Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vẫn thiếu giải pháp khả thi

Gia Bảo| 10/04/2015 06:59

(HNM) - Hệ thống cảng biển TP Hồ Chí Minh thuộc nhóm 5, trong đó, gồm 6 cảng chính là Cảng Cát Lái, Sài Gòn - Hiệp Phước, Phú Hữu, Khánh Hội, Tân Thuận và cụm Cảng ICD. Hằng năm lượng hàng hóa thông quan qua các cảng này ngày càng tăng, trong khi các tuyến đường kết nối trực tiếp hiện quá tải nghiêm trọng.

Xe ra vào Cảng Cát Lái thường xuyên phải xếp hàng kéo dài vì bị ùn tắc ở vòng xoay Mỹ Thủy.
Ảnh: Hoàng Chinh



Hàng tăng, đường xuống cấp

Hiện khu vực Cảng Cát Lái (Quận 2) chiếm tỷ trọng hàng hóa khoảng 54% (xấp xỉ 50 triệu tấn/năm) của TP Hồ Chí Minh và chiếm 13% sản lượng hàng hóa của cả nước. Do đó, khu vực này tập trung lượng xe container lưu thông ra vào cảng rất lớn. Ngoài ra, trên đường Nguyễn Thị Định (ra vào Cảng Cát Lái) vốn đã hẹp, nay tập trung nhiều các depot, bãi hàng nên phát sinh thêm lượng xe container vận chuyển hàng hóa từ các cảng thuộc Quận 7 về, làm tăng thêm áp lực lên tuyến đường.

Mặt khác, sau khi dự án đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đưa vào khai thác, mật độ phương tiện lưu thông trên tuyến Vành đai 2 gia tăng rất lớn, góp phần dẫn đến tình trạng quá tải tại cung đường ra vào Cảng Cát Lái. Theo thống kê của Sở GTVT, hiện có hơn 20.000 lượt xe ra vào cảng mỗi ngày, khiến tình trạng ùn tắc ngày càng nghiêm trọng. Đơn cử, mới đây tại đường vành đai phía Đông (nối đường ra vào cảng), hàng trăm xe tải bị giam hàng giờ đồng hồ liền do tắc đường. Nghiêm trọng hơn, tại khu vực Cảng Trường Thọ (còn gọi là cụm Cảng ICD, quận Thủ Đức) gồm 5 công ty: ICD Transimex, ICD Phước Long, ICD Phúc Long, ICD Sotrans, ICD Tanamexco, trong đó, có 3 ICD nằm cuối Đường số 1 (nối Xa lộ Hà Nội), với bề rộng mặt đường trung bình 7m, không đủ lưu thông 2 chiều, khiến cho tuyến đường luôn rơi vào tình trạng kẹt cứng. Chưa kể, thị phần cụm Cảng ICD chiếm 70% lượng container thông qua các ICD để trung chuyển hàng đi các Cảng Cát Lái, Hiệp Phước, các cảng thuộc khu vực Vũng Tàu về các ICD và ngược lại. Do đó, giờ cao điểm, lượng xe ra vào cảng có thời điểm lên tới khoảng 2.500 xe/ngày, đêm) dẫn đến tình trạng kẹt nhiều giờ liền trên tuyến Đường số 1 và làm ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình giao thông trên tuyến Xa lộ Hà Nội. Mới đây, tuyến Xa lộ Hà Nội xảy ra liên tiếp các vụ tắc đường kỷ lục kéo dài gần 10 giờ đồng hồ, do quá tải hàng hóa container ra vào cụm Cảng IDC.

Đáng nói, tại khu vực Cảng Phú Hữu (Quận 9), tuyến đường Nguyễn Duy Trinh (nối Quận 2) được xem là độc đạo để đưa hàng hóa ra vào cảng. Thế nhưng, hiện tuyến đường này hoàn toàn không phù hợp cho tính chất khai thác phục vụ cảng biển, khi bề rộng chỉ từ 6,5m đến 7m. Đầu năm nay, trên tuyến đường Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Xiển xảy ra 4 vụ TNGT làm 4 người chết. Nguyên nhân chủ yếu do mặt đường hẹp dẫn đến xe container và xe 2 bánh lưu thông trên cùng làn đường. Trong khi, tại khu vực Cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè), dù Cảng Hiệp Phước đưa vào khai thác giai đoạn 1 nhưng tại giao lộ Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ vào các giờ cao điểm vẫn thường xuyên xuất hiện tình trạng ùn ứ xe do mật độ phương tiện lưu thông rất lớn từ các tỉnh miền Tây qua đây để ra vào thành phố. Dự báo lượng xe lưu thông ra vào cảng thông qua giao lộ Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh sẽ gia tăng nếu Cảng Hiệp Phước xây dựng hoàn thiện. Tương tự, tại khu vực Cảng Khánh Hội - Tân Thuận (Quận 4 và 7), do tuyến đường trục chính Nguyễn Tất Thành đã quá hẹp, trong khi hằng ngày có hàng chục nghìn lượt phương tiện lưu thông qua đây, gây nên ùn ứ kéo dài cả tuyến đường.

"Kẹt"… giải pháp

Ông Vũ Kiến Thiết, Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 (Khu 2 - thuộc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh) cho biết, Khu 2 đã nhiều lần kiến nghị lên Sở GTVT về việc lập dự án mở rộng đường vào cụm Cảng ICD (Đường số 1, tăng bề rộng từ 7m lên 13m) nhưng thành phố vẫn chưa bố trí được vốn nên dự án chưa thực hiện được.

Tương tự, theo ông Vũ Kiến Thiết, đối với Cảng Phú Hữu, Khu 2 cũng đề xuất nâng cấp và mở rộng tuyến đường trong giai đoạn 1 lên tới 16m, nhưng với số vốn 350 tỷ đồng thì đến nay dự án vẫn "nằm trên giấy". Hiện Khu 2 cũng chỉ đưa ra giải pháp tình thế là hạn chế các loại xe tải trên 5 tấn lưu thông trên 2 tuyến đường Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Xiển trong khoảng thời gian từ 6h đến 22h hằng ngày. Còn tại khu vực Cảng Cát Lái, Khu 2 cũng đã có báo cáo đề xuất lên Sở GTVT xây dựng nút giao thông khác mức tại nút giao Vành đai 2 - Đồng Văn Cống (tại vòng xoay Mỹ Thủy) để giải quyết tình trạng trên. Mới đây UBND thành phố đồng ý về mặt nguyên tắc và giao cho Sở GTVT chủ trì thực hiện, thế nhưng với số vốn dự kiến đầu tư giai đoạn 1 là 500 tỷ đồng, thì hiện vẫn đang tắc...

Đối với Cảng Hiệp Phước, ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở GTVT thành phố cho biết, UBND thành phố vừa phê duyệt xây dựng dự án tuyến đường D3 (nối trực tiếp từ cảng với hệ thống đường bộ) sau nhiều năm tắc nghẽn. Dự án sẽ được thực hiện theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao). Sau khi hoàn thành, tuyến đường sẽ kết nối giao thông đường bộ, từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trong khu công nghiệp Hiệp Phước giai đoạn 2. Thế nhưng, nếu kế hoạch thực hiện đúng tiến độ thì cũng phải đến cuối năm 2016 tuyến đường mới xong.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vẫn thiếu giải pháp khả thi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.