Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vẫn thiếu “nhạc trưởng”

Đào Huyền| 30/05/2012 06:42

(HNM) - Câu chuyện liên kết


Theo Bộ NN&PTNT, tỷ lệ nông sản tiêu thụ qua hợp đồng mới đạt vài phần trăm, như lúa hàng hóa trên 2,1%, chè 9%, rau quả 0,9%... Nguyên nhân chủ yếu là nông dân, doanh nghiệp (DN), Nhà nước và nhà khoa học vẫn chưa gắn kết được với nhau. Lâu nay, người ta vẫn nói liên kết "bốn nhà" nhưng thực tế mới chỉ khâu nối được nông dân với DN chứ vai trò nhà khoa học, nhà quản lý còn vắng bóng. Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vốn là vựa lúa của cả nước, tuy nhiên nông dân vẫn sản xuất theo phương thức cũ, không có định hướng rõ, sản xuất không theo nhu cầu thị trường, đây là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng giá gạo lên xuống thất thường. Dù được khuyến cáo rất nhiều song nông dân ĐBSCL vẫn trồng các giống lúa cho chất lượng gạo thấp nên lượng gạo tồn đọng khá nhiều, trong khi vừa qua việc tiêu thụ gạo thơm, gạo chất lượng cao ký được nhiều hợp đồng. Điều này thể hiện sự thiếu quan tâm, gắn kết của nhà quản lý và nhà khoa học đối với nghề trồng lúa. Mặt khác, bản thân nông dân và DN cũng chỉ hợp đồng có tính thời vụ, thiếu bền vững.


Thu hoạch rau an toàn tại xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Bá Hoạt

Xã Văn Đức, huyện Gia Lâm nổi tiếng là vùng rau an toàn (RAT) của Thủ đô, diện tích chuyên canh 250ha, sản lượng 45-50 tấn/ngày. Tuy nhiên, hiện chỉ có duy nhất Công ty TNHH Hương Cảnh bao tiêu 3-4 tấn rau/ngày, đạt 6-8%. Còn lại người nông dân mang rau đến các chợ đầu mối, chợ dân sinh để tiêu thụ. Chủ tịch UBND xã Văn Đức Nguyễn Văn Hùng cho biết, chưa có đầu ra ổn định nên RAT bị cạnh tranh với rau thường trôi nổi trên thị trường. Có thời gian rau Trung Quốc nhập vào Việt Nam nhiều, việc tiêu thụ rau gặp nhiều khó khăn. Đó là tình trạng chung xảy ra đối với các mặt hàng chủ lực như trái cây, cà phê, hoa, rau… Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng cho rằng, nói là "bốn nhà", nhưng thực chất chỉ có nông dân và DN. Điều quan trọng là nông dân phải liên kết lại, tiếp cận được quy trình sản xuất hiện đại dưới sự hỗ trợ của Nhà nước và DN. Nếu DN mua sản phẩm chất lượng kém, sản xuất cung cầu mất cân đối sẽ gây thiệt hại cho cả nông dân và DN.

Liên kết từ khâu sản xuất

Đề án mới của Bộ NN&PTNT đang hoàn thiện đề ra mục tiêu: Đối với lúa hàng hóa, đến năm 2015 tiêu thụ được 2%, đến năm 2020 "phấn đấu" lên 20%; RAT đến năm 2015 tiêu thụ 2% và đạt 30% vào năm 2020. Còn các loại trái cây, cà phê, chè sạch cũng chỉ đặt mục tiêu đạt lượng tiêu thụ qua hợp đồng từ 15% đến 20% vào năm 2020. Để đạt được mục tiêu trên điều cốt yếu phải thực hiện liên kết từ khâu sản xuất. Tại hội thảo liên kết "bốn nhà" trong tiêu thụ lúa hàng hóa tại Hà Nội mới đây, bà Trần Thị Kim Liên, Công ty cổ phần Giống cây trồng trung ương cho rằng, phải gắn DN với nông dân ngay từ khâu sản xuất. Khi tham gia mô hình liên kết, người dân sẽ sản xuất theo đúng quy trình và cung cấp sản phẩm bảo đảm chất lượng, nên DN chủ động được nguồn nguyên liệu. Song để có một vùng nguyên liệu lớn, đồng đều, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ như vốn, quy hoạch các khu sản xuất nông sản tập trung... TS Lê Đức Thịnh, Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn cho rằng, hạn chế hiện nay trong bài toán liên kết "bốn nhà" là chưa xác định được "nhạc trưởng" trong đó, phải xác định được địa chỉ cụ thể trong chuỗi liên kết đó, như thế các "nhà" mới gặp được nhau.

Mặt khác, chính việc sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, mang tính thời vụ, thiếu bền vững khiến việc liên kết gặp nhiều khó khăn. Nói là liên kết "bốn nhà" nhưng dường như vai trò của nhà khoa học chưa rõ nét. Một hạn chế nữa là DN thường quan tâm tới phần lợi nhuận cho riêng mình, chưa chia sẻ những hạn chế, khó khăn với nông dân nên người dân vẫn thiệt thòi. Bản chất của liên kết là chia sẻ rủi ro, tuy nhiên tình trạng DN ép giá nông dân mỗi khi nông sản được mùa, còn nông dân lại "bội ước" với DN khi bán nông sản cho thương lái với giá cao hơn. Do vậy, phải đẩy mạnh liên kết bằng nhiều hình thức để giúp nâng cao chuỗi giá trị hàng hóa, hình thành vùng sản xuất lớn… Để liên kết "bốn nhà" thành công phải tạo mối liên kết kinh tế giữa DN chế biến nông sản với nông dân phải bảo đảm 3 điều kiện: Có sản phẩm để liên kết; có nhu cầu cần liên kết và có thể liên kết thì sự liên kết mới tạo ra lợi ích chung, từ lợi ích chung mới sinh ra lợi ích riêng cho mỗi bên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vẫn thiếu “nhạc trưởng”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.