cùng khoảng sân rộng 400m2, điểm SHVH không chỉ nâng cao kiến thức cho CNLĐ mà còn là nơi luyện tập thể chất, giao lưu, thi đấu thể thao, văn hóa, văn nghệ. Qua đó, giúp CNLĐ xua đi nỗi mệt nhọc sau giờ làm việc.

Lễ ra mắt điểm sinh hoạt văn hóa tại Nhà máy nhựa Vinh Hạnh Hà Đông.

Anh Nguyễn Mạnh Thắng, công nhân Công ty Canon phấn khởi nói, điểm SHVH là niềm mong ước của anh cũng như nhiều CNLĐ ở KCN, bởi trước đó, sau mỗi buổi tan ca về nhà trọ, anh chỉ biết xem tivi rồi đi ngủ. Bây giờ, thời gian rảnh là anh lại tranh thủ đến điểm SHVH, mặc dù nơi này cách khu ở của anh gần 3 cây số. Đến đây, anh có dịp cùng bạn bè chơi cầu lông, bóng bàn, tìm kiếm thông tin mới qua sách báo. Trên thực tế, điểm SHVH không chỉ là "điểm đến" lý tưởng cho công nhân, mà nhiều người dân địa phương cũng đến đọc sách, báo, xem tivi hoặc tra cứu văn bản pháp luật.

Ngoài điểm SHVH ở KCN Bắc Thăng Long, điểm SHVH cho CNLĐ tại Nhà máy nhựa Vinh Hạnh (ở phường Vạn Phúc, Hà Đông) được đưa vào sử dụng cách đây 1 năm cũng đã phát huy tốt hiệu quả nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho hơn 600 CNLĐ tại Nhà máy. Bà Phan Thanh Hằng, Chủ tịch CĐ nhà máy khẳng định, từ ngày đưa vào sử dụng đến nay, điểm SHVH vừa đáp ứng được nhu cầu đọc của CNLĐ, vừa là nơi để họ gặp gỡ, giao lưu, trao đổi, chia sẻ kiến thức, thậm chí, điểm SHVH còn "giúp" nhiều bạn trẻ đã "tìm được nửa kia của mình"...

Ý nghĩa thiết thực của các điểm SHVH thì đã rõ, song trên thực tế toàn TP chỉ có 3 điểm SHVH được xây dựng, ngoài hai điểm kể trên, điểm SHVH dành cho CNLĐ Công ty Môi trường đô thị dự kiến được khánh thành trong vài ngày tới tại Sóc Sơn. Song, để chủ trương phát triển nhiều điểm SHVH của LĐLĐ TP thành hiện thực, còn nhiều điều phải bàn.

Cần có cơ chế bắt buộc

Hiện nay, TP Hà Nội có 12 KCN tập trung, 23 cụm công nghiệp, trên 80 nghìn doanh nghiệp, với tổng số trên 1,5 triệu CNLĐ. Thu nhập của hầu hết CNLĐ còn thấp, trung bình 1,7 triệu đồng/người/tháng. Phần lớn trong số họ phải thuê nhà trọ với giá rẻ để ở, nên đời sống tinh thần rất hạn chế. Do đó, nhu cầu được tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, được hưởng thụ các giá trị kiến thức của CNLĐ đã và đang trở nên bức thiết.

Trước thực trạng đó, tổ chức Công đoàn Thủ đô đã đầu tư kinh phí hỗ trợ xây dựng một số điểm SHVH cho công nhân, đồng thời kêu gọi sự quan tâm của các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với việc chăm lo đời sống tinh thần cho người LĐ trực tiếp. LĐLĐ Hà Nội xác định 3 mô hình điểm SHVH. Đó là mô hình điểm SHVH cho công nhân tại khu nhà ở công nhân do DN xây dựng; điểm SHVH công nhân tại KCN và KCX; mô hình điểm SHVH tại khu dân cư, hướng tới mục tiêu các mô hình này sẽ "phủ kín" những nơi có CNLĐ cư trú.

Ông Kiều Hùng, Trưởng ban Tuyên giáo LĐLĐ TP Hà Nội cho biết, đầu tháng 9-2010, LĐLĐ TP ban hành quyết định về việc thành lập Ban chủ nhiệm nghiên cứu xây dựng, triển khai đề án "Điểm SHVH cho công nhân". Đây là chủ trương thiết thực của tổ chức Công đoàn, nhằm chăm lo tốt hơn đời sống tinh thần người lao động. Tuy nhiên, việc xây dựng điểm SHVH cho công nhân là vấn đề lớn, đòi hỏi có kinh phí, địa điểm, do vậy một mình Công đoàn không thể thực hiện được, rất cần sự vào cuộc của các cấp, ngành, nhất là các doanh nghiệp...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vẫn trông chờ vào doanh nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.