Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vẫn thiếu trường lớp

Thùy Linh| 20/08/2011 07:09

(HNM) - Gần một triệu học sinh tiểu học, THCS và THPT ở TP Hồ Chí Minh đã bước vào năm học mới 2011-2012. Năm nay, tình trạng thiếu trường, thiếu phòng học càng trầm trọng hơn khi lượng người nhập cư gia tăng.


Tại Hội nghị chuyên đề "Kế hoạch năm học 2011-2012" do HĐND và UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 16-8, Giám đốc Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh Lê Hồng Sơn cho biết, năm học 2011-2012, TP đưa vào sử dụng 1.095 phòng học mới với tổng vốn đầu tư hơn 1.030 tỷ đồng. Kinh phí sửa chữa, nâng cấp, mua sắm trang thiết bị trong đợt 1 là 49 tỷ đồng. Theo kế hoạch, trong đợt 2 sẽ có 164 dự án xây mới và sửa chữa với tổng kinh phí hơn 804 tỷ đồng.


Lượng học sinh tăng nhanh, thiếu lớp học nên nhiều trường phải “hy sinh” chuẩn.

Dù đã nỗ lực nhưng TP Hồ Chí Minh vẫn trong tình trạng thiếu trường lớp. Số học sinh (trong một lớp) và số lớp học luôn vượt xa dự kiến, làm khổ cả thầy lẫn trò nhất là ở cấp tiểu học. Theo quy định, mỗi trường tiểu học không quá 30 lớp, mỗi lớp không quá 30 học sinh, thế nhưng tình trạng số học sinh lên tới 50 em/lớp, thậm chí cao hơn, vẫn phổ biến. Ông Đặng Văn Tuấn, Trưởng phòng Giáo dục quận Gò Vấp, cho biết, bình quân sĩ số học sinh trong một lớp học của quận là 48,7 em. Năm nay quận này lại có thêm 2.196 học sinh, nâng tổng số học sinh lên 77.430 em. Trong khi đó, toàn quận chỉ có 1.597 phòng học, thiếu đến 484 phòng so với quy định. Không chỉ sĩ số tăng cao, thậm chí có nơi còn thiếu cả trường học, như các phường 7, 10, 11 của quận 10 không có trường tiểu học, phường 8 của quận 6 chưa có trường mầm non công lập…

Những năm gần đây, dân số TP Hồ Chí Minh tăng khá nhanh, phần lớn là người nhập cư, gây áp lực cho cơ sở vật chất ngành giáo dục. Ông Trần Trọng Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho biết, tốc độ tăng dân số cơ học của quận rất cao, bình quân mỗi năm trên dưới 30.000 người, nên việc đáp ứng cơ sở vật chất, trong đó có giáo dục, hết sức khó khăn. Quận Bình Tân cũng có số người nhập cư tăng nhanh năm nay đón thêm hơn 5.800 học sinh các cấp. Ông Nguyễn Trọng Cường, Trưởng phòng GD-ĐT quận Thủ Đức, trăn trở: Năm nay có 4.200 học sinh lớp 5 ra trường thì có đến 6.200 học sinh vào lớp 1, có 3.400 học sinh lớp 9 ra trường thì số học sinh vào lớp 6 là 4.300 em".

Trong khi nhu cầu về trường lớp tăng lên thì việc đầu tư xây dựng lại chậm lại. Trưởng phòng Giáo dục quận Gò Vấp Đặng Văn Tuấn cho biết, "năm 2010, TP đã bố trí kế hoạch vốn chuẩn bị đầu tư cho 6 dự án bồi thường giải tỏa và 12 dự án xây dựng trường học nhằm khắc phục tình trạng quá tải về trường lớp trên địa bàn quận, nhưng sang năm nay lại không bổ sung vốn cho các dự án này khiến việc thi công bị chậm lại". Thực ra, không chỉ có Gò Vấp mà tình trạng này đang diễn ra ở nhiều quận, huyện khác.

Theo bà Đào Thị Hương Lan, Phó giám đốc Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh, đầu tư cho giáo dục được TP xác định là trọng tâm, trọng điểm, nên vốn đầu tư tăng đều qua các năm. Năm nay, TP đã bố trí ghi vốn cho ngành giáo dục là 5.250 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo Nghị quyết 11 thì những dự án khởi công mới phải dừng, trừ những công trình trọng tâm trọng điểm như phòng chống lụt bão, an ninh quốc phòng. Tháng 6 vừa qua, Bộ Kế hoạch Đầu tư lại "siết" chặt hơn khi quy định những công trình mà Nghị quyết 11 cho phép trước kia, thay vì địa phương được quyết thì nay phải báo cáo, trình Bộ Kế hoạch Đầu tư xét duyệt, vì vậy mà nguồn vốn càng khó khăn hơn.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh, đánh giá: "Mặc dù chất lượng giáo dục đã được nâng lên, nhưng sự chăm lo cho giáo dục thì chưa thể gọi là bằng lòng". Chủ tịch HĐND TP cũng cho rằng, "cắt giảm đầu tư công là chủ trương đúng đắn, nhưng cắt phải có trọng tâm, trọng điểm chứ không thể cắt giảm đại trà, tràn lan, thiếu tập trung như hiện nay". Thực trạng thiếu trường, thiếu lớp ở TP Hồ Chí Minh cho thấy, chính quyền TP cần sớm phân bổ lại các dự án đầu tư công trên địa bàn, đồng thời chỉ đạo các sở, ngành giải quyết nhanh nhất những vướng mắc về xây dựng cơ sở vật chất cho trường học.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vẫn thiếu trường lớp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.