Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vẫn thách thức người làm điện ảnh

Hà Dương| 18/11/2012 06:50

(HNM) - Cuối năm nay sẽ có cuộc hội thảo khoa học lớn với chủ đề sáng tạo văn học nghệ thuật trong thời kỳ đổi mới đất nước về đề tài lịch sử, do Hội đồng Lý luận phê bình VHNT TƯ tổ chức.

Trước thềm sự kiện này, các hội chuyên ngành đều có những hội thảo về đề tài lịch sử trong lĩnh vực của mình. Với Hội Điện ảnh Việt Nam, những bàn luận về "nhân vật lịch sử" mở hướng cách làm trong tương lai.

Đề tài về nhân vật lịch sử là mảnh đất màu mỡ cho các nhà làm phim nhưng chưa được khai thác nhiều.


Tiềm năng còn bỏ ngỏ

"Nhân vật lịch sử" hàm nghĩa những người có tác động tích cực tới sự phát triển của đất nước, tô điểm cho lịch sử dân tộc. Do đó, khái niệm này không bao hàm những nhân vật phản diện. Các nghệ sĩ điện ảnh đều khẳng định "nhân vật lịch sử" là tiêu điểm của phim truyện Việt Nam.

Tuy nhiên, như nhà lý luận phê bình Trần Luân Kim nhận định: "Thực tiễn sáng tác nhiều năm qua cho thấy phim đề tài lịch sử nước ta tiến bước trong trạng thái ngập ngừng. Dù đã quyết tâm nhưng vẫn chưa bao giờ thoát khỏi quy mô sản xuất nhỏ lẻ". Bối cảnh phim truyện lịch sử như vậy, đương nhiên nhân vật lịch sử được phản ánh đề cập cũng chưa đủ rộng và đủ sâu. Điện ảnh cách mạng Việt Nam năm 1971 đã đưa hình ảnh Trần Quốc Toản lên màn ảnh rộng. Sau này, Việt Nam đã có nhiều phim khai thác hình tượng Bác Hồ ở nhiều giai đoạn khác nhau. Nhưng, như nhà văn Hà Phạm Phú nhận định thì dù đã ít nhiều thành công, nhưng công chúng vẫn mong đợi sự sáng tạo xuất sắc hơn nữa. Gần đây, nhân dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, phim lịch sử có cơ hội thực hiện nhiều hơn, nhân vật lịch sử xuất hiện trong điện ảnh nhiều hơn. Tuy nhiên, tất cả chưa thấm gì với nguồn cảm hứng từ các nguyên mẫu lịch sử. Tại hội thảo về đề tài nhân vật lịch sử do Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, TS Vũ Ngọc Thanh, đạo diễn Đào Bá Sơn… cùng chia sẻ về nhiều nhân vật lịch sử tiêu biểu có thể bước vào điện ảnh như Trần Hưng Đạo, Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp…

Bên cạnh nhiều bậc vua hiền, các văn nhân, võ tướng được lịch sử ghi công, vẫn còn không ít những số phận khác, dù chỉ xuất hiện đôi ba dòng trong sử sách nhưng sự gợi mở về chiều sâu nhân văn và công lao của họ với dân tộc không hề hạn hẹp. Chỉ nói riêng về nhân vật nữ thì ngoài Hai Bà Trưng, Bà Triệu còn có tấm gương hy sinh vì nước như các công chúa An Tư, Huyền Trân…

Tiềm năng từ đề tài nhân vật lịch sử rất lớn, công chúng thì chờ đợi, nhưng mảnh đất màu mỡ ấy chưa xới xáo được bao nhiêu là bởi còn có những e ngại, băn khoăn về chuyên môn, những tính toán về đầu tư...

Đi tìm bí quyết sáng tạo

"Dính" đến nhân vật lịch sử thì phần sử liệu phải mạnh, cả cái đo đếm được và những điều chỉ có thể cảm nhận. Trong khi đó, cái khó ở chỗ phim truyện là phải có hư cấu, nói, kể thế nào để vừa tôn trọng sự thật lịch sử mà vẫn thỏa chí sáng tạo của người nghệ sĩ. Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn nói: "Nhà làm phim không phải là nhà sử học và bộ phim truyện lịch sử của họ làm không phải là một tấm gương phản chiếu lại lịch sử như một bản sao. Họ cần giải mã những tình tiết bao quanh cuộc đời nhân vật lịch sử với góc nhìn nhân văn, nhằm đưa ra một hình tượng đáng tin cậy". Vị đạo diễn này gợi ý: "Cần đưa các nhân vật lịch sử vào phim một cách có trách nhiệm, tức công nhận ý nghĩa vai trò của họ với lịch sử. Mọi thay đổi và sáng tạo phải thích hợp với ngữ cảnh chung của hoàn cảnh lịch sử mà bộ phim mô tả".

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần phân tích việc "bếp núc" ở một khía cạnh khác: "Để xây dựng nhân vật lịch sử làm nòng cốt cho phim, người làm phim nhất định phải có những hiểu biết sâu sắc về lịch sử liên quan đến nhân vật mà mình chọn. Quá trình tự nhận thức lịch sử như vậy mới giúp cho nghệ sĩ sáng tạo tác phẩm thể hiện được quan điểm, tình cảm, sự độc đáo của mình".

Nhiều ý kiến của nhà biên kịch, nhà lý luận phê bình, nhà văn, nhà nghiên cứu lịch sử khác cho thấy có mấy điều làm nên bí quyết xây dựng nhân vật lịch sử trong phim truyện. Đó là bản thân bộ phim không thể và không bao giờ nên minh họa lịch sử. Để có một bộ phim hay, nhân vật thuyết phục, sống động, nhà làm phim phải dày công nghiên cứu lịch sử. Và cuối cùng là cần khả năng sáng tạo đậm dấu ấn cá nhân để giải mã sự kiện. Nói như nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm: Quyền hư cấu là vô biên, miễn sao nó góp phần phát hiện và tìm ra 100% sự thật. Một sự thật thiêng liêng của lịch sử tự nó đã có sức sống vượt thời gian. Bí quyết do chính các nhà điện ảnh tổng kết như vậy, nhưng chắc chắn rằng sự áp dụng, độ gia giảm các yếu tố phụ thuộc vào mỗi chủ thể sáng tạo. Cũng nên chia sẻ thêm về đóng góp của nhà văn Lê Phương, rằng điều kiện kinh tế đến đâu thì làm đến đó, chọn những mảng vừa sức mình để khai thác.

Làm phim truyện lịch sử chắc chắn không phải là nỗi trăn trở của riêng các nhà làm điện ảnh. Thêm một thế hệ sinh ra, lớn lên là lịch sử lùi xa thêm một chút. Phim truyện khắc họa nhân vật lịch sử một cách sâu sắc chính là phương tiện kết nối con cháu với cha ông, tiếp sức cho ta từ chính những đau đớn, buồn vui lịch sử…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vẫn thách thức người làm điện ảnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.